Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sai lầm bạn thường mắc phải khi nấu món thịt
Thứ hai: 22:33 ngày 29/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Rã đông ở nhiệt độ phòng, dùng nước sôi chần thịt, luộc trong nồi quá to hoặc quá nhỏ... làm giảm mùi vị và có thể gây hại sức khỏe.

Không phải ai cũng biết chế biến thịt đúng cách để giữ nguyên dưỡng chất và mùi vị. Thịt mua từ chợ về không nên dùng nước đun sôi để chần, rửa. Khi ấy thịt chưa loại bỏ được bụi bẩn bên trong do dinh dưỡng chủ yếu là protein tồn tại dưới dạng cơ thịt và mỡ, trong khi vitamin, axit amin tập trung trong tế bào cơ protein.

"Do đó, thịt cho vào nước đun sôi dễ biến tính co lại, hấp thu các hóa chất và chất bẩn nhiều hơn, do đó không an toàn", phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, giải thích. Cách đúng là dùng nước sạch rửa thịt. 

Thịt đã cấp đông nếu rã đông không đúng cách sẽ dễ bị ôi thiu. Lý do, tế bào thịt đông lạnh thành đá khi phân rã nhanh sẽ vỡ và trở thành môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, thực phẩm sau khi rã đông phải chế biến ngay, tránh cấp đông trở lại làm mất dinh dưỡng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, không nên để thực phẩm tự rã đông ở nhiệt độ phòng vì dễ sinh sôi vi khuẩn dẫn đến ngộ độc, tiêu chảy. Không cho thực phẩm đông lạnh vào dầu nóng để rã đông hoặc nấu khi thịt chưa rã đông sẽ làm mất chất dinh dưỡng. Nếu nấu quá lâu, thịt bị nát, hỏng và mất vị ngon.

Thực phẩm sau khi rã đông phải chế biến ngay, tránh cấp đông trở lại và không giữ thịt trong ngăn lạnh quá lâu. Có thể sử dụng lò vi sóng để rã đông ở nhiệt độ thích hợp. Bọc kín thực phẩm trong túi nilon để chất dinh dưỡng không bị mất đi. Bạn có thể cho thực phẩm vào ngăn mát tủ lạnh để rã đông từ từ. Không sử dụng nước nóng để rã đông sẽ làm hỏng thịt, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Khi chế biến, bạn nên hạn chế dùng thớt gỗ mòn để thái thịt. Thớt cũ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ, từ đó dễ dàng bám vào những kẽ nhỏ của thịt gây hại. Không sử dụng chung thớt cho thịt sống và thịt chín. Nguyên nhân, thịt sống để lại vi khuẩn trên tất cả mọi thứ nó chạm vào, kể cả thớt, xoong nồi và tay của bạn, nước rửa thông thường sẽ không thể làm sạch hoàn toàn.

Bạn nên có hai thớt riêng biệt cho thịt và rau, đồ sống, đồ chín, hoặc dùng nước nóng, dầu rửa khử trùng thớt khi bạn chuyển sang xử lý thực phẩm tiếp theo.

Chọn nồi nấu thịt phù hợp với lượng thịt cần chế biến. Không chọn nồi quá to hoặc quá nhỏ khiến thịt chín không đều. Khi luộc thịt, nên đong lượng nước vừa đủ, hạn chế thêm nước lạnh khi nước luộc thịt đã sôi. Theo các chuyên gia, trong thịt và xương có chứa nhiều protein và chất béo, nếu cho nước lạnh vào trong khi đang chế biến sẽ làm cho nhiệt độ nước giảm đột ngột, protein và chất béo ngay lập tức bị kết tủa; các rãnh, khe hở của thịt và xương sẽ co lại, dễ nhiễm khuẩn. Mùi vị tươi ngon của thịt và xương cũng bị ảnh hưởng.

Sau khi luộc, không nên thái thịt ngay bởi nước chưa kịp thoát ra ngoài, khiến thớ thịt không đẹp mắt. Tốt nhất, nên đợi khoảng 5-10 phút cho thịt lợn và khoảng 20 phút cho món gà luộc.

Để có món thịt ngon, việc quan trọng hơn cả là chọn được miếng thịt sạch, mua ở nơi uy tín. Thịt sạch, không chất độc hại thì chế biến bằng cách nào cũng rất bổ dưỡng và an toàn. Ăn kèm thêm rau xanh, hải sản, trứng để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục