Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhà nghiên cứu dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường sống ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã biết tới tờ sắc phong này. Ông là người đã từng sưu tầm (qua ảnh chụp) rất nhiều sắc phong thần của đình, miếu trên toàn Nam bộ. Vì thế, trong sách “Đình Nam bộ xưa và nay” viết chung với Huỳnh Ngọc Trảng, ông cũng đã giới thiệu hàng chục bản sắc phong của các triều vua Nguyễn, trong đó có bản sắc phong của vua Bảo Đại cho thành hoàng đình Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.

|
Nội thất đình An Tịnh.
Vậy mà ở Tây Ninh, có lẽ còn ít người biết đến bản sắc phong xưa nhất tỉnh được lưu giữ đến ngày nay. Đấy chính là bản sắc phong thần do vua Tự Đức ban năm 1853. Chính xác là ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (8.1.1853).
Thật ra, cũng có một số người biết bản sắc phong này nhưng có lẽ chủ yếu là người quê An Tịnh. Là bởi một số đình, chùa của miền quê này như các chùa Tịnh Lý, Tịnh Thành, An Thành còn giữ cuốn sách phô-tô mang tựa đề “Tiểu sử làng An Tịnh” của tác giả Nguyễn Ngọc An. Ông từng là một viên chức cao cấp của chế độ Việt Nam cộng hoà và là con dân của làng An Tịnh.
Trong mục viết về ngôi đình, đoạn nói về sắc thần, có lẽ ông An đã nhầm khi viết về ngày vua ban sắc. Ông viết: “Tự Đức ngũ niên Nhâm Tý 1852, tháng 11 ngày 20 triều đình Huế ban cho làng một bằng sắc thành hoàng bổn cảnh…”. Tuy nhiên trong cuộc khảo sát gần đây vào ngày 23.7.2014 thì bản dịch của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường có hơi khác đi một chút. Vẫn là năm Tự Đức thứ năm nhưng ngày là 29 tháng 11 (Thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật), thay vì 20.11 như ông An đã viết. Chênh nhau có 9 ngày thôi nhưng tính theo dương lịch đã bước qua năm 1853 (ngày 8.1).
Các thế hệ hương chức làng An Tịnh đều rất coi trọng tờ sắc phong của làng mình. Như ông An mô tả rằng: “Các cụ xưa đều tín ngưỡng rằng thành hoàng là cha chung của một làng, một dây liên lạc vô hình kết chặt tinh thần dân chúng mọi tầng lớp…”. Vì thế, sắc thần luôn được bảo quản cẩn mật. Thoạt đầu là ở ngôi nhà lớn và kiên cố của một vị hương chức, đến năm 1909 khi An Tịnh xây được nhà Hội chánh (công sở xã) có người canh gác ngày đêm thì sắc thần được chuyển về cất giữ tại đây.
Năm 1947, do những biến động thời cuộc, sắc thần đã được chuyển đến chùa Tịnh Thành. Đến năm 1966, nó lại được gửi đến miếu ông Cả- nơi thờ tự và gìn giữ sắc phong thành hoàng đình Gia Lộc (là ngôi đền thờ đại hương cả Đặng Văn Trước trong khu phố chợ cũ Trảng Bàng). Đến tháng 4.1975, sắc thần lại được chuyển đến chùa Tịnh Thành gần với đình An Tịnh.
Đến đây mới có thể coi là chấm dứt số phận long đong “bảy nổi ba chìm” của tờ sắc phong quý giá. Tính tới năm 2014, tờ sắc đã có 161 năm lịch sử. Quý nữa vì đây là tờ sắc phong thời Tự Đức duy nhất còn tới ngày nay trên đất Tây Ninh.
Tiện đây, hãy so sánh với các bản sắc phong còn lại. Cả hai bản sắc phong ở hai ngôi đình di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia thuộc TP. Tây Ninh, đều là của thời vua Khải Định (Khải Định nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật- tức là ngày 18.3 âm lịch, như vậy suy ra dương lịch là 9.4.1917 không phải là 18.3.1917 như sách “Tây Ninh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh” của Bảo tàng Tây Ninh xuất bản năm 2001).
Tờ sắc phong thành hoàng Gia Lộc là vào năm 1933; sắc phong Linh Sơn thánh mẫu là năm 1935, và sắc phong thành hoàng đình làng Ninh Thạnh (nay là đình Thái Ninh) là vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937) (tư liệu do Trương Ngọc Tường cung cấp).
Nhân đây, cũng xin tham khảo một đoạn viết về lễ Kỳ yên đình An Tịnh, thể hiện sự sùng kính của người xưa với tờ sắc phong thần qua những trang ghi chép của ông Nguyễn Ngọc An. Tại chương III- Tục lệ trong làng, mục lễ Kỳ yên hay Cầu an, ông viết: “Mỗi năm đến ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch làng làm lễ Kỳ yên hay Cầu an quý tế linh thần… Sáng tám giờ ngày rằm làng làm lễ thỉnh sắc rước chiếu chỉ vua Tự Đức từ nhà Hội chánh đến đình. Nghi lễ long trọng có hương án, lọng, tàn, cờ, biển, long đình đựng hòm sắc, đoàn rước tiến chậm theo tiếng đại cổ, mõ, đại thần chung đánh một hiệp 3 tiếng, 2 nhặt 1 khoan. Sắc thần an vị rồi làng làm lễ cúng tiền vãng để ghi nhớ công đức người xưa đã dày công lập đình thần…”.
TRẦN VŨ