Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sa thạch trong nghệ thuật Champa
Thứ ba: 10:33 ngày 04/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sa thạch đã bước chân vào nghệ thuật kiến trúc Champa từ rất sớm, góp phần làm nên sức hút mê hoặc cho các công trình kiến trúc huyền thoại này.

Sa thạch đã bước chân vào nghệ thuật kiến trúc Champa từ rất sớm, góp phần làm nên sức hút mê hoặc cho các công trình kiến trúc huyền thoại này.

Dấu ấn sa thạch

Vào khoảng thế kỷ thứ VII, cùng với những công trình kiến trúc được xây dựng bằng gạch, người Chăm cổ đã sử dụng sa thạch làm lanh-tô, trụ cửa, diềm mái, trang trí chân tường, đỉnh tháp, bậc cấp. Sa thạch còn được dùng để điêu khắc tượng, phù điêu, làm đài thờ... Người Chăm cổ rất điêu luyện trong việc nối các khối đá. Ở các điểm nối, người ta thường liên kết bằng các mộng đuôi cá hoặc chốt vuông âm - dương.

Tháp Mỹ Sơn

Tại tháp Mỹ Sơn E1, công trình kiến trúc có niên đại vào thế kỷ thứ VII, phía trước bậc cấp lên xuống có một phiến đá mỏng khá lớn chạm hình cánh sen, trong lòng chạm nửa đóa hoa cúc. Hai trụ cửa ra vào bằng sa thạch màu xám đen có tiết diện tròn, quanh thân trụ chạm những đường gờ nổi chia trụ thành từng đoạn; trên hai đầu trụ trang trí hoa văn cánh sen cách điệu, chân đế hình vuông. Tại vị trí 4 góc trong lòng tháp có 4 chân tảng bằng đá hình khối vuông giật cấp nhỏ dần về phía trên. Theo các nhà nghiên cứu, các chân tảng của 4 cột đá để đỡ bộ khung gỗ của mái nhà, là những cấu kiện kiến trúc bằng sa thạch sớm nhất trong nghệ thuật Champa còn tồn tại.

Từ thế kỷ thứ VIII trở về sau, sa thạch càng được sử dụng nhiều hơn trong kiến trúc và điêu khắc Champa. Riêng về trụ đá, các nhà nghiên cứu phân chia ra làm 5 loại: trụ hình con tiện, trụ vuông, trụ lục giác, bát giác và trụ nửa tròn... Tùy theo từng phong cách nghệ thuật mà người ta có kiểu trụ và hoa văn trang trí khác nhau. Chúng không chỉ là cấu kiện chịu lực để đỡ phần lanh-tô bên trên, đó còn là những tác phẩm điêu khắc trang trí cho công trình kiến trúc, tạo cảm giác nhẹ nhàng trước chốn thâm nghiêm.

Tại khu đền tháp Mỹ Sơn, khu vực trước tháp B1 - ngôi tháp được xây dựng muộn nhất - hiện vẫn còn 8 trụ sa thạch khá lớn. Những cột đá này có quan hệ trực tiếp với tháp B1, có thể đó là phần nối tiền sảnh của B1 với tháp cổng. Tháp B1 cũng là ngôi tháp bằng đá duy nhất trong kiến trúc Champa còn để lại dấu vết. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tháp B1 được xây dựng dở dang, nếu hoàn chỉnh thì với số đo mỗi cạnh hơn 10m, B1 sẽ là tháp lớn nhất ở Mỹ Sơn.

Trước đây, quần thể tháp chịu nhiều tác động của thiên nhiên và chiến tranh, do đó không ít tháp đã bị đổ phần mái, lâu ngày gạch, đất vùi lấp đi phần chân tháp. Trong những năm gần đây, khi thực hiện việc tu bổ tháp Chăm, các nhà khảo cổ đã khai quật, phát lộ một số chân tháp có hệ thống trang trí chân tường bằng sa thạch như Chiên Đàn, Khương Mỹ, Dương Long. Phần trang trí chân tường gồm nhiều khối sa thạch ráp lại được chạm trổ kỳ công, thể hiện những đề tài như chiến sĩ, Apsara, tu sĩ, voi, khỉ, đầu Makara, mặt Kala... Mỗi nhóm tháp có một kiểu trang trí chân tường khác nhau, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của từng giai đoạn.

Tinh hoa

Trong các công trình kiến trúc Champa, ngoại trừ những ngôi nhà dài mái lợp ngói, những tháp có mái cong hình thuyền… các ngôi tháp khác đều có một bộ phận quan trọng được làm bằng sa thạch, đó là chóp tháp. Sau khi hoàn chỉnh phần thân và mái tháp, người ta đậy lên trên đỉnh một khối đá hình chóp. Chóp tháp không chỉ là một thành phần của kiến trúc mà còn có tác dụng trang trí đồng thời mang ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm Ấn Độ giáo, phần đỉnh tháp là nơi thần linh trú ngụ, trong đó chóp tháp là vị trí tôn nghiêm nhất. Mỗi công trình có một kiểu chóp khác nhau, lớn nhỏ tùy theo quy mô của từng tháp. Thông thường mỗi chóp tháp được làm từ một khối đá, có nơi chóp tháp quá lớn phải gắn 2 - 3 thớt đá. Chóp tháp được chạm trổ công phu, phần đế thường có tiết diện vuông, chạm những cánh sen xòe hoặc cách điệu thành đường gờ. Chóp được thu nhỏ dần lên trên dạng búp sen có tiết diện tròn hoặc lục giác.

Đản sinh Brahma

Sa thạch được sử dụng phổ biến trong điêu khắc Chămpa, bao gồm tượng các vị thần Ấn Độ giáo, những con thú trong thần thoại, các đài thờ, vật trang trí... Tác phẩm điêu khắc Champa sớm nhất được làm bằng sa thạch là đài thờ trong tháp E1, gồm nhiều khối sa thạch kết lại với nhau. Trên 4 mặt của đài thờ, thể hiện những sinh hoạt của các tu sĩ Bà-la-môn như giảng đạo trong rừng sâu, luyện thuốc, chữa bệnh bằng xoa bóp, thổi sáo, đánh đàn... Theo các nhà nghiên cứu, đài thờ này đã định hình cho phong cách cổ trong nghệ thuật Chăm - phong cách Mỹ Sơn E1 với niên đại vào khoảng nửa cuối thế kỷ VII. Cùng thời kỳ với đài thờ trên, có một tác phẩm nổi tiếng khác, đó là bức phù điêu "Đản sinh Brahama" gắn trên trán tiền sảnh đền thờ E1, được làm bằng sa thạch màu vàng nâu. Bức chạm diễn tả thần Brahma có 4 đầu ngồi xếp bằng trên đóa hoa sen mọc ra từ rốn của Vishnu. Mặc dù đó là những tác phẩm sớm nhất được làm bằng đá, nhưng các nghệ nhân Champa đã tỏ ra điêu luyện trong nghệ thuật chạm trổ, trên nền đá thô ráp, những hoa văn và nhân vật được thể hiện rất sinh động, mềm mại.

Người Chăm cổ khai thác và sử dụng vật liệu sa thạch khá nhuần nhuyễn, những cấu kiện trong các công trình kiến trúc được chế tác phù hợp với vị trí chịu lực và độ bền vật liệu. Các trang trí được người ta chọn những nơi phù hợp trên tháp gắn vào càng làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình. Mặc dù vẫn là các đề tài quen thuộc của nghệ thuật Chăm, nhưng mỗi tác phẩm điêu khắc được thể hiện theo tư duy thẩm mỹ của từng nghệ nhân, do vậy mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp riêng. Những đường nét mềm mại trên các tượng người, động vật, sự tinh tế, sắc sảo trên các hoa văn trang trí làm cho những tác phẩm điêu khắc bằng đá trở nên sống động...

K.D (st)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục