Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới
Thứ tư: 06:10 ngày 27/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục sẽ triển khai việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) ở lớp 1. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố các bộ sách giáo khoa/hoạt động giáo dục (SGK) để các địa phương lựa chọn.

Một trong 4 mẫu SGK do NXB Giáo dục ấn hành.

SGK là một trong những phương tiện dạy học quan trọng nhất được sử dụng thường xuyên, phổ biến. Đối với giáo viên, SGK định hướng phân tích, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện dạy học... để thiết kế kế hoạch dạy học (giáo án) làm cơ sở cho quá trình tổ chức hoạt động dạy học ở trên lớp. Đối với học sinh, SGK là tài liệu chính cho việc học tập ở trường và ở nhà. Ngoài ra, SGK còn là tài liệu để phụ huynh theo dõi việc dạy học của giáo viên và giúp đỡ con em trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, vai trò của SGK không bất biến mà thay đổi khi chương trình dạy học và giáo dục có sự thay đổi. Về cơ bản, mỗi chương trình chỉ có một SGK cho mỗi môn học. Đối với bộ SGK hiện hành (được sử dụng từ năm học 2002-2003 đến nay), các chuyên gia giáo dục, đông đảo giáo viên và học sinh nhìn nhận, SGK nặng về lý thuyết, ít thông tin hữu ích, thiếu liên hệ thực tế, khách quan, thiếu hẳn những vấn đề nóng mang tính thời đại; nội dung còn đơn điệu, chưa sinh động, ít hình vẽ minh hoạ và trình bày chưa đẹp...

Thực hiện Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Nghị quyết 88/2014/QH 13, Chương trình GDPTM được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tạo môi trường học tập rèn luyện giúp người học tích luỹ được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng có hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Chương trình GDPTM gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Mỗi một chương trình môn học/hoạt động giáo dục sẽ có nhiều SGK, giữa SGK và chương trình có mối quan hệ mật thiết. Những bộ SGK có chất lượng được xem như “chìa khoá” để thực hiện thành công chương trình. Chương trình bao gồm: Mục tiêu, Nội dung, Kế hoạch, Phương pháp giáo dục/dạy học - Kiểm tra - Đánh giá. SGK là văn bản cụ thể hoá nhiều yếu tố của chương trình.

Các bộ SGK là một tổng thể có tính hệ thống chặt chẽ, môn này liên quan đến môn kia, phân môn này liên quan đến phân môn kia (trong một môn học), sách lớp dưới phục vụ sách lớp trên, sách lớp trên kế thừa, phát triển sách lớp dưới tức là thể hiện quan hệ liên môn, nội môn trong cả hệ thống giáo dục phổ thông. 

Theo các chuyên gia, SGK mới có nhiều điểm tích cực như có nhiều phương án lựa chọn, một chương trình có nhiều SGK, khuyến khích cá nhân, tổ chức biên soạn, khuyến khích sự sáng tạo, đa dạng của người biên soạn. Điểm mới là SGK được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tích hợp nhiều chức năng như cụ thể hoá chương trình GDPTM, cung cấp thông tin để học sinh gia công trí tuệ giải quyết các vấn đề nhận thức, thực tiễn, qua đó rèn luyện, phát triển các phẩm chất, năng lực...

SGK mới được biên soạn công phu theo một quy trình: Tổ chức, cá nhân biên soạn, nộp bản thảo cho Nhà xuất bản để đề nghị thẩm định. Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK. Hội đồng thẩm định quốc gia bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, nhà giáo có kinh nghiệm, uy tín và các tổ chức có liên quan.

Tính đến ngày 8.11, đã có 5 bản thảo bộ SGK lớp Một được chấp nhận, trong đó có 4 bản mẫu được Nhà xuất bản Giáo dục công bố; còn bộ sách của Nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành. Nhận xét ban đầu: SGK thể hiện đúng và đầy đủ của chương trình môn học/hoạt động giáo dục, bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam 

Theo lộ trình, sau khi Hội đồng thẩm định hoàn thành phần việc của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê chuẩn các bộ SGK đạt chuẩn. Công việc tiếp theo là các địa phương sẽ lựa chọn để triển khai ở địa phương mình. Luật Giáo dục sửa đổi (năm 2019), tại điểm C, Khoản 1, Điều 2 đã ghi: “UBND tỉnh quyết định lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định của Bộ GD&ĐT”.

Sau khi công khai các bản mẫu SGK lớp Một, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn việc lựa chọn. Xung quanh vấn đề lựa chọn SGK có nhiều băn khoăn: Làm thế nào tránh được lợi ích nhóm trong quá trình lựa chọn bởi chọn bộ SGK nào của nhà xuất bản nào liên quan đến “hoa hồng, lót tay” của nhóm tác giả và nhà xuất bản; giá cả của SGK mới sẽ tăng cao nhưng ở mức độ nào có thể chấp nhận được, không gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh; Mỗi địa phương  sẽ được chọn bao nhiêu bộ SGK...

Nhưng có lẽ, điều băn khoăn nhất vẫn là từ phía cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về việc tập huấn, bồi dưỡng, tiếp cận... việc dạy học theo chương trình, SGK mới. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã giao cho một số trường đại học tập huấn, bồi dưỡng cho khoảng 17.000/28.000 giáo viên cốt cán của 48 tỉnh, thành, đạt khoảng 60% kế hoạch. Nhưng đây cũng chỉ là tập huấn, bồi dưỡng... chay vì chưa có SGK.

Đội ngũ cốt cán có khả năng truyền đạt được cho giáo viên ở các địa phương hay không, trong đó có liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho việc thực hiện chương trình, SGK mới... Đó là chưa nói đến  việc muốn lựa chọn, các thành viên của Hội đồng ở các địa phương phải có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT chọn.

Còn giáo viên muốn lĩnh hội được việc dạy học theo SGK mới, cần có thời gian tìm hiểu để “thấm nhuần” được quan điểm, nội dung, phương pháp... của chương trình, SGK mới. Trong khi thời gian từ nay đến đầu năm học 2020-2021 không còn nhiều.

Diệu Mai

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục