BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rừng thường xanh Lò Gò - Xa Mát

Cập nhật ngày: 01/03/2011 - 11:32

Chốt bảo vệ rừng cầu Đà Ha.

Ai đã từng lên Vườn Quốc gia Lò Gò- Xa Mát (LG- XM) rồi mới thấy đấy là một bảo tàng thực vật hầu như có đủ mặt các loại sinh cảnh rừng nhiệt đới. Nếu như ở phía Tây, gần Lò Gò là những dải rừng nhiều cây cổ thụ cao vời, dáng vẻ hiên ngang quắc thước; thì ở mạn Đông gần Xa Mát lại có những sinh cảnh rừng khộp Tây Nguyên, mà Nguyễn Sĩ Sáu từng mô tả trong thơ là “Rừng khô như tờ bánh tráng”. Có lẽ chẳng có loài cây nào gọi là cây khộp cả. Cây ở đoạn rừng này thường là dầu trà beng, dầu lông. Nhưng mùa khô lá rụng đầy trên mặt đất, lính đi qua cứ thấy lộp khộp giòn như bánh tráng vỡ, nên âm thanh ấy đã thành tên gọi. Ở khoảng giữa Lò Gò và Xa Mát, lại có những bàu trảng miên man nước ngập giữa mùa mưa. Có nơi chung quanh bàu nước là trảng cỏ tranh, ửng vàng nhìn xa giống như đồng lúa chín. Có nơi lại toàn một giống cỏ năn lên đầu, dày dặn như một tấm nệm Kim Đan. Đấy là lý do để sếu đầu đỏ mỗi mùa di trú lại hạ cánh một đôi ngày làm chốn nghỉ ngơi dưỡng sức. Có nơi lại vẹo vọ, rối trong những thân cây tràm bong vỏ trắng lấp lánh soi mình trên mặt nước- như là một mảnh của miền Tây chua mặn lạc về.

Thế nhưng, thú vị và quen thân nhất với lính Tuyên huấn những năm kháng chiến ở Bắc Tây Ninh, có lẽ là rừng thường xanh. Có phải vậy không mà toàn bộ lực lượng tuyên huấn, dân y cách mạng lại nằm hết ở bên Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Sau này, từ tháng 6.1969, có thêm căn cứ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ở bên Trảng A Lân, bây giờ đã có giữa vùng lõi Vườn Quốc gia.

Rừng thường xanh Lò Gò- Xa Mát

Rừng thường xanh. Để thấy cho hết dung nhan, phải đi cả trên hai tuyến xuyên rừng. Một là tuyến từ ngã ba Lò Gò đi qua cầu khỉ- Xa Mát để lên Đồn Biên phòng Tân Phú. Tuyến hai là từ cổng đồn rẽ trái để đi theo trục đường xuyên giữa rừng, qua cầu Tân Phú, cầu Tà Xia. Tuyến một hiện nay sau mùa mưa 2010 đã trở nên xấu với nhiều ổ gà và sống ngang do nước chảy qua đường soi rãnh. Nên, đi xe gì thì cũng phải chạy vòng vèo hoặc nhắm mắt mà chịu những cú xóc nảy tầng tầng. Nhưng sao mà nhắm mắt chi được, khi trước mắt là cả một khung cảnh hoang sơ huyền bí luôn luôn biến đổi. Sách giới thiệu về Vườn của Vườn Quốc gia viết, riêng thực vật bậc cao có tới 115 loài, những cây dầu lông, dầu rái, vên vên và cả những loài quý hiếm như gõ mật, cẩm lai, giáng hương… Nhưng với con mắt “người trần”, chỉ thấy rất nhiều dầu, nhất là ở đoạn đầu bên kia cầu khỉ. Chịu khó rẽ trái luồn rừng vài trăm mét, sẽ gặp cả một khoảng toàn dầu cổ thụ cao xanh toả bóng thâm trầm. Cũng ở đây có một cây dầu hang to lớn với đường kính gần 2 mét. Vào mùa hoa trái rụng, sẽ gặp một cảnh rất nên thơ là những trái dầu xoay tít rơi xuống trên mặt đất. Trái dầu nhỏ hơn trái cóc một chút, bao giờ cũng có hai chiếc cuống như chiếc lá to bằng lông đuôi gà trống. Vậy nên khi bứt khỏi cây, trái rơi xoay tít tiếp đất nhẹ nhàng đủ cho phần bầu trái xoáy vào mặt đất. Cơ chế này giúp trái dầu mọc rễ, bật những mầm lá non tiếp sống một đời cây, nhờ thế mà rừng luôn có nhiều tầng sinh thái. Có lùm bụi chen sát đất. Có tầng cây non hăm hở vươn lên, dưới bóng ngạo nghễ những cây già trăm tuổi. Mặc dù sách giới thiệu không ghi, nhưng “đẹp lão” và hiên ngang nhất rừng Lò Gò lại chính là cây cầy, còn gọi kơ- nia, cũng là một loài cây thường có ở Tây Nguyên, từng nổi tiếng trong một bài ca của Ngọc Anh và Phan Huỳnh Điểu. Cầy có mặt hầu khắp trên rừng thường xanh Lò Gò - Xa Mát. Ở đâu, ngước mặt lên cũng gặp trên những tầng cao nhất, cái bóng dáng hiên ngang, quắc thước không thể lẫn với bất cứ loài cây nào khác. Cũng có vài thứ cây lạ cao không kém nhưng tán lá xám bạc như mây, còn cành thì chênh chếch xoè ra các hướng, trông xa như dáng dấp cành mai. Có cây lại tự vặn vẹo thân mình như biểu tượng của một sinh vật đang quằn quại. Thế nhưng, cái màu tươi non khiến người ta luôn thấy bất ngờ không thể không dừng xe lại… là tre. Vâng! Ở hai bên con suối Xa Mát, mà ở trong rừng sâu có tên gọi suối Đà Ha, hình như chỗ nào cũng có tre vươn lên xanh tươi bát ngát. Chỉ ở hai bên cầu khỉ và cầu Tân Phú (trên con đường thứ hai xuyên giữa rừng ra trảng Tà Xia) đã thấy tre tung lên bầu trời những đám mây màu cẩm thạch, điểm trang những ngọn tre cong vắt la đà trên mặt nước hay ngả nghiêng ra phía con đường đã trở nên nhỏ nhoi, hun hút giữa rừng. 12km đường trục này đã đẹp và êm thuận hơn, dù vẫn là đường phún đỏ. Sắp ra đến cầu Tà Xia rồi đó, bởi đã thấy cả rừng sao, dẫu mới trồng tăm tắp lên cao, chỉ còn thân những bụi dây leo nguềnh ngoàng nữa thì khó mà nhận ra đấy là rừng tái sinh. Rừng thường xanh Lò Gò - Xa Mát đã trở nên quý giá vô biên nhờ những giá trị bền vững thiên nhiên và lịch sử.

TRẦN VŨ