Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, nhiều hộ gia đình tại Xóm Củi (ấp 1 và ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) lại tất bật với công việc, tranh thủ thu gom củi nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Rộn ràng Xóm Củi
Thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, anh Dương Văn Đây (ngụ ấp Trảng Ba Chân) nhóm bếp củi chiên lại cơm nguội chiều hôm qua, hâm đồ ăn kèm để mang theo chuyến đi lấy củi trong ngày. Anh Đây kiểm tra lại đồ nghề dây xích, dây dù, mài rựa, mài lưỡi máy cưa, đổ dầu diesel cho chiếc máy cày loại nhỏ… Đến khoảng 7 giờ, anh Đây lái máy cày kéo theo rơ-moóc chạy đến những khu vực đất bỏ hoang trên địa bàn ấp Trảng Ba Chân.
Trước đó, anh Đây đã liên hệ chủ đất để xin hoặc mua những cây thân gỗ chết khô, cây xanh mọc hoang trong thửa đất và theo ranh giáp vườn cao su đế cắt làm củi. Đa số chủ đất đều cho anh Đây cưa hạ cây để lấy củi mà không thu phí, nhằm dọn sạch mặt bằng, phòng cháy. Số ít chủ đất bán cây cho anh Đây với giá rẻ, chủ yếu cũng nhằm dọn dẹp mặt bằng đất thoáng đãng.
Sau khi cưa hạ cây, anh Đây luôn xử lý gọn gàng cành, nhánh, lá cây, bụi rậm tại điểm lấy củi, xem như một cách trả ơn cho chủ đất. Anh phân đoạn cây đã cưa hạ thành 3 loại củi: củi tạp (thường gọi ba-gết) là các cành, nhánh cây có đường kính dưới 10cm; củi đòn đường kính khoảng từ 10-15 cm; gỗ bao bì có đường kính từ 15cm trở lên.
Củi tạp và củi đòn được cưa phân đoạn dài từ 80-90cm, tuỳ theo yêu cầu của khách hàng; gỗ bao bì phân chuẩn đoạn dài 110cm. Đây cũng là cách phân đoạn củi của nhiều người dân làm nghề này tại địa phương.
Anh Dương Văn Đây cho hay, cứ mỗi độ xuân về, đặc biệt là trong những ngày giáp tết nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ củi của người dân, thương lái trong và ngoài tỉnh tăng cao. Do vậy, những người làm nghề củi tại khu vực ấp 1 và ấp Trảng Ba Chân tranh thủ thu gom củi thật nhiều để phục vụ khách hàng.
Trên địa bàn 2 ấp này hiện có khoảng vài chục hộ gia đình làm nghề củi. Ngoài ra, tại các khu dân cư dọc theo tỉnh lộ 794 như khu vực gần ngã ba Kà Tum, cầu Suối Ngô, ấp Con Trăn, cầu Sài Gòn cũng có nhiều hộ dân làm nghề củi. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 12 âm lịch, tiếng máy cắt, máy cưa, máy cày của các hộ dân làm củi rộn ràng hơn hẳn những tháng trước.
Anh Đây chia sẻ thêm, hầu hết số củi khai thác trong ngày được vận chuyển về nhà, sau đó cưa phân đoạn, sắp xếp thành dãy dài. Cũng có trường hợp phân đoạn củi ngay điểm khai thác và để tại đó nếu tiện đường cho xe của thương lái đến thu mua.
Củi được bán theo hình thức đo mét vuông, củi tạp có giá khoảng 180 ngàn đồng/m2, củi đòn dao động từ 270 ngàn-320 ngàn đồng/m2, gỗ bao bì khoảng 700 ngàn đồng/m2, tuy nhiên cũng còn tuỳ vào củi thuộc loại gỗ nào, khi đốt than lâu tàn hay nhanh tàn mà giá sẽ cao hoặc thấp hơn.
Anh Nguyễn Minh Hải (ngụ ấp 1), một người dân làm nghề củi hơn 10 năm qua cho biết, nếu củi để bên bán tự xếp sẵn thành dãy thì khi đo mét vuông sẽ được áp giá thấp hơn để bên mua tự xếp lên xe rồi mới đo mét vuông.
Lý do, thương lái phải xếp củi thật chặt, khít, nhằm bảo đảm an toàn khi xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ, việc này được cho là bị “hao củi” đối với bên bán nên giá phải được tính cao hơn (khoảng từ 30 ngàn-40 ngàn đồng/m2).
Nghề không dễ dàng
Cùng làm nghề củi như nhiều hộ gia đình khác trong những ngày cận tết, ông Dương Văn Minh và người con trai út Dương Văn Liền (ngụ ấp Trảng Ba Chân) cũng tất bật thu gom củi từ lúc sáng sớm đến chiều tối. Ông Minh cho biết, gia đình làm nghề này được 28 năm. Nguồn củi chính được ông Minh thu gom là cành, nhánh, cây cao su gãy, đổ tại các nông trường trên địa bàn, và có hợp đồng với phía nông trường cao su.
Theo đó, người thu gom củi chỉ được lấy cây, nhánh, cành cao su gãy, đổ; không được làm bể chén hứng mủ, hư hỏng máng chống nước mưa. Sau khi lấy củi xong phải thu dọn cành, lá để ngay ngắn giữa lô nhằm không gây cản trở lối đi của công nhân cạo mủ.
Đối với những cây bị nghiêng, ngã, nhánh to gãy nhưng chưa lìa khỏi thân cây, mặc dù có dấu hiệu không còn khả năng cho mủ nhưng người lấy củi vẫn phải báo với bảo vệ nông trường đến ghi nhận, đánh giá kỹ trước khi cưa lấy củi.
Chính vì những yêu cầu khắt khe như vậy, nên đại diện các chủ vườn cao su thường chỉ chọn những người làm nghề củi lâu năm trong vùng, trung thực trong việc báo cáo tình hình cây cao su gặp sự cố.
Người được chọn giao việc này có quyền chủ động ra vào vườn cao su để xử lý cây đổ, nghiêng, ngã nhằm tránh nguy cơ gây nguy hiểm cho công nhân cạo mủ, dọn dẹp thông thoáng lô cây trồng. Trường hợp lấy củi từ thân cây cao su sẽ phải trả phí theo quy định của hợp đồng. Đối với các cành, nhánh gãy đổ, phía chủ vườn cho lấy củi và không thu phí, xem như một cách hỗ trợ người làm nghề.
Cha con ông Minh làm việc rất có trách nhiệm với nghề củi nên cũng được nhiều người dân trồng cao su trong vùng yêu mến, hỗ trợ cho củi khi có cao su gãy đổ. Ngoài ra, những tư nhân trồng rừng sau khi thanh lý cây cũng liên hệ ông Minh để cho tận thu cành, nhánh làm củi. Trung bình, trong ngày làm việc từ sáng sớm đến chiều tối, hai cha con ông Minh sau khi trừ các khoảng chi phí kiếm được khoảng 600 ngàn đồng.
Nghề củi là một công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Có chứng kiến cha con ông Minh tận thu củi tại một diện tích rừng trồng đã thanh lý cây giáp vườn cao su, chúng tôi mới thấu hiểu nhiều hơn về một cái nghề kiếm sống quả thật không dễ dàng.
Ông Minh và người con trai thay phiên nhau chui vào trong các bụi rậm để lôi cành, nhánh cây ra ngoài chỗ trống để cưa củi. Trong khi đó, kiến vàng, kiến nhọt, các loại ong thường làm tổ trong bụi rậm liên tục tấn công nhưng hai cha con vẫn kiên quyết lôi cho bằng được những cành cây ra khỏi bụi rậm. Khắp cơ thể nổi mẩn do bị côn trùng đốt, mồ hôi ướt đẫm như tắm nhưng ông Minh và anh Liền vẫn hì hục vác những khúc củi nặng trịch chất lên rơ-moóc xe máy cày.
Đến khoảng 12 giờ, ông Minh và anh Liền tạm nghỉ tại chỗ dưới bóng râm cây cao su gần đó để ăn cơm trưa. Vừa ăn cơm, ông vừa tâm sự, mùa này đã hết mưa nên cao su không gãy đổ nhiều.
Hơn nữa, phần lớn diện tích trồng cao su trên địa bàn xã Suối Ngô và các vùng lân cận đã đến kỳ thanh lý khai thác trắng để trồng lại cao su non, nên lượng củi không còn nhiều như trước. Những người làm nghề này đành phải tranh thủ kiếm thêm lượng củi ngoài nông trường để phục vụ khách hàng dịp tết, giữ mối mang mua củi.
“Làm nghề củi sợ nhất là các loại rắn, rết, bò cạp, ong có nọc độc ở lẩn khuất trong bụi rậm, lá ủ. Khi trời mưa, giông gió, người lấy củi trong vườn cao su luôn đối diện với nguy cơ bị cây, cành, nhánh gãy đổ rơi trúng.
Việc cưa hạ cây cũng đã xảy ra nhiều trường hợp cây đổ ngã đập ngược trở lại hướng người khai thác củi. Trong khi phân đoạn củi, nếu người cầm máy cưa mất tập trung, thiếu kinh nghiệm để vết cắt trúng phải mắt nhánh có lõi gỗ cứng, hoặc đá nằm dưới thân cây trên mặt đất, có thể bị lưỡi cưa nảy vào chân…”- anh Dương Văn Liền chia sẻ về những tình huống nguy hiểm của nghề củi.
Hơn 13 giờ, cha con ông Minh tiếp tục vào việc thu gom củi. Tiếng máy cưa cứ liên tục gầm rú giữa diện tích rộng lớn của khu rừng trồng đã thanh lý cây. Mọi hoạt động lấy củi đều diễn ra dưới nắng trời gay gắt như thiêu đốt.
Đến khoảng 17 giờ, trên rơ-moóc xe máy cày vẫn chưa đầy củi như mong muốn nhưng trời dần sập tối và đường xa nên công việc phải tạm dừng trong ngày. Cũng là lúc hai cha con ông Minh mệt lả người, quần áo lấm lem mạt cưa, nhựa cây, bụi bẩn, mồ hôi nhễ nhại, tay chân trầy xước do khuân vác củi.
Trên đường về nhà, chúng tôi thấy không ít người cùng làm nghề củi từ trong những cánh rừng cao su lái máy cày chở củi rẽ ra trục đường chính. Ai cũng lấm lem, mệt nhọc nhưng luôn nở nụ cười chào hỏi khi gặp nhau.
Vừa về đến bìa Xóm Củi, chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa, máy cắt vang rền phát ra từ các hộ gia đình làm nghề củi. Mọi người như đang hối hả tăng tốc hoàn thành các dãy củi thành phẩm, để kịp thời phục vụ cho khách hàng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Trường Lộ