Dù có khác nhau về chủng tộc, văn hoá thì dân tộc nào trên trái đất cũng có rượu, dùng rượu trong mọi lễ nghi. Rượu cần của người Tây Nguyên cũng nằm trong phạm trù này.
Tuy nhiên, tính văn hoá cộng đồng của người Tây Nguyên có thể xem là một khu biệt: Ghè rượu khui ra thường không ai uống một mình. Mỗi cuộc rượu bao giờ cũng có không khí tập thể. Trước hết là sự tụ họp của gia đình, sau đó là láng giềng, bè bạn. Uống rượu phải có khách, có bạn từ lâu đã thành nếp, thành thói quen trong tình cảm con người…
|
Rượu cần là một nét văn hoá đẹp của đồng bào Tây Nguyên. |
Khi uống rượu không ai phân biệt kẻ sang người hèn, người có quyền hay tôi tớ; không phân biệt nam nữ, thế hệ trước hay sau. Người Tây Nguyên đối xử khách - chủ theo nguyên tắc trọng người, bình đẳng. Sự phân biệt duy nhất trong tiệc rượu chỉ là người được mời nếm thử, "uống phép" rồi sau đó cứ tuần tự vị trí của người ngồi bên ghè rượu…
Đã uống rượu cần không ai uống một lúc cho đã lòng ham muốn. Tục lệ không cho ai được phép chiếm đoạt cần rượu cho riêng mình. Rượu uống đã có "cang" làm chuẩn. Hết cang thì phải nhường cho người kế tiếp. Rượu ngon cùng hưởng, rượu nhạt cùng chia. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều bình đẳng, hòa đồng trong sự hưởng thụ đó...
Tuy không thường nhật, nhưng hễ đã uống rượu là có trình diễn nghệ thuật. Sau một vài "cang", bản tính nghệ sĩ của họ bắt đầu trỗi dậy. Người già kể "khan". Thanh niên hát múa… Nỗi nhọc nhằn của những ngày lao động vất vả như tan biến để nhường chỗ cho sự thăng hoa của tâm hồn. Chẳng thấy đâu cảnh con người rũ rượi bên ghè rượu, rền rĩ kêu ca về những dục vọng tầm thường...
Có người cho rằng sở dĩ đồng bào Tây Nguyên trong quá khứ không có những thói xấu như ăn cắp, lừa đảo là do tục lệ quá khắt khe. Họ không thấy một phần chính là nhờ vẻ đẹp văn hoá bên ghè rượu đó. Từ những tâm tình trút cho nhau bên ghè rượu, ai thiếu ăn, ốm đau bệnh tật; ai có hành vi xấu, cả làng đều biết. Cho nên lúa bỏ trên chòi rẫy, trâu bò thả trong rừng, tổ ong trên cây… của ai người ấy sử dụng, không mất mát bao giờ. Không ai phải khất thực vì tai nạn, vì mất mùa bởi đã có cả làng chung tay giúp đỡ. Qua đận rồi thì phải lo chiến thắng số phận ở mùa sau...
Rượu cần trước sau vẫn là một nét văn hoá đẹp trong đời sống văn hoá của đồng bào Tây Nguyên. Đáng tiếc là ngày nay một số nơi đã bị nhiễm lối uống rượu bê tha ngoài xã hội, làm mất đi vẻ đẹp văn hoá của rượu cần. Đó cũng chính là gốc của những tội lỗi mà trong quá khứ đồng bào Tây Nguyên không bao giờ có...
(Theo Danviet)