Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rộn ràng tết Khmer 

Cập nhật ngày: 21/04/2021 - 15:58

BTN - Năm 2021, nhờ sự nỗ lực của cả nước, dịch bệnh được khống chế hiệu quả, cuộc sống an toàn, Chol Chnam Thmay năm nay lại trở nên rộn ràng đối với bà con người Khmer.

Một số hoạt động trong ngày Tết Chol Chnam Thmay.

Hằng năm, bắt đầu vào thượng tuần tháng tư dương lịch là xóm tôi lại nôn nao chờ đón tết Chol Chnam Thmay - tết cổ truyền của bà con dân tộc Khmer. Hai năm qua, vì đại dịch Covid- 19 hoành hành, tất cả các hoạt động lễ hội đều phải tạm dừng. Năm 2021, nhờ sự nỗ lực của cả nước, dịch bệnh được khống chế hiệu quả, cuộc sống an toàn, Chol Chnam Thmay năm nay lại trở nên rộn ràng đối với bà con người Khmer.

Tân Châu quê tôi là huyện biên giới, với 4 xã Tân Hà, Tân Ðông, Tân Hoà và Suối Ngô có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. Vì thế, ở 4 xã này có rất nhiều bà con người Khmer sinh sống, tập trung đông nhất là ở ba ấp Suối Dầm, Tầm Phô và Kà Ốt của xã Tân Ðông. Chol Chnam Thmay năm nay diễn ra trong ba ngày, từ 14 - 16.4 dương lịch. Ðây là dịp để bà con Khmer đón chào năm mới, tri ân tổ tiên, thực hiện nghi lễ Phật giáo và đoàn tụ gia đình sau một năm làm lụng vất vả.

Những ngày trước tết, nhà ai cũng trang hoàng, quét dọn sạch sẽ, người lớn trẻ con sắm sửa quần áo mới. Cánh đàn ông lo đi tảo mộ ông bà và rước các sư cầu siêu, cầu an (bà con Khmer ở Tân Châu không có tục hoả thiêu sau khi mất, mà chôn tập trung vào các nghĩa địa như người Kinh). Phụ nữ chuẩn bị cho nghi lễ trong ba ngày tết và các vật phẩm làm bánh mứt cổ truyền như: bánh tét, bánh ít, bánh gừng, bánh bò và các loại mứt…

Chol Chnam Thmay là tết cổ truyền của bà con dân tộc Khmer, nhưng giờ hỏi ra nguồn gốc thì lớp trẻ ít ai biết. Truyền thuyết cho rằng: “Thuở xa xưa có một người tên là Dhammabal Palakumar, ông là một người cực kỳ thông minh, có thể trả lời tất cả những câu hỏi cho dù là khó nhất.

Ðại Phạm Thiên biết được rất tức giận, một hôm ông xuất hiện trước mặt Dhammabal Palakumar và đưa ra ba câu hỏi cực kỳ khó, đó là “buổi sáng có thể tìm hạnh phúc ở đâu, buổi chiều và buổi tối tìm ở đâu?”.

Ðại Phạm Thiên nói rằng nếu không trả lời được thì sẽ bị mình chặt đầu, còn nếu ông trả lời được thì Ðại Phạm Thiên sẽ tự chặt đầu mình. Dhammabal Palakumar nghe xong rất buồn và đi vào rừng, đột nhiên ông nghe hai con chim đại bàng nói với nhau rằng “vào buổi sáng hạnh phúc hiện diện ở trên mặt, buổi chiều ở trên thân thể và buổi tối thì nằm ở đôi chân”, đây chính là nguồn gốc tập tục người Khmer vào ngày tết dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối.

Ông trở về và đem câu trả lời đó đối đáp với Ðại Phạm Thiên, thế là ngài chịu thua và phải tự chặt đầu mình. Ðại Phạm Thiên có bảy người con gái, sau khi tự cắt đầu mình, ông đã giao cho người con gái thứ nhất đặt vào tháp, từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày Ðại Phạm Thiên tự sát, bảy cô con gái của ngài xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tudi, đi theo hướng mặt trời vòng quanh chân núi ba lần.

Mỗi năm một cô gái bưng một lần theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ngày rước đầu lâu là ngày thiên hạ thái bình nên đó cũng là ngày đầu năm mới của người Khmer”. Còn về thực tế đời sống thì Chol Chnam Thmay là tết đón năm mới, tết chịu tuổi, là một trong các lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm của người Khmer.

Bà con đón tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được bình an, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Chol Chnam Thmay diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất 14.4: Từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mọi người chọn ra một giờ tốt, tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp và mang theo lễ vật vào chùa làm lễ rước Ðại lịch gọi là Maha Sangkran.

Một vị Acha hướng dẫn mọi người xếp thành hàng chỉnh tề và đi ba vòng quanh chánh điện của chùa làm lễ, sau đó vào chánh điện làm lễ Phật, tụng kinh mừng năm mới. Khi đêm xuống, trai gái trong ấp tập trung về sân chùa để tham gia múa hát. Các điệu múa lâm thôn, dù kê… được họ biểu diễn thật uyển chuyển.

Ngày thứ hai 15.4: Buổi sáng, các gia đình phật tử làm lễ dâng cơm cho sư sãi và làm lễ Ðặt bát. Sau khi thọ thực, nhận cúng dường, các sư đáp lại bằng lễ tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói chưa được siêu thăng, tiếp theo là các sư làm lễ chúc phúc cho phật tử.

Buổi chiều, bà con các ấp tập trung làm lễ đắp núi cát. Mọi người tìm cát sạch đem đến chùa, theo chỉ dẫn của vị Acha, đắp thành tám ngọn núi nhỏ ở tám hướng và một ngọn lớn ở chính giữa. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Tiếp theo là phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau làm lễ xuất thể.

Về tục đắp núi cát thì có nhiều truyền thuyết khác nhau, như câu chuyện sau: "Thời đức Phật còn tại thế, ở một phum sóc nọ có một người chuyên sinh sống bằng nghề săn bắn. Khi săn bắn được chim thú, anh ta làm thịt rồi đưa ra chợ để trao đổi các loại hàng hoá khác.

Một ngày kia, khi thấy chư tăng đến nhà mình thọ thực, người thợ săn bố thí cho chư tăng một nắm cơm. Vì cuộc sống, việc sát sinh vẫn diễn ra hằng ngày nên khi chết, anh ta bị Diêm Vương cho bắt mang xuống âm phủ để trị tội. Người thợ săn bị đao phủ ném vào chảo dầu đang sôi sùng sục.

Nhưng lạ thay, khi bị ném đến miệng chảo dầu thì anh ta lại dội ra. Mấy lần như thế, Diêm vương mới tra hỏi: “Lúc ở trần gian mi có làm phước gì không?”. Do không thể nhớ ra nên người thợ săn trả lời rằng không. Ðao phủ lại tiếp tục ném người thợ săn vào chảo và người thợ săn lại dội ra như những lần trước.

Ðột nhiên, khi thấy ngọn lửa đỏ, người thợ săn chợt nhớ đến màu áo cà sa của chư tăng mà mình từng thấy lúc bố thí nắm cơm. Anh ta bèn tâu với Diêm vương rằng lúc ở trần gian có bố thí nắm cơm cho chư tăng. Diêm vương tạm thời tha chết và cho anh ta đi đầu thai ở cõi thiên đàng trong vòng một tuần lễ trước khi trở về âm phủ thọ hình.

Ở thiên đình, người thợ săn lấy vợ là một nàng tiên vừa đẹp lại rất thông minh. Sau khi nghe câu chuyện của chồng, nàng tiên nghĩ ra một cách để chồng mình khỏi phải trở về âm phủ chịu tội sau khi hết hạn một tuần lễ nơi thiên đình. Nàng bảo chồng đắp một ngọn núi bằng cát và làm lễ khánh thành trước khi kỳ hạn một tuần đến.

Chàng thợ săn làm đúng như lời chỉ vẽ của vợ. Thời hạn một tuần kết thúc, Diêm vương cho đao phủ lên bắt chàng thợ săn trở về trị tội sát sinh. Khi bọn đao phủ đến trước cổng thành quách của nàng tiên, nàng bước ra và nói với bọn chúng rằng: “Nếu các ngươi đếm hết số hạt cát trong ngọn núi này thì ta sẵn sàng để chồng ta cùng các người trở về âm phủ chịu tội. Ngược lại, nếu không đếm hết thì không được bắt chồng ta đi!”.

Bọn đao phủ đồng ý và bắt đầu đếm. Nhưng đếm mãi, đếm mãi cả buổi sáng, rồi cả ngày mà không được một nắm so với ngọn núi cát khổng lồ. Bọn đao phủ đành chịu thua, ra về. Nhờ mưu trí của vợ, chàng thợ săn thoát tội và trở thành tiên ông sống êm ấm, hạnh phúc nơi thiên đàng". Biết hướng thiện là điều quý nhất. Con người ai cũng muốn thoát khỏi mọi khổ đau để đi đến bến bờ hạnh phúc. Và chỉ có đức từ bi và tinh thần trí tuệ mới giúp chúng ta giải thoát.

Ngày thứ ba 16.4: Ngày thứ ba làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Buổi sáng, sau khi dâng cơm sáng cho các sư, mọi người tiếp tục nghe thuyết pháp về những vấn đề nhân quả, tội phúc, làm lành lánh dữ.

Buổi chiều, mọi người bắt đầu đốt nhang đèn, dâng các lễ vật và đem các bình nước có ướp hương hoa thơm đến tắm tượng Phật. Biết ơn và tưởng nhớ Ðức Phật đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý, vạn sự tốt lành.

Ðầu tiên thực hiện nghi lễ này là vị sư cả, tiếp theo là các vị tì kheo rồi đến các sadi, cuối cùng là các phật tử tại gia. Sau khi hành lễ tại chùa, mọi người rước các nhà sư tới nghĩa trang để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn của ông bà tổ tiên và những người quá cố.

Xong, ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà riêng của mình, dâng cỗ lễ chúc phúc cho ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ, sang năm mới mọi người sẽ phấn đấu để cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn về mọi mặt.

Ðào Thái Sơn