Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những tưởng cảnh sân đình bến nước là đặc trưng của miền quê Trung, Bắc; nào hay ở ngay Tây Ninh cũng có một khung cảnh bến nước, sân đình nên thơ đến thế.

Những tưởng cảnh sân đình bến nước là đặc trưng của miền quê Trung, Bắc; nào hay ở ngay Tây Ninh cũng có một khung cảnh bến nước, sân đình nên thơ đến thế. Mà đấy lại ở ngay gần Thị xã, theo trục lộ 22B qua huyện Hoà Thành hướng về TP. Hồ Chí Minh. Qua những ấp của các xã Long Thành Trung, Long Thành Nam, nhìn bên tay phải sẽ thấy chiếc cổng chào ghi chữ: đình Trường Tây, 1909. Vào theo lối ấy chỉ non trăm mét, ta sẽ thấy ngay mái đình kiểu bánh ít màu tươi đỏ. Mái xưa là ngói móc, nhưng năm 2011 đã phải thay bằng tôn sóng ngói. Đẹp và sạch hơn thì đã rõ, nhưng dường như cũng đã rụng rơi ít nhiều vẻ cổ kính rêu phong.
![]() |
Cổ thụ đình Trường Tây |
Nhưng nếu chỉ có sân đình, bến nước không thì có thể cũng chẳng hơn gì nhiều bến sông khác trên sông Vàm Cỏ Đông. Đình Trường Đông ở gần bên, cũng có sân đình nối với bàn thờ Thần Nông lo le bên mép nước. Các đình Thạnh Đức, Phước Trạch ở xa hơn về mé hạ lưu cũng có bến nước của riêng mình. Nhưng, điều làm nên bản sắc riêng, chỉ đình Trường Tây mới có, chính là cây đa cổ thụ ở ngang với mặt tiền đình, mọc về bên trái lối đi xuống bến.
Cây đa ấy, năm trước còn sum suê lá cành trên thân cây chằng chịt rễ phụ thả la đà mặt đất chung quanh thân cây có đường kính khoảng 1,5 mét; nay đã có vẻ bơ phờ, lụ khụ già đi. Trong cuộc tu sửa lần này, người ta đã buộc lòng phải cưa đi một cành ngang to cỡ một vòng ôm sải dài ra trên mái ngôi vỏ ca. Các cụ bảo, nếu không chịu đau lòng để cưa đi thì có ngày mang vạ. To nặng là thế mà sải ngang qua lối đi, trùm lên một đoạn mái nhà. Thôi đành xin phép Thành Hoàng, xin phép “cụ cây” để phòng ngừa tai hoạ. Vì thế mà phần còn lại của cây, dù trông vẫn đường bệ, vươn cao lên khỏi mái đình, nhưng vẫn thấy ủ rũ và lệch lạc làm sao ấy. Người ta cắt lạm quá đi trên móng tay một chút còn đau nữa là! Đằng này là cả một phần vóc dáng ngang tàng, phong độ của cây.
Bến nước, sân đình ở Trường Tây không chỉ là nơi cho người lớn lao động mỗi ngày mà còn là nơi luôn được trẻ em coi là chốn công viên đắc địa. Tới bến đình Trường Tây hầu như lúc nào cũng thấy một không khí sinh động rộn ràng. Mà cái bến sông này có rộng rãi gì cho cam, tính từ bàn thờ Thần Nông đắp ông hổ cong lưng vểnh đuôi ra đến mép nước chỉ còn độ hai chục mét. Một chiếc ghe bầu đã được lôi lên bờ, nằm sóng sượt trên mấy bộ giá đỡ như một con cá lóc khổng lồ đang ngáp ngáp. Vây quanh ghe là hai anh thợ sơn đang chăm chú tô lại từng nhát cọ sơn. Mặc cho mấy anh thợ bốc vác đang chuyện trò xôm tụ quanh bàn tú lơ khơ lúc đợi tàu thuyền vào cập bến thì các anh thợ sơn vẫn dồn hết tâm trí trang điểm lại “dung nhan” cho chiếc ghe bầu. Sơn chỉ có ba màu: đen, trắng, đỏ, thế nhưng cũng đủ làm cho chiếc ghe có một gương mặt tươi mới và rực rỡ. Màu sơn đỏ chót trên trán (mũi thuyền), làm nổi bật những đường “công tua” màu trắng, càng nổi hơn là những hoạ tiết vẽ hình “âm, dương” nửa đen nửa đỏ. Nhưng thú vị nhất có lẽ vẫn là hình đôi mắt thuyền hình trứng vịt với lòng đen tròn trặn bên trong.
![]() |
Bến nước đình Trường Tây |
Không thể nào không để ý đám trẻ con lúc nào cũng ríu ran ở ngay bên mép nước: lúc thì chúng chạy đuổi nhau trên những chiếc xuồng chen chúc nhau ở bến, lúc lại rủ nhau lên gốc đa, buộc từng sợi rễ vào nhau làm một chiếc xích đu. Mới hơn 8 giờ sáng một chút. Có lẽ nước chưa kịp lớn để đẩy lục bình lên chen kín mặt sông, nhưng vẫn có những dề lục bình trôi nổi bập bềnh trên mặt nước. Một ông trung niên vừa ở bến sông lên, tay cắp một bó to toàn đọt lục bình nõn xanh và mập như cọng bạc hà. Ông bảo về nấu canh chua với vài con cá lóc, con cá rô vừa câu được. Bọn trẻ vẫn đuổi nhau trên mấy lớp ghe xuồng. Những chiếc chân vịt ghếch lên sáng ngời lên giữa màu xanh hài hoà trời nước. Thật không ngờ một trong những cậu bé ham chơi kia, nhoáng một cái đã chống xuồng ra, giật dây nổ máy chở cả năm- bảy người lớn và cả trẻ em sang sông. Chiếc chân vịt xoay tít khua khoắng trên không rồi sục sâu vào mặt nước. Con xuồng thon nhỏ vút đi, ngọt trớt băng qua từng đám lục bình. Tấm lưng bé nhỏ ấy, thon thon hình cá trắm ấy mới ở tuổi chín, mười nhưng đã hứa hẹn một sức vóc dẻo dai của những chàng trai quê miền sông nước.
TRẦN VŨ