Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rộn ràng rước Bản sắc phong gốc về làng

Cập nhật ngày: 16/04/2014 - 06:18

Đó là các bản sắc gốc do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Thư viện KHTH thành phố HCM phối hợp với UBND phường Xuân Phú, Kim Long, Thuỷ biều, và UBND các phường, xã có các làng, các dòng họ tham gia chương trình số hoá tài liệu Hán – Nôm năm 2013 đã tổ chức trao tặng.

Theo đó, làng Kim Long được trao 3 sắc: Sắc phong cho thần Thổ Đức, niên đại Tự Đức năm thứ 3 (1850), sắc phong Thần Thổ Đức, Hoả Đức niên đại Tự Đức năm thứ 33 (1880), Quan Thánh Đế Quân, niên đại Đồng Khánh năm thứ 2 (1887). Làng Lương Quán 1 sắc: thần Thành hoàng làng niên đại Tự Đức năm thứ 5 (1852). Làng Vân Dương 1 sắc: Quan Thánh Đế Quân, niên đại Đồng Khánh năm thứ 2 (1887).

Sau khi các làng nhận sắc gốc sẽ cung nghinh về và làm lễ an vị sắc tại các đình làng theo nghi thức truyền thống.

Ngoài ra, còn có hoạt động trao tặng đĩa CD-ROM tài liệu Hán – Nôm và Ấn phẩm kỷ niệm cho các làng, phủ, dòng họ đã tham gia chương trình số hoá tài liệu Hán – Nôm năm 2013 gồm: 7 phủ: Phong Quốc Công, An Thường Công Chúa, Hàm Thuận Công, Khương Quận Công, Chi II-Nguyễn Phúc Giản, Kiến Hoà Quận Công, Tân An Quận Công, và 9 làng: Lại Thế, Nam Phổ, An Nhơn, Phổ Trì, Chiết Bi, An Hoà, Thanh Chữ, An Vân, Phù Bài với 25 họ tộc.

Trung tâm lưu trữ quốc gia IV cũng trao tặng phiên bản mộc bản, ảnh chụp bản gốc và bản dập Mộc bản “Hoàng Thành nội” cho thành phố Huế.

Ông Đặng Văn Thiềm, trưởng làng Lương Quán tự hào: “Chúng tôi rất vui vì nhận được bản sắc phong. Làng chúng tôi có tổng cộng 9 bản sắc phong, hi vọng với dự án sưu tầm, số hoá tài liệu Hán – Nôm làng xã sẽ tìm lại được các bản sắc phong đã thất lạc, lưu giữ nét văn hoá muôn đời”.

Đến với buổi lễ, có rất nhiều các bạn trẻ yêu lịch sử, tất cả các bạn trẻ đều thích thú ngắm nhìn, và tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử và nét văn hoá tiềm ẩn trong các bản sắc phong được trưng bày ở đây. Lê Thị Tuyết, sinh viên trường Đại học Khoa học nói: “Đây là một cơ hội để chúng em tiếp xúc với văn hoá làng xã, tìm hiểu về lịch sử, nét văn hoá Huế nói riêng và văn hoá Việt nói chung”.

Từ năm 2009 đến năm 2013, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã hợp tác với Thư viện KHTH thành phố Hồ Chí Minh triển khai Dự án – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Sưu tầm, số hoá tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế”.

Dự án nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn di sản Hán – Nôm trên địa bàn của tỉnh TT. Huế. Đồng thời, tôn vinh những giá trị văn hoá làng xã – bản chất lịch sử chủ yếu kiến tạo nên những giá trị đặc trưng văn hoá Huế.

Tổng cộng 5 năm: Đã số hoá tại 26 làng trên 116 họ và gia đình, 12 phủ. Tổng số trang tài liệu: 104.552 trang.

Hòm bộ làng có quy mô lưu trữ lớn nhất là làng Phù Bài, xã Thuỷ Phù, thị xã Hương Thuỷ. Tài liệu Hán – Nôm được bảo quản theo truyền thống lệ làng chặt chẽ từ xưa đến nay với trên dưới 20 ngàn trang tài liệu đủ các loại hình, phản ánh khá đầy đủ lịch sử, văn hoá, hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng các họ tộc của một làng quê đặc trưng ở Thừa thiên Huế dưới các triều đại phong kiến thông qua văn bản Hán – Nôm của làng.

Đặc biệt, tại đây còn giữ được bộ Hoàng Việt Luật Lệ - Bộ luật thời vua Gia Long quý in ấn và phát hành năm Gia Long thứ 12 (1814).

Trao bản sắc gốc cho làng Lương Quán

 Trao tặng đĩa CD-ROM tài liệu Hán – Nôm và Ấn phẩm kỷ niệm cho các làng, phủ, dòng họ

Trao tặng phiên bản mộc bản, ảnh chụp bản gốc và bản dập Mộc bản “Hoàng Thành nội” cho thành phố Huế.

Phiên bản mộc bản “Hoàng Thành nội”

Các bản sắc phong được đặt ở vị trí trang nghiêm, trân trọng

Cờ hoa rước sắc phong về làng

Sắc phong của vua Đồng Khánh gia tặng mỹ hiệu Dực Báo Trung Hưng cho 2 vị thần là Hiền Văn Chiêu Tiết Phương Du Tuấn Vọng Quang Ý, kỹ mùi khoa tiến sĩ, Phi vận tướng quân, Tùng Giang văn Trung trung đẳng thần và Thần thành hoàng Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng, ở xã Lương Quán, huyện Hương Thuỷ, phủ Thừa Thiên. Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).

Theo Danviet