BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rừng vẫn đang bị lấn chiếm vô tội vạ

Cập nhật ngày: 30/08/2010 - 10:44

Mặc dù công tác bảo vệ rừng luôn được Nhà nước quan tâm, nhưng những  năm qua rừng vẫn bị lấn chiếm bằng nhiều hình thức. Trong đó có một kiểu lấn chiếm rất “khó chịu” của một bộ phận người dân mà đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Cày đất trồng lúa giữa rừng

Ngày 24.8.2010, theo chân lực lượng kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng ở Tiểu khu 43 và 44 rừng phòng hộ Dầu Tiếng trên địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, chúng tôi có dịp quan sát cách lấn chiếm rừng như nói trên. Trước tiên, những hộ lấn chiếm lợi dụng những khoảnh đất trống, trũng thấp sẵn có từ xưa để trồng lúa và nuôi trâu. Chiều tối họ không trở về nhà mà cất tum, che lều ở lại trong rừng. Xung quanh khu vực họ ở, bắt đầu có nhiều cây rừng bị chặt đứt lớp vỏ giáp vòng thân. Thế là cây bị héo dần rồi chết khô. Lần lượt như thế, hết cây lớn rồi đến cây nhỏ “lìa đời”. Cuối cùng họ đốt cỏ, tạo thành một khoảng đất trống mới.

Hằng năm, khi đến mùa trồng lúa, những người lấn chiếm rừng cày vùng đất trũng cũ, đồng thời lén lút cày lấn thêm lên một khoảng diện tích mới, xong trồng lúa, trồng mì, tỉa đậu… Cứ như thế, qua nhiều năm, đất trống ngày càng “phình” ra, diện tích rừng càng bị thu hẹp lại. Anh Phạm Văn Nhân, Xã đội phó kiêm đội trưởng đội bảo vệ rừng xã Tân Hoà bức xúc nói: “Cách lấn chiếm đất rừng này rất khó xử lý. Lợi dụng rừng rộng, vắng người, họ dùng dao, rựa chặt đứt vỏ cây. Lúc họ chặt, chúng tôi không bắt được tại trận nên không có bằng chứng để buộc tội. Khi cày lấn lên vùng đất mới, họ cũng làm rất nhanh, thậm chí cày vào lúc ban đêm và sạ lúa xuống liền. Lực lượng bảo vệ rừng vào đến nơi thì mọi chuyện đã rồi, chẳng lẽ mình đi lấp đất lại?”.   

Ở Tiểu khu 43, chúng tôi thấy có những khoảnh đất trống rộng mênh mông. Trong đó, đất ruộng được chia thửa, đắp bờ thẳng tắp. Những phần đất triền cao ráo hơn thì những người lấn chiếm rừng dùng để trồng mì, trồng bắp và điều xen canh với nhau. Họ còn dùng cây rừng làm hàng rào bảo vệ xung quanh và cất nhà sàn để ở.

Cây lọ nồi và cây sến bị chặt sắp ngã

Ở Tiểu khu 44, hiện tại vẫn còn nhiều cây sến, trâm, lọ nồi to lớn bị chặt đứt sâu vào phần thân cây, đang xiêu vẹo sắp ngã. Dưới những gốc cây này, đất đã được dọn sạch sẽ để chuẩn bị trồng mì. Xa hơn một chút là một vài cây sắp chết khô bên cạnh một số cây đã chết từ lâu, đang chờ đổ ngã. Anh Nhân cho biết thêm: “Đối với những vùng đất trên cao này, họ lấn chiếm đất rừng còn nhanh hơn ở những vùng trũng thấp. Sau khi các cây rừng lớn bị chết, họ đốt cỏ sạch sẽ, rồi sau đó, huy động nhiều người vào cuốc đất trồng cây mì, không cần cày lên giồng, lên liếp. Nhiều lúc, chúng tôi đi tuần tra, phát hiện được thì cây mì đã lên xanh um”.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong 6 tháng đầu năm 2010, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện và ngăn chặn được 44 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Hạt đã xử lý 43 vụ, còn 1 vụ (khai thác rừng trái phép) đang củng cố hồ sơ. Hiện vẫn còn tồn đọng những vụ việc phá rừng từ những năm trước với 59 trường hợp. Trong đó, có đến 53 hộ tham gia phá rừng là đồng bào dân tộc Khmer. Ngành Kiểm lâm đã lập hồ sơ các trường hợp này, gửi lên trên chờ xin ý kiến chỉ đạo xử lý.

Để chấm dứt tình trạng lấn chiếm, phá rừng như hiện nay, thiết nghĩ không thể để kéo dài tình trạng như kể trên mà cần áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, buộc những người đang cất chòi ở trong rừng phải rời khỏi vùng đất lâm nghiệp (nếu cần thiết thì cưỡng chế) và nghiêm cấm tất cả các trường hợp vào rừng chăn nuôi, làm ruộng, làm rẫy. Những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế khó khăn thì cần hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho họ bằng những cách khác, hợp lý hơn chứ không thể nhân nhượng để họ cứ “vô tư” phá rừng. Trên những khoảnh đất bị lấn chiếm, phải trồng lại cây rừng, không để đất trống.  

Một khoảnh đất lâm nghiệp hàng chục ha đã xanh um cây mì

Năm 2010, giá mía, mì, cao su đều tăng cao. Điều này cũng chính là nguyên nhân kích thích nhiều người tìm cách phá rừng làm rẫy. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì trong tương lai không xa, một số vùng đất lâm nghiệp sẽ… sạch rừng!

Thảo Nguyên - Đào Nam