Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hiệu quả từ Nghị định 100 của Chính phủ đang có chuyển biến tích cực đến đời sống của người dân, nhất là ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông trên đường.
Khi chưa có Nghị định100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì những bữa tiệc, những cuộc nhậu của một số người, một số đơn vị thường dài lê thê và ảnh hưởng đến rất nhiều người xung quanh.
Thế nhưng, Nghị định 100 của Chính phủ ra đời thì những buổi nhậu cũng ngắn hơn, những người say xỉn ít dám ra đường, những màn tra tấn bằng loa kẹo kéo cũng đã giảm hẳn so với trước đây.
Tâm lí chung của nhiều nam giới bây giờ đều sợ có nồng độ cồn khi phải điều khiển phương tiện xe máy, xe ô tô đi lại trên những con đường lớn.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã và đang phát huy được hiệu quả (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Những năm trước đây, mỗi khi Tết đến, Xuân về là chúng ta lại thấy thị trường rượu bia nhộn nhịp. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đều tặng nhân viên của mình quà Tết bằng những thùng bia, can rượu. Và, đương nhiên những người được tặng cũng rất mừng rỡ.
Những gia đình có người đi xa về là mở tiệc thết đãi anh em. Những cuộc nhậu dài lê thê, những màn hát karaoke inh ỏi xóm làng.
Giờ đây, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị, đám cưới, tiệc không còn bày bia, rượu trên bàn tiệc. Thực tế là nhiều nhà hàng, quán bia đã bắt đầu ế ẩm vì vắng khách. Nhiều "dân nhậu" đã không còn dám đi xe máy, ô tô khi đi ăn uống...
Từ chỗ sợ bị công an kiểm tra nên đám tiệc giờ đây đã hạn chế được rất nhiều rượu bia. Nam giới trước đây chẳng mấy khi cầm ly nước ngọt trong các bàn tiệc, liên hoan cuối năm, đám cưới thì giờ đây chuyện nam giới uống nước ngọt trong các bàn tiệc lại là chuyện rất bình thường.
Ngày trước, nam giới ngồi vào bàn tiệc đều uống nhiều, la cà từ bàn này sang bàn khác để nâng ly chào xã giao với nhau. Bây giờ, ít người cầm ly nước ngọt sang các bàn bên cạnh.
Những chuyển biến sau Nghị định 100 của Chính phủ có thể thấy rõ ở nhiều công ty, doanh nghiệp vào dịp cuối năm đều mở tiệc tất niên.
Trước đây, mỗi khi có đám tiệc thì chúng ta vẫn thấy nhiều người thi nhau dzô dzô và trong mỗi buổi tiệc tất niên và tất nhiên là không thể thiếu được chuyện hát hò, văn nghệ.
Những chiếc loa lớn, mở hết công suất, những giọng hát nhè nhè từ trưa sang chiều, từ chiều tối đến khuya khiến cho những người dân lân cận sợ hãi, khiếp đảm. Nhiều người phải ra khỏi nhà để lánh những âm thanh chát chúa từ những bài hát lè nhè trong men rượu bia của nhiều người.
Tiệc tất niên năm nay họ vẫn tổ chức nhưng không còn sự hiện diện của bia rượu nữa mà trên các bàn tiệc chỉ có nước ngọt.
Chính vì thế, những ồn ào cũng không lớn và khi không có rượu bia nên cũng không còn nhiều người lên hát nữa. Những buổi tất niên ngắn gọn bởi không có rượu bia nên mọi người nhanh chóng về sớm hơn.
Cho dù còn có người hiểu chưa rõ về Nghị định 100 nhưng mọi người truyền tai nhau về mức phạt khi có nồng độ cồn nên tâm lý chung là mọi người đã bắt đầu biết "sợ" bị phạt vì rượu bia.
Thực tế, Tết thiếu rượu bia khiến cho một số người cảm thấy bớt vui nhưng những chị em phụ nữ mà có chồng hay la cà, nhậu nhẹt thì mừng ra mặt. Đi đến đâu chúc Tết không còn phải ngồi đợi ròng rã suốt nhiều tiếng đồng hồ khi chồng cứ mải mê nâng chén, nâng ly.
Đến những nhà anh em, người thân ở xa cũng nhanh chóng, gọn nhẹ và đa phần mọi người đều ý thức được việc nâng ly của mình. Nhiều người đã dứt khoát không uống bia rượu khi phải điều khiển phương tiện giao thông khi đi trên đường.
Nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, quán xá dù có giảm về doanh thu nhưng cái được chính là chúng ta giảm đi những thói quen xấu, bớt đi những hình ảnh say xỉn khi đi trên đường. Những chuyện ẩu đả, va chạm trong bàn tiệc, cỗ bàn cũng đã được hạn chế.
Niềm vui năm mới được nhân lên khi gia đình đoàn tụ bên mâm cơm, không còn cảnh phải đợi chờ nhau trong những bữa cơm chiều.
Những người còn uống rượu bia cũng ý thức được trách nhiệm của mình khi uống ở những nơi gần nhà và họ nhanh chóng trở về nhà của mình.
Ngay sau những ngày đầu thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ thì chúng ta đã thấy tình trạng giao thông đã tốt hơn rất nhiều. Số người vi phạm giao thông có nguyên nhân từ rượu bia đã giảm. Những bệnh viện cũng không còn cảnh quá tải vì phải cấp cứu những ca tai nạn liên quan đến rượu bia như mọi khi.
Rõ ràng, hiệu quả từ Nghị định 100 của Chính phủ đã và đang có chuyển biến tích cực đến đời sống của người dân, nhất là ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông trên đường.
Hy vọng, mỗi người dân “biết sợ” để hạn chế rượu bia, không phải nhận những hậu quả cho chính mình gây ra và không làm liên lụy đến người khác.
Mùa Xuân, ai cũng chúc, cũng mong cho nhau được bình an, hạnh phúc. Và, hạnh phúc ấy có một phần được bắt đầu từ bỏ những thói quen bia rượu của nhiều người sau Nghị định 100 của Chính phủ.
Nguồn giaoduc