Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chia sẻ là biểu tượng của lòng tốt và sự hào phóng, nhưng dạy con phải nhường đồ chơi cho bạn và tìm đồ chơi khác thay thế là hoàn toàn sai lầm.
Margaux Khoury, ở tỉnh New Brunswick, Canada, là nhà văn tự do, CEO công ty hóa chất The Best Deodorant In The World. Cô phân tích những lý do không yêu cầu con nhường đồ chơi cho bạn.
Mấy hôm trước, khi cùng con trai chơi đùa trên sân cát ngoài khu vui chơi trẻ em, tôi nhận thấy một cậu bé tầm tuổi con trai tôi đang nắm chặt chiếc xe tải đồ chơi của mình. Mẹ cậu bé nói: "Hãy đưa nó cho Johnny, con có thể chơi cái khác". Dù không nói lời nào, khuôn mặt cậu bé bộc lộ sự bối rối và kháng cự.
Trong tâm trí, có lẽ cậu bé đang tự hỏi: "Tại sao mình phải đưa đồ chơi cho bạn khác?", "Đây là đồ chơi yêu thích của mình, không phải của ai khác, mình không muốn chia sẻ nó với ai". Thế nhưng, cậu bé buộc phải từ bỏ quyền sở hữu của mình.
Là phụ huynh, bạn có thể nghĩ rằng nhường nhịn là hành động thể hiện sự hào phóng và con cái chúng ta nên học cách chia sẻ với mọi người xung quanh. Nhưng tôi hy vọng các bạn có thể mở rộng suy nghĩ, dù chỉ trong chốc lát.
Xã hội định nghĩa "đứa trẻ ngoan" là có thể tự chơi một mình, không quấy khóc, ngủ yên vào ban đêm. Khi lớn hơn, các em bé ngoan sẽ chia sẻ đồ chơi với bạn bè, hòa đồng với mọi người, nghe lời và không làm trái ý. Tại sao những đặc điểm này lại trở thành dấu ấn của những đứa trẻ ngoan?
Trước khi yêu cầu con nhường đồ chơi cho bạn, tôi hy vọng phụ huynh có thể dành ra một phút xem xét yêu cầu của mình có thực sự tốt cho con hay không. Các bạn có thể tham khảo sáu lý do dưới đây trước khi ra quyết định.
1. Đồ chơi đặc biệt
Một số đồ chơi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với trẻ. Đó có thể là món quà chúng nhận được từ người thân, bạn bè; cũng có thể là món đồ chơi đầu tiên trẻ có được hay phải tham gia cuộc thi để giành lấy. Thật không công bằng khi yêu cầu con nhường những món đồ chơi có ý nghĩa đặc biệt cho các bạn.
2. Trẻ em khó nắm bắt các khái niệm
Khi bạn bảo với con nhường đồ chơi là đồng cảm, tốt bụng, trẻ sẽ khó hiểu được những khái niệm này và làm theo một cách máy móc, đặc biệt là các bé dưới ba tuổi chưa đủ nhận thức mọi thứ xung quanh. Bạn đừng đặt tên cho những hành vi đó, hãy để trẻ thực hiện hành động tốt nhiều lần, phẩm chất tốt đẹp sẽ tự nhiên thấm nhuần trong chúng. Cha mẹ nên làm gương cho con cái. Khi người lớn tỏ ra hào phóng, tốt bụng, thân thiện với mọi người và môi trường xung quanh, con cái chúng ta cũng sẽ làm như vậy.
3. Tôn trọng quyền tự chủ của trẻ
Chia sẻ là hành động tốt bụng, hào phóng nhưng chỉ khi một người chủ động làm điều đó. Từ khi nào việc bắt buộc con cái làm theo ý mình lại trở thành cách nuôi dạy đúng đắn? Đối với một đứa trẻ, như tôi đã nói ở trên, chúng không hiểu thế nào là đồng cảm. Bị buộc phải nhường đồ chơi là bị buộc phải nhường đồ chơi. Chúng sẽ nhìn nhận hành động này như cách cha mẹ ép buộc và tuân thủ vô điều kiện. Dần dần, khi lớn lên, chúng sẽ mang tư tưởng rằng người lớn luôn có quyền lực tuyệt đối, việc của chúng là im lặng và nghe theo.
Tin vào quyền tự chủ của mỗi người, chúng ta phải nhìn nhận quyền đó đối với cả con cái. Trẻ em có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình, điều này thúc đẩy chúng suy nghĩ độc lập, có chính kiến và tự chủ. Nếu người lớn tôn trọng trẻ em, chúng sẽ tôn trọng chúng ta và mọi người xung quanh.
Hai người con của Margaux, Maddox (trái) và Olivia đang chơi ngoài vườn. Ảnh: Margaux Khoury
4. Quyền sở hữu cá nhân
Phụ huynh mong muốn con mình sẽ là người có trách nhiệm, có khả năng quản lý vật dụng cá nhân và cuộc đời riêng. Nhưng chúng ta lại yêu cầu chúng nhường đồ của mình cho người khác và để người khác chịu trách nhiệm cho đồ vật ấy? Nhiều người trong số chúng ta không muốn chia sẻ những vật có giá trị của bản thân cho người khác như ôtô, nhà, điện thoại... nhưng tại sao lại muốn con mình làm vậy? Mỗi đồ chơi, đối với trẻ em, là đồ vật cá nhân nên các em quyền sở hữu cá nhân, cha mẹ nên ở bên giúp đỡ chứ không nên can thiệp vào quyền này.
5. Thế giới thực
Các bạn hãy nhìn vào cuộc sống thực tế ngoài kia. Liệu khi muốn một thứ gì đó, chúng ta có thể lấy của người khác? Chúng ta không thể làm thế và phải nỗ lực bằng khả năng của mình để đạt được thứ đó hoặc chấp nhận bản thân không thể có được và phải chuyển sang những phương án khác. Vậy tại sao chúng ta lại dạy con rằng khi muốn đồ chơi, chúng có thể lấy nó từ bạn bè?
6. Sự kiên nhẫn
Tôi quy định các con không được lấy đồ chơi của bạn chỉ vì muốn có nó. Từ đó, tôi dạy các cháu rằng không bao giờ có chuyện "ước gì được nấy" và chúng ta không thể giẫm đạp lên người khác để đạt điều mình muốn. Đó là bài học về sự kiên nhẫn.
Khi các con tôi muốn đồ chơi của bạn bè, tôi sẽ hỏi các cháu có muốn chơi cái khác không hoặc nhắc con đợi bạn chơi xong mới hỏi mượn. Nếu cần, tôi sẽ ngồi xuống và cùng các con chơi những trò chơi khác.
Tôi có quy tắc không can thiệp khi các con đang chơi với bạn bè. Khi các cháu tranh giành đồ của bạn, tôi sẽ hỏi con rằng: "Con cảm thấy thế nào nếu đồ chơi yêu thích của con bị bạn lấy mất?". Ngay lập tức, con tôi sẽ đem trả bạn món đồ.
Trong thời đại công nghệ số, chúng ta đang dần mất đi kỹ năng quan trọng và giá trị, đó là sự kiên nhẫn. Đây là đức tính rất cần thiết với trẻ em và cha mẹ cần làm gương để con học được đức tính này, không phải chỉ bằng phương pháp dạy.
Vậy chúng ta nên làm gì khi con muốn đồ chơi của bạn hay các bạn muốn đồ chơi của con? Nếu bạn bè của con tôi đến nhà, trước hết tôi và các cháu sẽ cất những đồ chơi đặc biệt ý nghĩa và chọn ra những đồ chơi dành cho số đông hoặc một số đồ chơi riêng. Lựa chọn tốt nhất trong các buổi vui chơi đông người là những món đồ có thể cùng chơi.
Tiếp đó, tôi khuyến khích con chơi đồ chơi cùng bạn. Một món đồ, trẻ có thể nghĩ ra cách để chia sẻ với nhau, không nhất thiết phải nhường cho một bạn duy nhất. Nếu con tôi muốn nhường đồ chơi cho bạn, tôi hoàn toàn đồng ý nhưng nếu không cũng chẳng sao.
Trẻ em có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình và quyết định chia sẻ đồ chơi với ai. Tôi tin đây là cách nuôi dạy những đứa trẻ hào phóng. Chắc chắn, cảm xúc thất vọng hoặc bực dọc sẽ xuất hiện nếu trẻ không có được đồ chơi mình muốn. Cha mẹ có thể dẫn dắt con cái đối phó, vượt qua những cảm xúc này, từ đó dạy trẻ về tính kiên nhẫn và siêng năng.
Nguồn VNE (Theo Huffpost)