BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sân đá Điện Bà

Cập nhật ngày: 25/01/2011 - 11:12

Chùa Bà.

Những ngày cuối năm, cụm chùa, điện trên núi bỗng trở nên tất bật. Ngoài du khách hành hương viếng núi, cúng Bà, lễ Phật còn có rất nhiều công nhân đang miệt mài điểm tô cho núi. Nhóm thợ Huế đúc chuông quây quanh những đoạn khuôn có đường kính tới gần 2 mét, người ngồi trong lọt thỏm, tha hồ nắn nót tỉa lại từng nét chữ Hán khắc chìm. Thợ đục đá phải làm từ bao lâu, mà đã có một hố vuông đục sâu vào đá núi rộng cỡ 4 mét mỗi chiều, sâu cũng chừng ấy để làm nơi đặt khuôn khi hoàn tất. Chếch ra phía sân trước ngôi chùa Tổ, là mấy anh thợ hồ đang tô tỉ mỉ những hoa văn, con tiện, đầu đao trên ngôi tháp chuông hai tầng mái đã lên cao. Thế nhưng, điều thú vị nhất của cuộc trùng tu tôn tạo các di tích của núi lại chính là điều giản dị này: - Trả lại sân đá cho các chùa núi. Vì thế các anh thợ xây, thợ đá đều đang cắm cúi trên mỗi góc sân, trên từng bậc cấp để lắp đặt và xây những viên đá chẻ sao cho đẹp nhất. Đá cũ và đá mới xếp chồng hoặc còn ngổn ngang góc sân. Đá cũ đã hoen vàng sắc thời gian. Đá mới còn trắng xanh bởi vừa được tách ra khỏi những khối đá to, lần đầu tiên thấy ánh mặt trời. Chỉ hơi khác một chút ở những tảng đá cũ xây nền sân xưa cũ. Từng viên kích thước không đều nhau, viên lát mặt sân thường có kích thước (30 x 50 x 17) cm, viên chìm dưới mặt sân thường lại lớn hơn. Những viên đá mới chẻ để xây bù vào những khoảng sân hay bậc đá thường theo kích thước đá cũ lát mặt sân làm chuẩn.

Có cái chuyện đơn giản nhưng thú vị này là vì từng có giai đoạn người ta đã trùng tu theo lối làm cho di tích trở nên mới mẻ, phù hợp hơn với con người hiện đại. Thế là mặt sân trước chùa Tổ và khu nhà Trù được tráng lên một lớp vữa xi măng, rồi lót gạch Tàu. Bên phía Điện Bà cũng cứ gạch tàu làm chuẩn. Nên cái sân hoàn toàn bằng đá xa xưa từ thời các thầy Tổ: Thanh Thọ, Trường Tùng, Tâm Hoà, Giác Phú… chỉ còn lại ở trước ngôi chùa Phật. Điều này khiến những ai biết chuyện, lại liên tưởng đến giàn bao lam gốm sứ tuyệt đẹp ở Chánh điện đình Thái Bình, trong một đợt sang sửa đã bị ai đó dùng sơn màu xanh, vàng, đỏ tô lên. Chắc họ nghĩ như thế sẽ đẹp hơn cái màu gốm sứ chủ yếu màu men lam và trắng. Nhìn vào cái sân đá núi đang được phục hồi kia, có thể tin chắc rằng, chẳng bao lâu nữa đình Thái Bình cũng sẽ được trả lại màu men gốm sứ trước bao lam.

Trở lại việc lát đá nền sân khu vực Điện Bà, chùa Phật, Nhà trù, chùa Tổ dịp cuối năm Canh Dần 2010, chuẩn bị đón mừng xuân Tân Mão. Nguyên trước kia (trước 1975) đấy vẫn là sân đá. Trước nữa, vào khoảng 1820, khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí, thì có lẽ ở đây còn là một trong những nơi “Cảnh trí đẹp đẽ, rừng hố hiểm sâu” như ông đã tả về núi Linh Sơn (Bà Đen). Cảnh trí ấy, đến nay vẫn có thể hình dung nếu từ ga máng trượt hoặc chân dốc Thượng nhìn lên. Đá núi lô xô giữa nghiêng ngả gốc cây rừng. Nếu thiếu, là chỉ thiếu hai cây bạch mai đã từng có ở nơi này. Và nếu thêm, thì chính là quần thể tháp mộ đã xây khá đẹp ở đây trong những năm giữa thế kỷ trước.

Công lao chính tạo nên núi Điện, con đường và cả khu vực chùa Trung, có lẽ thuộc về hoà thượng Tâm Hoà, trụ trì các chùa núi từ 1919 đến 1937. Cuốn “Ngọn đuốc của Thiền- lịch sử đức Như Đạo” của Phan Thúc Duy (có lẽ được viết từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước) từng kể rằng hoà thượng có công lao khai sơn phá thạch như sau: “Trên hai mươi năm trường tại chùa Trung, tương rau hẩm hút, trồng chỗ nọ, phá chỗ kia, ai có bước chân đến nơi, để mắt trông thấy cái công trình khai phá, cũng phải khen phải sợ”. Ở trang 24 của sách này, có đoạn: “Khi trước Điện Bà đá dựng chập chồng, cây mọc bít bùng, tàn che phủ kín, ngài phải xeo đá mấy chỗ cao lấp mấy chỗ hầm, phá cây cối cho trống trải, nên ngày nay mới có cái sân rất bằng phẳng, đặng cất thêm nhà khách chùa hậu, nhà khói, cái công phá núi dọn rừng mệt nhọc biết bao nhiêu…”.

Dưới chân dốc Thượng.

Tuy nhiên, sân đá cùng với những công trình “để đời” là ngôi chùa Tổ và nhà Tổ dự kiến xây toàn bằng đá núi, phải tới năm 1922 hoà thượng Tâm Hoà mới khởi sự và chăm lo xây dựng cho tới tận khi hoà thượng mất (1937). Sách trên viết tiếp: “Chẳng bao lâu ngài đốc xuất khởi công làm, một lớp thợ lo bắn đá, một lớp thì lo đục sửa chạm cột kèo cũng toàn bằng đá cả, công trình trở nên rất to tát…”.

Tiếc thay! Hai cuộc chiến tranh tràn qua, cũng không nương nhẹ chốn thiền môn. Hết Pháp rồi tới Mỹ trút đạn bom xuống núi, chiếm đỉnh núi cao làm căn cứ; những ngôi chùa “to tát” xưa cũng chẳng còn. Hiện chỉ còn mấy cây cột đá chạm rồng, hoa lá tìm thấy trong đống đổ nát được gắn vào hai ngôi chùa Phật và chùa Tổ mới xây lại trong thập niên cuối của thế kỷ trước. Và thêm nữa, Tết này du khách lại được bước đi trên mặt sân toàn bằng đá, như hồi còn hoa bạch mai trước hố núi Điện Bà.

TRẦN VŨ

 

 

 

 


 
Liên kết hữu ích