Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa đổ nước

Cập nhật ngày: 15/07/2014 - 07:16

Sau những trận mưa, người dân tranh thủ lấy nước vào ruộng, đây là lúc những thửa ruộng loang loáng nước, chồng lấn lên nhau như những bậc thang bắc lên trời xanh, tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp hấp dẫn đối với những ai đặt chân lên mảnh đất này.

Vào mùa đổ nước, những thửa ruộng như khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc và lung linh dưới ánh nắng. Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh quan hùng vĩ, được hình thành do bàn tay và trí óc của những “kiến trúc sư chân đất”. Anh Lê Việt Hà, một nhiếp ảnh gia đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến hẹn lại lên, anh cùng nhóm bạn của mình lại chuẩn bị hành trang, rong ruổi trên khắp các cung đường từ Yên Bái, Lào Cai rồi đến với Hà Giang. So với những nơi khác, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì lại có những vẻ đẹp lôi cuốn, độc đáo mà không nơi nào có, điều đó thôi thúc những nhiếp ảnh gia say mê sáng tác những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất. Không chỉ là săn ảnh, nhóm của anh còn thích tìm hiểu về văn hoá, tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng dân tộc sống trên mảnh đất di sản này. Mỗi chuyến đi, được ăn, ở, sinh hoạt cùng người dân bản địa đều là một trải nghiệm thú vị đối với những người thích khám phá, phiêu lưu...

Ruộng bậc thang là loại hình canh tác nông nghiệp chủ yếu của cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì. Theo thống kê, năm 2013 toàn huyện có 3.757ha ruộng bậc thang lúa nước, chủ yếu là ruộng một vụ tại 25 xã, thị trấn. Do kết cấu thổ nhưỡng và địa hình chia cắt mạnh nên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có nhiều đặc trưng riêng rẽ, trải dài xung quanh sườn núi xen kẽ giữa những dòng sông, khe suối đầu nguồn sông Chảy, sông Bạc và những cánh rừng nguyên sinh tạo thành nhiều tầng, bậc trải vút tầm mắt. Đặc biệt, những thửa ruộng bậc thang tại các xã Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ do sườn núi có dốc lớn nên những thửa ruộng thường hẹp, bờ ruộng tương đối cao và kéo dài từ bờ suối lên đến lưng chừng núi. Điều đó tạo nên cảnh quan hùng vĩ cũng như thể hiện ý chí, nghị lực và khả năng cải tạo thiên nhiên của cộng đồng người dân tộc ở nơi đây. Cùng với đó, cộng đồng các dân tộc bản địa thường làm nhà sinh sống ngay trên những thửa ruộng bậc thang, điều đó đã tạo sự hòa đồng giữa con người và thiên nhiên. Đây là nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và là nguồn sống chính của trên 760 hộ gia đình với hơn 6.000 nhân khẩu thuộc các dân tộc Nùng, Dao, Mông, La Chí... Ngoài 6 xã có ruộng bậc thang được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích Quốc gia, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có ruộng bậc thang và mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng cùng với nhiều nét văn hoá đặc trưng của nền văn minh lúa nước và canh tác nương rẫy. Bên cạnh đó, người dân còn tận dụng các thửa ruộng giữa các vụ cấy để trồng đậu tương, rau xanh và các loại cây hoa màu khác để cải thiện đời sống.

Trong quá trình canh tác trên những thửa ruộng bậc thang cũng đã hình thành những nét văn hoá độc đáo và riêng biệt của cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống, mà biểu hiện là các tín ngưỡng và lễ thức như: Lễ cúng hồn lúa, lễ mừng cơm mới, lễ hội lồng tồng của dân tộc Dao, Tày, Nùng và các trò chơi dân gian như: Vật chày, kéo co, ném còn của dân tộc Dao, Tày; trò liếm lưỡi cày nung đỏ của dân tộc Cờ Lao... Vì vậy, ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì không những có giá trị đặc sắc về cảnh quan mà hơn thế nó còn mang giá trị minh chứng cho lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng người nơi đây.

Nguồn: Báo Hà Giang