Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu
Thứ tư: 09:02 ngày 19/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu ngày 17 và 18-12 đồng loạt đỏ sàn do các quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế đã tác động đến tâm lý của giới đầu tư. Ngoài ra, nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng khiến các nhà đầu tư không muốn giữ cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 17-12

Dầu và chứng khoán cùng giảm

Chốt phiên giao dịch trên sàn giao dịch New York vào ngày 17-12, chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P đều giảm 2,1%, xuống lần lượt ở mức 23.592,98 điểm và 2.545,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,3%, xuống 6.753,73 điểm. Đây là mức giảm thấp nhất của TTCK Mỹ trong hơn một năm qua.

Cũng trong ngày 17-12, các TTCK ở châu Âu cũng rợp sắc đỏ, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) và chỉ số CAC tại Paris (Pháp) đều giảm 1,1%, xuống lần lượt là 6.773,24 điểm và 4.799,87 điểm. Trong khi đó, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 cùng giảm 0,9%, xuống mức tương ứng 10.772,20 điểm và 3.063,65 điểm.

Do TTCK Mỹ và châu Âu sụt giảm, thị trường cổ phiếu châu Á trong ngày 18-12 cũng sụt giảm khi có cùng mối lo ngại gia tăng về nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Chỉ số cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 0,3% trong giao dịch buổi sáng 18-12, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 1,2% sau giờ nghỉ giữa trưa. Cổ phiếu Trung Quốc mở cửa trong lãnh thổ với chỉ số blue-chip giảm 0,3%, trong khi cổ phiếu của Australia giảm 0,8%.

Cùng ngày 18-12, giá dầu mỏ thế giới cũng sụt giảm trước những dấu hiệu dư thừa nguồn cung ở Mỹ, trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu sa sút. Chốt phiên trên sàn giao dịch New York, giá dầu Brent biển Bắc giảm 0,67 USD (tương đương 1,11%) xuống 59,61 USD/thùng.

Trên sàn giao dịch London, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI giảm 1,32 USD (tương đương 2,58%), xuống 49,88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10-2017, “vàng đen” Mỹ rớt giá xuống dưới mức 50 USD/thùng.

Lo ngại từ FED và kinh tế Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa lên tiếng chỉ trích FED, đồng thời kêu gọi FED không nâng lãi suất, một ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) về chính sách tiền tệ. Tổng thống Donal Trump từng nhiều lần chỉ trích FED về vấn đề tăng lãi suất.

Lần gần đây nhất là vào ngày 27-11 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, ông chủ Nhà Trắng cho rằng việc tăng lãi suất cùng một số chính sách khác của FED đang gây tổn hại nền kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, phần lớn giới chuyên gia dự đoán FED sẽ phớt lờ sức ép chính trị và sẽ thông báo nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay vào ngày 18-12 (giờ Washington). Tại Mỹ, các nhà bán lẻ đã dự trữ hàng tiêu dùng từ Trung Quốc trước khi Mỹ áp thuế trừng phạt.

Nhưng kho hàng này đang cạn dần và từ bây giờ, chi phí của các công ty nhập hàng sẽ tăng trong năm 2019. Ngoài ra, chỉ số thị trường nhà ở của Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia cho thấy tâm lý người làm nhà ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua.

Dữ liệu ảm đạm về TTCK cũng do tin tức kinh tế yếu kém từ Trung Quốc vào cuối tuần trước. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 15 năm qua, theo dữ liệu tháng 11. Sản xuất công nghiệp cũng giảm tương tự.

Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đóng góp vào tăng trưởng thu nhập trong các công ty của Mỹ, nếu nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới gục ngã, nó sẽ gây hiệu ứng trên toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 6,6% trong năm 2018 và còn 6% vào năm 2019. Hiện tại, nhiều người đang tự hỏi liệu dự báo 6% đó có quá lạc quan hay không.

Nguồn VNE (tổng hợp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục