Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tự ý cho máy xắn đất tạo dốc thẳng đứng sát ranh rừng lịch sử, có dấu hiệu phá hàng rào móc đất lấn vào rừng. Nghiêm trọng hơn, có cây gỗ quý trong rừng lịch sử đang bị bức tử.
Đó là thực trạng đang diễn ra tại rừng lịch sử Bời Lời (ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng). Ngày 12.5, đại diện chính quyền địa phương cùng lực lượng bảo vệ rừng đã đến hiện trường xem xét.
Ðó là thực trạng đang diễn ra tại rừng lịch sử Bời Lời (ấp Sóc Lào, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng). Ngày 12.5, đại diện chính quyền địa phương cùng lực lượng bảo vệ rừng đã đến hiện trường tận mắt chứng kiến sự việc.
Ông H. tự ý xắn đất với độ dốc thẳng đứng, áp sát trụ hàng rào của rừng lịch sử Bời Lời. |
Một người dân tên H. đã mua hầm đất có diện tích khoảng 1 ha giáp ranh với rừng lịch sử Bời Lời. Mới đây, người này đã tự ý cho máy xắn đất với độ dốc thẳng đứng tới trụ hàng rào của rừng lịch sử. Theo quan sát thì số đất đào được dùng để san lấp hầm tại chỗ. Với cách làm như vậy, khó tránh khỏi nguy cơ gây sạt lở đất rừng.
Bên cạnh đó, có đoạn hàng rào đã bị ông H. tháo dỡ, làm hư hỏng trụ rào, có dấu vết cho máy móc lấn chiếm vào ranh đất rừng. Ông Trần Văn Cảnh- Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận cho biết, “ông H. chưa xin phép về việc san lấp hầm đất này, chúng tôi sẽ cho mời ông lên xã để làm rõ. Riêng việc phá rào, cưa cây rừng thì thuộc trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng xử lý”.
Cây lim có đường kính khoảng 50cm nằm trong khu rừng Bời Lời đã bị cưa lấy đi phần áp gốc. |
Nhìn vết cắt và dăm gỗ còn bỏ lại có thể thấy rõ cây lim bị “hạ sát” bằng cưa máy. Phóng viên hỏi về tình trạng cây lim, hai bảo vệ rừng đi cùng giải thích, “do cây này chết nên cho người dân cắt làm củi” (?).
Ông Cảnh tiếp lời: “Cho dù là cây rừng bị chết, cũng phải xử lý theo đúng quy định chứ không thể để cho người dân cắt làm củi như vậy”. Ông Cảnh nghi ngờ cây lim bị “bức tử” do có dấu cây bị chế thuốc độc một bên gốc từ trước.
Hàng rào bảo vệ khu rừng lịch sử bị phá bỏ, có dấu hiệu lấn đất. |
Khu di tích lịch sử Bời Lời đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 02/1999/QÐ-BVHTT ngày 26.1.1999. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ những hành vi xâm hại đến rừng lịch sử. Trước khi ra về, Phó Chủ tịch UBND xã Ðôn Thuận không giấu sự lo lắng cho “số phận” của cây lim có đường kính khoảng 40cm gần đó…
Quốc Sơn