BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sá chi tay yếu chân mềm

Cập nhật ngày: 31/03/2010 - 05:33

Muốn viết về cuộc sống của các chị từ lâu nhưng đi qua đi lại các công trình, cứ thấy chị nào chị nấy bao bịt kín mít làm tôi cũng ngại. Thế nhưng lòng cứ thôi thúc, tôi “liều” ghé đại vào một điểm thi công, làm quen với các chị. Mới hay, sau những lớp nón, khăn kín mít ấy là những cảnh đời lắm nỗi niềm.

Chị Tám Lé (làm cho thầu Ba S. đang xây căn nhà bạc tỷ cho một chủ trại ở huyện Hoà Thành) trộn xong đống hồ, bỏ cái vá nặng trịch dính đầy xi măng sang một bên rồi lấy cái nón lá quạt xoành xoạch một hồi, xong đưa nón xuống lót mông ngồi, cười nheo nheo con mắt lé:

- Trời ơi, phụ hồ cực thấy mồ có gì hay ho mà đòi viết báo! Tại nghèo, tại hổng có nghề nghiệp gì khác nên mới đi làm cu li chứ được như em là sướng mấy đời rồi! Phụ hồ nữ tiền công ít hơn nam. Họ bảy, tám chục ngàn một ngày, mình có năm chục, năm lăm thôi. Hằng tuần, họ nhậu còn mình thì… miễn vì còn con cái, đi làm suốt cả tuần rồi, có một ngày nghỉ lo ở nhà làm việc nhà chứ! Con lớn thì đỡ chứ con học cấp 1, cấp 2 là cực lắm nghe. Giặt cho nó cả núi quần áo luôn! Con trai làm cu li ba, bốn năm sau có thể lên thợ được chứ phụ nữ thì có làm suốt đời cũng là cu li thôi hà! Chị làm phụ hồ mười bốn năm nay rồi, làm bao nhiêu cái nhà không nhớ hết nhưng nhớ nhất là cái nhà đâu miệt Tân Châu, cứ cuối tuần là ông bà chủ nhà kêu mấy phụ hồ nữ lại cho mỗi người vài trăm, nói đây là số tiền mà mấy chị không nhậu nhẹt, cà phê, thuốc lá… như cánh cu li nam. Cầm tiền mà mừng khóc luôn đó em! Vậy là có thêm cơm gạo cho con cái rồi! Thiệt ông bà chủ nhà đó tốt quá chừng!

Chị Tư Lan, người đẹt ngắt như đứa trẻ 14-15 tuổi nhưng gương mặt của phụ nữ tầm 45 – 50 tuổi đang nhổ đinh cho đống ván cốt-pha cạnh đó cũng góp chuyện.

- Vậy là bà có phước quá rồi. Còn tui hồi mới vô nghề toàn gặp chủ nhà hắc ám. Chả thấy dáng tui nhỏ con thì biểu chủ thầu cho nghỉ vì nhỏ xíu mà làm cái gì? Quy trình một cu li phụ hai thợ làm sao tui chạy xuể, không khéo nhà chả thi công không đúng tiến độ vì tui! Ông thầu thương tình biểu tui ráng rồi năn nỉ chủ nhà rằng tui làm giỏi lắm, coi nhỏ vậy mà phải nuôi cha yếu mẹ già, em dại. Vậy mà hằng tuần, chủ nhà có cho thêm cái gì đâu, ổng nói tại tui là con gái nên phải… chịu thiệt!

Tôi hỏi sao chị Lan không dùng bao tay, nhổ đinh suốt như vầy mà không có bao tay làm sao chịu được. Chị đáp: “Đeo bao tay làm chậm lắm em ơi, mà chị làm hơn hai chục năm nay nên “miễn dịch” hết rồi, ngày nào cũng có vài mũi đinh đâm vô tay mà có sao đâu?”.

Chị Lan đi làm phụ hồ từ lúc 16 tuổi, chừng ấy năm chỉ theo một ông thầu nên ông thương lắm, nay tuy chị “già” rồi nhưng ông vẫn cho theo làm. Nhổ đinh, xách nước uống, phụ ghi công… Tay nghề của chị Lan đã giỏi nên chị có thể chỉ việc cho đám công mới, “coi cai” công trình mỗi khi thầu đi vắng. “Nhưng không bao giờ lên thợ được! Em có thấy thợ hồ nào là nữ không? Vì có nhiều chủ nhà dị đoan lắm, nữ leo dàn giáo họ sợ bị sập nhà như nữ đi ghe, đi xuồng sợ bị lật vậy đó! Em thấy vô lý không?”.

Nhưng không phải ai cũng “có phước” như chị Tám Lé, được thầu thương như chị Tư Lan, phần đông các chị khác cũng phải làm việc cật lực như cánh đàn ông. Nghĩa là vẫn phải trộn hồ, vác từng xô hồ đi đổ bê- tông, phải biết ném gạch lên giàn sao cho không bể cục nào, phải biết lúc nào thợ cần hồ, cần gạch, cần nước… chứ không phải chờ họ kêu ầm rồi mới mang đến.

“Có lẽ nghề phụ hồ là nghề nặng nhọc nhất đó em. Những ngày đầu mới đi làm, chiều về bưng chén cơm không nổi. Hai tay mỏi nhừ, đôi chân cũng mất cảm giác, ngủ lăn bên nào cũng rêm như ai đánh, ai dần. Nhưng làm vài bữa rồi cũng quen, chứ không làm thì lấy gì ăn? Mấy chị ở đây đủ mọi cảnh khổ mới đi làm cu li đó chứ! Em thấy con nhỏ ốm ròm cao cao đang đẩy gạch đằng kia không? Tên nó là Gái Lớn. Là trụ cột gia đình với người mẹ đau khớp kinh niên và bốn đứa em nhỏ xíu đó. Cha nó nhậu suốt, cũng may là… vừa chết hồi tháng trước nên con nhỏ đỡ khổ một phần. Nó chỉ ước có vài triệu đồng, đi học nghề may rồi may gia công cho nhẹ nhàng mà cũng sống được. Nhưng không biết đến bao giờ…”- chị Tám nói.

Rời khỏi công trình lổn ngổn những xi măng, sắt, thép, cát, đá… mang theo những lời tâm sự của các chị và ước mơ bé nhỏ của cô bé tên Gái Lớn lòng tôi tự dưng nặng trĩu… Những người phụ nữ vốn tay yếu chân mềm ấy đã chấp nhận và cả chịu đựng để làm những công việc hoàn toàn không nhẹ nhàng và dễ chịu chút nào, chỉ vì họ có trong tim sức mạnh của tình thương và trách nhiệm đối với những người thân yêu trong gia đình.

THUỲ PHƯƠNG