Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sách và đọc sách
Thứ sáu: 15:56 ngày 23/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi từng nghe ông chú kể, thời bao cấp, cuốn sách nào mới in bày ở hiệu sách Nhân Dân là được mọi người nồng nhiệt đón chào.

Ði học về là cả nhóm lại chúi mũi vào tủ kính bày sách. Hôm nào gặp người bán dễ tính thì xin mượn để xem qua. Nếu thấy hay quá thế nào cũng quyết dành dụm tiền để mua- dù cuốn đắt lắm cũng chỉ hơn 1 đồng- bằng 3 bát phở. Ðấy là tiểu thuyết hẳn hoi, chứ sách thơ thì chỉ có ba hào. Mà sách toàn in từ loại giấy rơm, còn mới tinh nhưng đã úa vàng, mặt giấy lại ram ráp như là giấy nhám.

Ðến nay, tôi vẫn còn giữ được vài cuốn thời ông chú tôi mua và cho lại. Chú bảo: đến thời đổi mới thì sách cũng được tiên phong đổi mới. Bắt đầu từ loại sách do Liên Xô in và viện trợ của nhà sách Cầu Vồng ở tận Mạc Tư Khoa. Sách ấy thì “chúa” lắm nhé- chú khoe.

Toàn những Sông Ðông êm đềm, Chiến tranh và hoà bình, Bông hồng vàng, Con tàu trắng… những tuyệt tác của những tác giả nổi tiếng thời Liên bang Xô viết, lại in trên giấy trơn láng, trắng tinh, bọc bằng bìa cứng. Ðể có được những cuốn ấy cũng không hề đơn giản.

Khi sách về thì công ty sách thông báo đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Rồi những nơi ấy lại phát hành giấy giới thiệu cho người đến mua. Chậm chân một chút cũng chả còn! Cuốn sách mà ông tiếc nhất lại là cuốn truyện thiếu nhi Liên Xô mang tên “Cuộc phiêu lưu của Mít Ðặc và những người bạn”.

Tôi đã hơn một lần hỏi: sao chú lại mua cả sách thiếu nhi? Ông trả lời: vì cuốn ấy đẹp lắm, khổ to, minh hoạ tranh màu. Ông xem trước, rồi để dành cho các con, nhằm di dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ. Vậy mà một bận để mối xông, tan nát hết. Tiếc ơi là tiếc! Giờ thì có muốn cũng chẳng thể tìm ra.

Cuối năm ngoái, tôi đã tìm ra cuốn “Cuộc phiêu lưu của Mít Ðặc và những người bạn” trong một lần đến cửa hàng sách Fahasa Tây Ninh khi cửa hàng mới khai trương. Vừa may, nhà sách đang có đợt bán loạt sách in đặc biệt, kỷ niệm 60 năm Nhà xuất bản Kim Ðồng.

Lần này thì lập công to với chú tôi rồi nhé! Sách y như những gì chú tôi nhớ và miêu tả. Lại còn được bọc thêm một lần giấy kiếng hẳn hoi. Giá chỉ trăm rưỡi ngàn. Mà có hơn nữa vẫn phải mua. Vì nó đã nằm trong bộ nhớ của những người yêu sách từ khoảng bốn mươi năm trước.

Khi đem tặng, thoạt đầu mắt chú tôi bừng sáng, tay run run cẩn thận gỡ lớp giấy kiếng ra rồi lật giở từng trang, chú bỗng thốt lên: không phải rồi cháu ạ! Dù nội dung sách vẫn đúng, nhưng các tranh ruột in đen trắng (thay cho các bản vẽ màu như sách gốc).

Giờ thì tới nhà sách nào, ta cũng sẽ gặp vô số sách in sang trọng và đẹp đẽ như cuốn tôi vừa kể. Ða phần là bìa cứng, ảnh màu. Giấy ruột trắng bong. Số ít bìa mềm, tranh bìa cũng vô cùng nổi bật. Nhưng đi khắp lượt, mới thấy sách văn chương mới chẳng có bao nhiêu.

Sách cũ tái bản hơi nhiều. Và nhiều hơn nữa là các sách chuyên môn đủ loại, cũng như các loại sách dạy làm giàu nhanh, hoặc phong thuỷ và tướng số- loại chưa từng có trong các hiệu sách Nhân Dân của thời bao cấp ngày xưa. Giá sách ngày nay cũng thật vô tư.

Thường là giá “trên trời” lúc mới ra hoặc còn đang bán chạy. Nhưng sau vài tháng không có người mua là đồng loạt đại hạ giá. Có khi chỉ bán... cân ký, hoặc đồng giá mười ngàn, như đã có lần xuất hiện tại đường sách ở TP. Hồ Chi Minh một năm nào đó.

Sau sự cố “Cuộc phiêu lưu của Mít Ðặc…” tôi còn nhận ra một “bí quyết” của nghề in sách đương thời. Ðấy là việc bọc giấy kiếng cho sách, chưa chắc đã phải là sự tôn vinh, mà có khi chỉ để những sinh viên nghèo không còn cơ hội “đọc ké” như xưa nữa.

Muốn đọc thì phải mua. Thảo nào, các phương tiện truyền thông lâu lâu lại phải “báo động” một lần, về nguy cơ của “văn hoá đọc”. Mà có lẽ cũng là nguy thật! Bởi ngay cả Thư viện tỉnh rộng rãi khang trang ba, bốn tầng lầu đủ loại sách nghiên cứu và văn học cũng không mấy người đến đọc.

Ðông nhất nơi đây vẫn là các em học sinh đến đọc các tài liệu cần học thêm. Một số không nhiều khác đến mượn tiểu thuyết. Con người hôm nay, một là quá bận rộn vì công việc chuyên môn hay hành chính. Hai là đã có quá nhiều phương tiện để xem, nghe. Nên ngay cả các cơ quan có tủ kính bày sách hẳn hoi, tủ cũng luôn sáng bóng vì không mấy ai đụng tới.

Nhưng cũng không nên “nản” quá. Là bởi tuy văn hoá đọc có suy giảm, mỗi năm vẫn có hàng ngàn đầu sách được in ra. Nhiều nhất vẫn là thơ. Bạn tôi từng khoe, tập thơ mới in của bạn là thơ “bốn triệu”, hiểu theo nghĩa nói lái, nói chệch là thơ “biếu trọn”. Tôi còn chưa biết được hàng triệu bản sách ấy đã đi đâu, và liệu có những trang giấy trắng tinh thơm tho chưa được ai lần giở một lần nào?

NGUYỄN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục