BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sân Đại Đồng Xã, cổng Chánh môn

Cập nhật ngày: 15/02/2012 - 12:50

Từ mặt tiền ngôi đền thánh, chiếu thẳng ra phía Tây thì trước hết có con đường Phạm Hộ Pháp chạy ngang. Sau đó là sân Đại đồng xã và tiếp theo là đường Cao Thượng Phẩm chạy ngang. Rồi mới đến cụm ba toà bảo tháp, mộ các ngài Thượng Sanh, Thượng Phẩm (ở hai bên) và Hộ Pháp ở chính giữa. Qua ba toà tháp ấy, ở cuối trục kiến trúc này mới là cổng Chánh môn, sừng sững vươn lên, là một điểm nhấn quan trọng của toàn bộ cảnh quan kiến trúc Đông Tây tính từ ngôi đền thánh.

Cổng Chánh môn

Người qua đường ngoại vi đền thánh mỗi ngày, chắc ai cũng đã biết cổng Chánh môn chắc chắn là to lớn nhất và đẹp nhất. Nhưng cũng ít ai biết rằng chiếc cổng ấy, ít ra cũng có chiều cao tương đương với một ngôi nhà 5 tầng. Theo tính toán sơ bộ, cái cổng ấy có chiều cao tính tới mặt trên chiếc bình Bát vu, là 20,1 mét. Trong khi ấy, nhà ở, nhà phố hiện nay cao lắm cũng chỉ 4 mét mỗi tầng. Có điều là cổng Chánh môn đứng giữa một không gian thoáng đạt, trước sau và hai bên đều trống nên trông không cao lắm.

Cổng Chánh môn được cấu trúc mặt bằng cơ bản theo lối cổng tam quan đình chùa cổ, nhưng ba khối cổng chính và phụ đã được tách rời ra thành 3 chiếc cổng riêng, nối liền nhau bởi một bức tường rào trang trí hoa gió và những cặp bông sen trên đỉnh. Hai trụ cổng chính có tiết diện vuông, mỗi bề 3 mét và cách nhau 12 mét, làm thành bề rộng thông thuỷ của lối vào cổng chính. Lên đến cao độ 8 mét, bắt đầu có một tấm đà ngang, phía trên là khoảng trống được phân vị bằng các trụ đứng chia ra nhiều ô vuông nhỏ. Trên nữa là mảng tường ngang lớn rộng hình thang, đắp nhiều gờ chỉ phân vị ngang và bố trí khung đặt chữ: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (tiếng Việt ở trên, tiếng Hán ở dưới) cùng các chữ và số năm xây dựng: 1965, Ất Tỵ, Toà Thánh, Tây Ninh đăng đối ở hai bên. Trên tấm tường hình thang ấy, có một khe lõm vào để làm nổi bật lên một tấm tường cong vuốt lên ở hai đầu, nâng đỡ bên trên những khối hình mây, cặp rồng chầu vào một khối tượng hình Tam bửu đặt trên một bông sen cực lớn. Hai cổng phụ, về cơ bản cũng có khối hình, cấu trúc gần như cổng chính. Nghĩa là cũng có rồng chầu Tam bửu, các mảng tường ngang và hai trụ đứng nhưng đã không còn tấm tường hình thang làm bảng chữ. Kích thước bị thu nhỏ, nên bề rộng thông thuỷ cổng phụ chỉ còn 5,7 mét, cao cũng chừng ấy nên có vẻ khiêm nhường, càng làm tôn thêm sự bề thế và tính đăng đối, cân xứng trên kiến trúc mặt đứng toà cổng chính. Ngắm kỹ mà xem, đồ sộ nhưng không thấy nặng nề, cục mịch. Đường bệ mà vẫn có dáng vẻ bay lên nhẹ nhõm. Toàn bộ kiến trúc này vẫn có vẻ đẹp hài hoà, trang nhã. Chính là nhờ ưu điểm này đã khiến nhiều người đi qua không thể biết chiếc cổng kia lên đến tầm cao 5- 6 tầng nhà.

Toà Thánh Tây Ninh trong những năm 1950

Như vậy là sân Đại đồng xã đã có hai điểm nhấn thị giác quan trọng ở đầu và cuối. Một bên là ngôi đền thánh với hai tháp cao 28 mét. Bên kia là cổng Chánh môn vươn lên tới hơn 21 mét. Sân Đại đồng xã, có cấu trúc như một quảng trường này có chiều dài 300 mét (tính từ mé ngoài hai con đường trục) và bề rộng bình quân là 81 mét. Từ đầu sân, gần ngôi đền thánh trở đi, hiện có các công trình: trụ phướn (treo cờ đạo); cây bồ đề, toà tháp Cửu trùng thiên và pho tượng Thái tử Tất Đạt Đa - tiền thân của Đức Phật cưỡi ngựa hướng về phía Tây- nhìn ra cổng Chánh môn.

Theo bề ngang sân Đại đồng xã, hai con đường hai bên rộng 18 mét, nối với hai con đường trục ở hai đầu làm thành một đường vòng quanh, ôm lấy toàn bộ các công trình kiến trúc nhỏ bố trí trên sân. Đấy chính là con đường đi của đám rước múa cộ mẫu, rồng nhang, tứ linh trong mỗi kỳ hội lễ. Bên trong là thảm cỏ và sân gạch (phía trước ngôi đền thánh) làm nơi cho chức sắc Cao Đài và đại biểu khách mời ngồi xem rước lễ. Phần sân trong này có bề rộng 45 mét. Cộng với 36 mét hai con đường đi là vừa vặn 81 mét- một con số đẹp thường thấy trong các cấu trúc Cao Đài. Cũng không nên bỏ sót hai kiến trúc ở phần ngoại vi sân là hai khán đài. Mỗi khán đài có bề rộng 10,2 m và dài 60 m, chia ra thành 10 gian rộng 5 mét và gian chính giữa rộng 10 mét. Mỗi khán đài đều có 3 bậc cấp rộng lên xuống và bản thân khán đài cũng được chia thành 9 cấp. Đây quả là một “khách sạn ngàn sao” cho bà con dân nghèo các tỉnh miền Tây chọn làm chỗ nghỉ ngơi mỗi lần về lễ hội.

Khai mạc một kỳ đại lễ trên sân Đại đồng xã

Nét mới mẻ nhất của sân Đại đồng xã trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua là đã đẩy lui tường rào về phía rừng, cho một số cây cổ thụ quý giá đứng bên ngoài, ngay trên vỉa hè vừa lát gạch rộng 12 mét. Sân Đại đồng xã nhờ thế mà rộng và đẹp hơn, dường như có cả cảnh sắc đại ngàn giữa một không gian tạo dựng bởi bàn tay con người.

TRẦN VŨ