BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sai phạm trong xây dựng cơ bản có phần do cách tính toán không thống nhất

Cập nhật ngày: 24/05/2012 - 04:45

Tin liên quan: >>Khi cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng cơ bản

Nhiều dự án XDCB lập dự toán thừa so với thực tế

Báo Tây Ninh số ra ngày thứ tư 16.5.2012 có đăng bài “Khi cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng cơ bản” phản ánh thực trạng khó khăn của các huyện, thị trong tỉnh khi làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản (XDCB), từ đó dẫn đến một số sai sót- nhất là trong khâu thẩm tra thiết kế- dự toán, phần lớn là sai phạm về dự toán sai, dự toán thừa so với thực tế. Tuy nhiên, theo phản ánh lại của một số huyện, thị thì trong việc xác định giá trị thừa của dự toán có phần là do quan điểm tính toán của đơn vị tư vấn và ngành Thanh tra không thống nhất với nhau.

Ông Nguyễn Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh cho biết giai đoạn 2007-2010, trên địa bàn Thị xã có 15 công trình với tổng vốn đầu tư là 117,16 tỷ đồng do UBND Thị xã làm chủ đầu tư được thanh tra. Theo kết luận thanh tra, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư thực hiện trình tự thủ tục XDCB đúng theo quy định. Giai đoạn thực hiện dự án, việc lập hồ sơ phù hợp với yêu cầu của công trình và được các cơ quan chức năng phê duyệt đúng quy định. Công tác thiết kế- dự toán được chủ đầu tư thuê các đơn vị tư vấn thực hiện theo đúng các quy định. Tuy nhiên, trong việc thẩm tra còn sai sót, thiếu kiểm tra chặt chẽ nên không phát hiện dự toán tính sai khối lượng có giá trị xây lắp sau thuế là 1.177.390.443 đồng. Trong đó, số tiền thanh toán sai là 129.719.993 đồng- chiếm tỷ lệ khoảng 0,001% tổng vốn đầu tư 15 công trình được thanh tra và ngành Thanh tra đề xuất thu hồi. Phần này đến nay chủ đầu tư đã thu hồi xong. Phần giá trị 1,047 tỷ đồng tính thừa còn lại- do công trình đang trong quá trình thi công, chưa thanh quyết toán nên khi tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng chủ đầu tư sẽ xác định theo khối lượng thực tế thi công và khi quyết toán sẽ loại khỏi giá trị tính thừa trong hồ sơ dự toán.

Theo ông Nguyễn Nam Hưng, giá trị tính thừa trong hồ sơ dự toán do ngành Thanh tra phát hiện khi thanh tra các công trình XDCB trên địa bàn Thị xã giai đoạn 2007-2010 là đúng. Tuy nhiên, trong đó không phải hoàn toàn do chủ đầu tư thẩm tra dự toán thiếu chặt chẽ mà có phần do quan điểm tính toán chưa thống nhất giữa đơn vị tư vấn và ngành Thanh tra. Cụ thể như theo dự toán do đơn vị tư vấn lập, các phần “thừa” ở những điểm kết nối chồng nhau giữa các thanh sắt đều được tính vào dự toán (về mặt kỹ thuật quy định mỗi thanh sắt khi kết nối phải đảm bảo khoảng kết nối là 30d- nghĩa là khoảng chồng kết nối phải dài 30 lần so với đường kính thanh sắt). Tuy nhiên theo cách tính khi thanh tra thì không đưa những đoạn sắt chồng ở điểm kết nối này vào dự toán. Trong công trình xây dựng cơ bản, có rất nhiều điểm kết nối sắt như vậy cho nên sẽ phát sinh chênh lệch dự toán theo hướng dự toán do đơn vị tư vấn lập cao hơn giá trị do ngành Thanh tra tính. Tương tự như vậy, phần gạch lót nền, đơn vị tư vấn tính không trừ các khoảng chân tường, còn cách tính khi thanh tra thì lại trừ các khoảng chân tường. Thực tế, nếu tính chính xác như cách tính khi thanh tra thì sẽ rất khó cho đơn vị thi công vì không phải lúc nào khuôn khổ của những viên gạch lát cũng trùng khớp hoàn toàn với khuôn khổ sàn công trình. Ngoài ra, cũng còn một số khâu thi công khác định mức hao hụt quá thấp so với thực tế.

Đây không phải là khó khăn riêng của thị xã Tây Ninh mà là khó khăn chung của lĩnh vực XDCB. Chính vì thế, trong các cuộc họp về lĩnh vực XDCB, thị xã Tây Ninh đã nêu vấn đề về quan điểm tính toán để ngành chức năng xem xét và đề ra quy định về cách tính toán lập dự toán phù hợp với thực tế và thống nhất giữa các ngành. Nếu như có quy định rõ ràng về quan điểm tính toán thì những sai phạm về lập dự toán có giá trị thừa trong lĩnh vực XDCB sẽ giảm đáng kể.

Sơn Trần