Theo dõi Báo Tây Ninh trên
ICC có thể tự đưa mình vào thế đối đầu với Mỹ và mất đi hoàn toàn động lực ủng hộ từ Washington nếu thông qua lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu.
Mối quan hệ giữa Mỹ với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hơn 25 năm qua đã vài lần chuyển từ ủng hộ lý tưởng sang đối địch hoàn toàn và hai thái cực này chỉ cách nhau trong gang tấc.
Giờ đây, với việc công tố viên trưởng ICC Karim Khan tuyên bố đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì chiến dịch tại Dải Gaza, một năm sau khi phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xung đột ở Ukraine, ICC dường như đang muốn khẳng định tính độc lập của mình. Nhưng cái giá phải trả là mất đi động lực hỗ trợ và vị thế ngoại giao mà chỉ các siêu cường như Mỹ mới có thể mang lại cho họ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp nội các ở Tel Aviv tháng 12/2023. Ảnh: AFP
Mỹ không phải là thành viên ICC nhưng chỉ vài tuần trước, ICC được Washington coi là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm buộc Moskva phải chịu trách nhiệm về chiến dịch tại Ukraine. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons đã bắt tay nhau để bảo đảm nguồn tài trợ của Mỹ cho ICC. Đây là điều khó có thể tưởng tượng được khi vào năm 2020, chính quyền tổng thống Donald Trump đã áp đặt trừng phạt với công tố viên lúc bấy giờ của ICC vì xem xét các cáo buộc về tội ác chiến tranh chống lại lực lượng Mỹ ở Afghanistan.
Hôm 20/5, Graham và Coons đã cùng với Tổng thống Joe Biden lên án hành động của công tố viên Khan nhằm vào Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người mà ông cáo buộc đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người khi gây ra nạn đói và thương vong dân thường tại Dải Gaza.
Israel khẳng định họ vẫn tuân thủ luật giao tranh và tìm cách giảm thiểu thương vong cho dân thường trong khi theo đuổi các mục tiêu quân sự chính đáng.
Cả hai thượng nghị sĩ Mỹ đều nói công tố viên Khan coi thường nghĩa vụ theo luật định của ICC là chỉ hành động khi một quốc gia không thể hoặc không buộc các quan chức cấp cao của họ phải chịu trách nhiệm. Hai ông cho rằng hệ thống pháp luật Israel đã được chứng minh là có khả năng thực hiện chức năng trên.
"Công tố viên Khan say sưa với tầm quan trọng của bản thân và đã gây ra nhiều thiệt hại cho tiến trình hòa bình cũng như khả năng tìm ra con đường phía trước", Graham viết trên mạng xã hội X.
Dù từng chỉ trích một số hoạt động của Israel ở Gaza, Thượng nghị sĩ Coons nói rằng ICC đã "vượt xa" chức năng của mình khi nhằm vào các lãnh đạo Israel.
"Tôi từ lâu đã ủng hộ ICC, trong đó có cả việc điều tra tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm việc với ICC nếu họ quay trở lại vai trò hợp pháp của mình", ông nói.
Matthew Waxman, giáo sư luật của Đại học Columbia, quan chức an ninh quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush, nhận định khả năng Mỹ gia nhập ICC đã "giảm từ rất thấp xuống 0".
Waxman nhận xét cáo buộc của công tố viên Khan "bỏ qua bản chất của cuộc xung đột Israel - Hamas và những thách thức trong việc đánh bại một lực lượng vũ trang bám rễ tại các khu vực đông dân cư".
Theo ông, Israel nên làm nhiều hơn để tạo điều kiện viện trợ nhân đạo cho Gaza, nhưng đó không phải nghĩa vụ pháp lý có thể dẫn đến những cáo buộc đặc biệt về tội ác chống lại loài người mà công tố viên ICC đã công bố.
Theo quy trình, công tố viên Khan phải được chấp thuận bởi một hội đồng gồm ba thẩm phán để ban hành lệnh bắt mà ông cũng đang theo đuổi đối các thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, Ismail Haniye và Mohammed Deif vì hành vi tàn bạo trong cuộc đột kích lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Hội đồng trên có thể đưa ra quyết định sau vài tuần nữa.
Hầu hết quan chức Mỹ không bình luận nhiều về cáo buộc nhằm vào những thủ lĩnh Hamas, song Tổng thống Biden nhấn mạnh "dù công tố viên có ám chỉ điều gì chăng nữa, không có mối tương đồng giữa Hamas với Israel".
Công tố viên ICC Karim Khan. Ảnh: AP
David Scheffer, người đại diện cho Mỹ tại hội nghị năm 1998 ở Rome, nơi khai sinh ra ICC, nhận định công tố viên Khan không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu.
"ICC có thể gặp rủi ro, nhưng cuối cùng thì họ phải làm gì?", ông đặt câu hỏi. "Israel có quyền tự vệ chính đáng, một cuộc chiến chính nghĩa. Vấn đề là thực hiện nó như thế nào. Công tố viên Khan đã tiếp nhận những thông tin cho thấy một quy mô bạo lực mà chưa từng công tố viên ICC nào gặp phải trước đây".
ICC có 124 quốc gia thành viên, gồm 33 nước châu Phi, 19 nước châu Á-Thái Bình Dương, 28 nước Mỹ Latin và Caribe, 19 nước Đông Âu, 25 nước Tây Âu và các nước khác. Họ cung cấp ngân sách khoảng 200 triệu USD cho ICC và nhiều quốc gia trong số này muốn chứng kiến hành động chống lại các lãnh đạo Israel.
"Có cả một thế giới ở đó ngoài Mỹ", Scheffer nói.
Mary Ellen O'Connell, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Notre Dame, Mỹ nhận xét động thái từ công tố viên Khan vừa làm tổn hại uy tín của ICC với Mỹ, vừa làm suy yếu triển vọng kết thúc xung đột nhanh hơn, trong khi cơ hội để bắt Thủ tướng Netanyahu hay các thủ lĩnh Hamas gần như bằng 0.
"Tôi lo ngại bản cáo trạng sẽ khiến các lãnh đạo ở cả hai bên tiếp tục lao vào cuộc xung đột" bởi ngay cả một hiệp ước hòa bình cũng không thể buộc ICC rút lại lệnh bắt, O'Connell cho hay.
Theo bà, công tố viên Khan dường như đang có cái nhìn lệch lạc về quyền lực của ICC.
"Tôi thấy công tố viên đang ở trong thế giới của chỉ những người ủng hộ rất nhiệt tình ICC, những người muốn hành động chống lại các cá nhân cụ thể. Họ nghĩ rằng nếu bạn truy tố ông Putin, truy tố ông Bashir, làm sao bạn có thể không truy tố ông Netanyahu và các thủ lĩnh Hamas?", O'Connell nói, đề cập đến cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người chưa bị bắt hơn một thập kỷ sau khi bị ICC ban lệnh bắt vì hàng loạt cáo buộc, trong đó có tội diệt chủng.
Nguồn VNE