Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Rừng nhum Long Phước
Thứ năm: 03:48 ngày 26/12/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ ngã ba ở ấp Cao Su, xã Long Giang có đường nhựa hẳn hoi, đi khoảng ba cây số thì đến trụ sở UBND xã Long Phước. Vào thêm hơn 1km nữa tới lối rẽ phải, rồi theo đường đất đỏ chừng gần 2km nữa là tới rừng Nhum.

Từ ngã ba ở ấp Cao Su, xã Long Giang có đường nhựa hẳn hoi, đi khoảng ba cây số thì đến trụ sở UBND xã Long Phước. Vào thêm hơn 1km nữa tới lối rẽ phải, rồi theo đường đất đỏ chừng gần 2km nữa là tới rừng Nhum.

Hào nước quanh rừng Nhum

(BTN) - Từ lâu đã nghe tiếng rừng Nhum. Nghe từ hồi chú Phan Văn- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh còn sống. Khi về hưu, chú có ngồi ghi lại một vài trang ký ức đặc biệt về rừng Nhum, rồi đưa cho vài anh em văn nghệ đọc. Đấy là lễ truy điệu Bác Hồ được tổ chức đồng loạt trên cả nước ngày 9.9.1969. Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh khi ấy là ở Bến Cầu, khu vực rừng Nhum. Hội trường làm lễ phải đào âm dưới đất, đủ chỗ cho 200 cán bộ, chiến sĩ về dự.

Bài viết này có đoạn: “Lễ vừa xong, máy bay đầm già quần mé rừng Nhum- ra hầm trú ẩn. Anh Ba Nông (Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ) gọi Tư Văn, nói: Đồng chí và đồng bào ta vô vàn kính yêu Bác Hồ, một số đồng chí ở huyện đề nghị Tây Ninh làm nhà thờ Bác”. Ý tưởng này sau đấy đã được thực hiện ở rừng Nhum vào tháng 11.1970. Công trình thực hiện với tường xây bằng gạch đất sét không nung, mái lợp bằng dừa nước.

Trong quá trình biến ý tưởng thành hiện thực, có một chi tiết thú vị, ấy là việc đào tìm đất sét: “Đào đụng lớp đất sét xám, sau là sét màu vàng. Tiếng kêu như nhặt được của rơi: Ôi, đất sét làm gạch được. Tư Văn đem cả hai loại sét xám và vàng nhồi thử, làm gạch không nung…”. Việc làm gạch sau đó được giao cho Trường Hoàng Lê Kha và Đoàn Văn công thực hiện.

Lần thứ hai nghe và thấy rừng Nhum là lần tìm đến xóm người Thái định cư ở xã Long Phước. Chuyện lạ khi ấy là Đảng uỷ và UBND xã đã không vì chuyện di cư tự do của bà con mà gây khó. Ngược lại, còn giao đất cho hơn 20 hộ người Thái, cả đất sản xuất lẫn đất thổ cư. Lúc ấy hỏi anh Sinh- một chủ hộ người Thái: rừng Nhum ở đâu? Anh chỉ ra phía sau nhà. Vâng, cách con đường trục từ Long Giang đi vào Long Phước độ gần cây số là cả một vệt rừng rậm xanh hiện lên huyền bí. Anh Sinh còn kể đã vô thăm rừng rồi, phát hiện có loại lá làm men rượu như ở ngoài miền rừng Thanh Hoá. Anh hẹn lần sau tới chơi, sẽ có rượu cần.

Vậy mà có đến cả chục năm sau, tháng 11 vừa qua mới đến được rừng Nhum. Từ ngã ba ở ấp Cao Su, xã Long Giang có đường nhựa hẳn hoi, đi khoảng ba cây số thì đến trụ sở UBND xã Long Phước. Vào thêm hơn 1km nữa tới lối rẽ phải, rồi theo đường đất đỏ chừng gần 2km nữa là tới rừng Nhum.

Ở góc bìa rừng đầu tiên, đã thấy rừng chồi lúp xúp nhưng rậm rạp. Có một con mương chảy bên đường với mấy người ngồi câu cá. Nước ở đấy thì trong nhưng càng vào sâu, càng ngả màu vàng, vàng đậm, rồi đen. Anh Hạnh- nhân viên bảo vệ rừng bảo, đấy là do lá mục.

Sau mới biết thêm đấy là mương đào, chạy vòng quanh cả khu rừng vừa để giữ nước nuôi rừng, vừa để ngăn ngừa kẻ trộm. Còn đường chạy vòng quanh cũng có ý nghĩa này đây và còn thêm tác dụng là đường đi tuần tra cho đội bảo vệ rừng. Chỉ hơi đáng tiếc một chút là đang cuối mùa mưa, nên nhiều đoạn con đường đã trở nên hư hại nặng. Diện tích rừng được bảo vệ rộng tới 736 ha nhưng bây giờ ở chung quanh toàn cao su và mía. Nên xe tải chở nông sản đã cày nát con đường vốn chỉ đắp bằng đất phún.

Rừng Nhum! Cái tên này còn gắn với địa danh chiến khu Bù Lu, Chuối Nước những năm kháng chiến chống Pháp. Tên rừng được gọi theo tên cây nhum- một loài cây mây lớn, ngày nay chỉ còn gặp ở trong sâu- giữa ruột rừng, còn chạy hơn mười cây số vòng quanh bìa rừng chỉ thấy những cụm cây chồi to cỡ bắp chân và những dây gùi, gắm.

Thỉnh thoảng mới thấy vài cây trâm, cầy, liễu… nhưng hoàn toàn vắng bóng những cây cổ thụ lớn cao, quắc thước của rừng già như ở Chàng Riệc hay Lò Gò - Xa Mát. Ở một góc rừng trũng hơn, nước mương đã tràn lên tạo thành một góc sinh thái rừng ngập nước.

Ở đây có cả rừng tràm thân vàng nâu óng mượt đứng soi mình trên gương nước làm duyên. Thỉnh thoảng cũng gặp những bụi mây xoè những tàu lá hình xương cá xanh non ra đón nắng. Căng mắt dọc đường mà chẳng thấy cây nhum. Mật cật mọc ở mọi nơi, rải rác khắp rừng chồi. Thảo nào trên trục đường nhựa, còn thấy những chỗ dân phơi lá mật cật để bán cho người làm nón. Đang đi giữa một đường mòn xuyên rừng thì bỗng nhiên, xoạt!… một bóng chim lớn lướt ngang để lại vệt màu nâu nhạt.

Thật thú vị làm sao, khi được biết rừng Nhum là căn cứ địa của Huyện uỷ và lực lượng vũ trang huyện Bến Cầu suốt thời đánh Mỹ. Năm 1962, chính quyền cách mạng tỉnh Tây Ninh mới quyết định thành lập huyện Bến Cầu (tách ra từ huyện cũ Gò Dầu). Từ đấy, rừng Nhum là căn cứ cùng với các căn cứ lõm ở Bàu Gõ, Sóc Khuất, Lợi Thuận, Bàu Quỷnh, Bàu Rong… lãnh đạo quân dân vùng đất ngũ long sớm đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đến ngày 15.3.1975, Bến Cầu đã giải phóng hoàn toàn, tạo ra một hành lang biên giới để các sư đoàn chủ lực tiến công về giải phóng Sài Gòn ngày 30.4. Dấu tích những ngày oanh liệt ấy vẫn còn đây, kề sát với rừng Nhum. Đó là con đường từ ấp Bàu Năng chạy ra sát sông Vàm Cỏ Đông, sang đường quốc lộ 1 (nay là Xuyên Á) do 300 dân công cùng làm chỉ trong một tuần trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có phải chính nhờ những chiến công này, mà đến nay Bến Cầu vẫn còn nguyên vẹn một rừng Nhum?

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh