Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Rừng “chảy máu” vì thú chơi “tao nhã”
Chủ nhật: 23:45 ngày 06/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo người dân xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, hơn 2 tháng nay, nhiều người không biết từ đâu đến, kéo vào rừng Hoà Hội lùng sục, ngang nhiên bứng đi nhiều gốc bằng lăng mà không thấy cơ quan chức năng lên tiếng.

Các gốc bằng lăng được một hộ dân tại ấp Thành Trung, xã Thành Long, huyện Châu Thành mua về trữ lại để kinh doanh.

Săn cây hay phá rừng?

Theo người dân xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, hơn 2 tháng nay, nhiều người không biết từ đâu đến, kéo vào rừng Hoà Hội lùng sục, ngang nhiên bứng đi nhiều gốc bằng lăng mà không thấy cơ quan chức năng lên tiếng.

Một người dân tên H, ngụ ấp Bưng Rò, xã Hoà Hội dẫn chúng tôi vào rừng. Từ khu vực thi công tuyến kênh thuộc Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông, rẽ vào một đường mòn dẫn vào rừng, đi khoảng 20m, trước mắt chúng tôi là những hố lớn, nhỏ- tàn tích của việc đào bứng gốc bằng lăng, bên cạnh là những khúc gỗ bị cắt khúc còn sót lại. Càng đi sâu vào rừng, vết tích của việc đào bứng gốc cây càng nhiều. Theo quan sát, có đến hàng trăm hố lớn nhỏ bị đào bới, chứng tỏ cây bằng lăng bị khai thác triệt để.

Ði khoảng 1km trong rừng, chúng tôi gặp hai người đàn ông hơn 30 tuổi đang đào bứng một gốc bằng lăng có đường kính khoảng 10cm. Bên ngoài có một xe mô tô đã tháo biển kiểm soát, ống pô xe bị bịt kín. Qua tiếp xúc, hai người này cho biết họ là người dân ấp Bố Lớn, vào rừng tìm cây bằng lăng, bứng về làm cây cảnh chơi chứ không phải để bán.

Hai người này còn cho biết thêm, hiện có rất nhiều người đi bứng cây chuyên nghiệp, thường đi theo từng nhóm khoảng 5 - 7 người, tìm bứng cả cây lớn và cây nhỏ, sau đó vận chuyển ra bìa rừng bằng xe máy, có xe máy cày có rơ-moóc chở đi.

Một người cho biết, cây bằng lăng khi ra nhánh non, cắt ghép với cây tường vi trổ bông rất đẹp.

Theo ông H, người dân đổ xô vào rừng Hoà Hội tìm bứng gốc bằng lăng bắt đầu từ hơn 2 tháng nay. Lúc rầm rộ có đến hàng chục người, chia thành các nhóm nhỏ, số lượng bằng lăng bị bứng đi có đến hàng trăm gốc, có gốc to đến hai người ôm. “Bây giờ trong rừng này rất khó tìm được cây bằng lăng, nên các đối tượng này di chuyển sang những nơi khác”.

Theo nguồn tin, khoảng 14 giờ, ngày 31.8, người dân tại tổ 10, ấp Bến Cừ, xã Ninh Ðiền (huyện Châu Thành) phát hiện một xe máy cày kéo theo rơ-moóc, trên xe có 2 gốc bằng lăng khá lớn, khoảng một người ôm.

Bằng lăng tiêu thụ ở đâu?

Qua công tác nắm địa bàn, Hạt Kiểm lâm Châu Thành phát hiện 8 hộ dân ở xã Thành Long mua gốc bằng lăng về trữ lại để ghép với cây tường vi bán ra thị trường. Hạt đã lập biên bản, xác minh nguồn gốc của những gốc bằng lăng.

Bước đầu xác định có khoảng 900 gốc bằng lăng được các hộ dân mua trữ, ghép với loại cây tường vi để bán. Khi cơ quan chức năng đến làm việc, họ trình bày, số gốc bằng lăng này được bứng trên đất của người dân, cũng có vài gốc mua trôi nổi, do một số người đem đến bán. Hạt Kiểm lâm Châu Thành tiếp tục xác minh sự việc, để có cơ sở xử lý theo quy định.

Theo Hạt Kiểm lâm Châu Thành, qua công tác kiểm tra, xác định có việc người dân vào rừng Hoà Hội bứng gốc bằng lăng, nhưng thời gian qua, Hạt chưa bắt quả tang trường hợp nào. Hiện tại, Hạt tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khu vực rừng do Hạt quản lý, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng trên.

Ông M, ngụ ấp Thành Trung, xã Thành Long- một trong những người bị lập biên bản về việc mua gốc bằng lăng trữ lại, cho biết, ông vào rẫy của người dân mua gốc bằng lăng về để ghép với cây tường vi. Hiện ông trữ khoảng 100 gốc đủ kích cỡ. Tuy nhiên, ông M thừa nhận, có một số người chở gốc bằng lăng đến bán, ông không nắm được nguồn gốc.

Theo ông M, bằng lăng sau khi ghép với cây tường vi, thường được bán cho những người chơi cây cảnh trong tỉnh hoặc vận chuyển qua tỉnh Bình Dương để bán. Về giá cả, ông M cho rằng, do dư luận đồn thổi bằng lăng sau khi ghép tường vi có giá cao, thậm chí có gốc vài chục triệu đồng, thực tế giá không cao như vậy. Thế nhưng, chúng tôi hỏi giá bán thực tế là bao nhiêu, ông M không trả lời mà chỉ nói cây cảnh có lúc giá này, có khi giá khác!

Khó khăn trong công tác xử lý

Ông Cao Hoài Ân- công an viên xã Hoà Hội, thành viên tổ bảo vệ rừng cho biết, rừng Hoà Hội có diện tích khoảng 1.300 ha, 3 mặt tiếp xúc với đường huyện số 23 và đường liên xã Hoà Hội - Hoà Thạnh - Biên Giới, nhiều lối mòn dẫn vào rừng, nên công tác bảo vệ gặp khó khăn.

Theo ông Ân, qua công tác tuần tra, lực lượng chức năng  của xã phát hiện 17 trường hợp người dân tự ý vào rừng bứng gốc bằng lăng, đã lập biên bản bắt một trường hợp, phạt hành chính 750.000 đồng, nhắc nhở và cho ký cam kết đối với một người dân địa phương; lập biên bản tịch thu tang vật 15 trường hợp, thu giữ 17 gốc cây bằng lăng.

Thời gian tới, lực lượng bảo vệ rừng của xã sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện triển khai các đợt tuần tra, kiên quyết xử lý những trường hợp người dân cố tình vào rừng khai thác.

Thú vui “tao nhã” từ các loại cây rừng cổ thụ làm cho tài nguyên rừng vốn suy giảm, nay lại càng nghèo nàn hơn.

Minh Dương-Thiên Tâm

Nhiều năm trở lại đây, phong trào chơi cây cảnh phát triển mạnh, nhiều người đổ hàng trăm triệu đồng để mua những gốc cây cổ thụ nhằm thoả mãn thú chơi, gọi là “tao nhã”. Hiện có một số người ghép cây bằng lăng với cây tường vi cho hoa rất đẹp nên nhiều người “lùng nát” rừng tìm loại cây này.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh