Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vụ tranh chấp đất của bà Lê Thị Huỳnh ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành:
Sai một ly, đi một dặm
Thứ tư: 04:10 ngày 16/03/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Chỉ một vài sai sót mà vụ tranh chấp đất của bà Lê Thị Huỳnh (SN 1929, ngụ ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) kéo dài suốt 19 năm qua. Đến nay vụ việc này mới tìm được hướng giải quyết.

Mẹ con bà Huỳnh sinh sống trong hai chuồng heo.

Sai sót của cơ quan chức năng

Bà Huỳnh có phần đất diện tích 2.736m2 do cha mẹ bà để lại. Trên phần đất đó bà cất một căn nhà nhỏ và xây chuồng nuôi heo nái. Năm 1996, giữa bà Huỳnh và ông Nguyễn Thanh Xuân xảy ra vụ tranh chấp tiền trúng xổ số. Vụ việc được Toà án nhân dân huyện Châu Thành giải quyết, bản án buộc bà Huỳnh trả cho ông Xuân số tiền 21 triệu đồng. Bà Huỳnh không đồng ý, kháng cáo. Toà án tỉnh bác đơn của bà Huỳnh và tuyên y án sơ thẩm. Ngày 9.10.1997, Đội Thi hành án huyện Châu Thành tiến hành định giá tài sản là đất của bà Huỳnh, ngày 9.4.1998, lập biên bản cưỡng chế để giao đất cho ông Xuân sử dụng.

Mọi chuyện bắt đầu phát sinh khi Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành tống đạt quyết định thi hành án cho bà Huỳnh với nội dung thi hành án phần đất của bà với chiều ngang 38m x chiều dài 57m. Trong khi đó, quyết định thi hành án gửi cho ông Xuân lại có chiều ngang 48m x chiều dài 57m (diện tích 2.736m2)- tăng chiều ngang 10m so với quyết định thi hành án của bà Huỳnh. Bà Huỳnh không đồng ý nhưng cũng không kháng cáo, mà phản ứng bằng cách dùng dằng không chịu giao đất cho ông Xuân.

Trong khi việc tranh chấp đất giữa bà Huỳnh và ông Xuân chưa giải quyết xong thì giữa năm 2005, UBND xã Thanh Điền vận động mạnh thường quân xây tặng cho gia đình bà Huỳnh một nhà đại đoàn kết có diện tích 88,2m2. Cán bộ địa chính xã Thanh Điền lúc bấy giờ cho xây nhà ngay trong phần đất đã được Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành giao cho ông Xuân. Gia đình bà Huỳnh dọn vào nhà mới ở và làm ăn sinh sống ổn định đến 10 năm. Trong thời gian đó, vợ chồng ông Xuân có yêu cầu UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất theo biên bản cưỡng chế Thi hành án đối với bà Huỳnh.

Nhận ra sai sót này, UBND xã Thanh Điền khắc phục hậu quả bằng cách xây dựng cho bà Huỳnh một căn nhà đại đoàn kết khác trong khu tái định cư mới của xã, có diện tích nhỏ hơn căn nhà cũ là 18,2m2, nhưng bà Huỳnh không chịu dọn về ở. Từ tháng 7 đến tháng 9.2014, UBND huyện Châu Thành đã hai lần ra thông báo cho bà Huỳnh di dời căn nhà và toàn bộ tài sản, vật kiến trúc ra ngoài phần đất đã kê biên giao cho ông Xuân. Thanh tra huyện cũng đã mời bà Huỳnh đến UBND xã Thanh Điền để làm việc, nhưng bà Huỳnh không hợp tác, tự ý ra về. Tháng 10.2014, UBND huyện Châu Thành ra quyết định cưỡng chế, căn nhà đại đoàn kết bà Huỳnh đang ở bị đập bỏ, còn vật dụng trong nhà được đoàn cưỡng chế vận chuyển qua căn nhà mới.

Tuy nhiên, bà Huỳnh vẫn không chịu qua căn nhà mới ở, mà cùng người con trai út dọn vào ở tạm trong chuồng heo phía sau nhà. Từ đó đến nay, đã gần 3 năm trôi qua, hai mẹ con bà ở nơi chật chội, ẩm thấp và không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tìm hướng khắc phục

Trước việc gia đình bà Huỳnh sinh sống trong chuồng heo, không chịu di dời, gia đình ông Xuân làm đơn yêu cầu giải quyết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. UBND huyện Châu Thành và các ngành có liên quan đã nhiều lần tổ chức họp, tìm phương hướng khắc phục nhưng vẫn bế tắc.

Đến ngày 11.3.2016, bà Nguyễn Thị Sương (đại diện theo uỷ quyền của ông Xuân) đồng ý nhận phần đất với chiều ngang là 38m (không “lấy đủ” 48m), phần 10m bề ngang chênh lệch được quy đổi thành tiền và người thi hành án sai sót (quyết định sửa chữa 38m thành 48m) sẽ phải đền bù. Bà Sương yêu cầu trong vòng 1 tháng phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất này, còn tiền đền bù sẽ nhận một lần. Về phần diện tích đất 10m chiều ngang còn lại sẽ giao cho bà Huỳnh tiếp tục sử dụng.

Như vậy là vụ tranh chấp đất và nhà của bà Lê Thị Huỳnh kéo dài gần 20 năm qua, nay cơ bản mới tìm được hướng giải quyết. Qua đó cho thấy, chỉ vì một vài sai sót của cơ quan Thi hành án và cán bộ địa chính xã Thanh Điền mà người dân phải chờ gần hai thập kỷ mới giải quyết xong.

Đại Dương- Đức An

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục