Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hơn 180 quốc gia
Thứ ba: 09:14 ngày 12/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có sự di chuyển tích cực từ thị trường phân khúc trung bình, sang phân khúc cao cấp hơn.


Ông Lê Hoàng Tài-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngày 11/10, Chương trình kết nối giao thương Ấn Độ - Mekong seri 2: Thương mại nông nghiệp xuyên biên giới đã diễn ra với sự tham gia của đại diện cơ quan xúc tiến thương mại, cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ và 3 nước Tiểu vùng sông Mekong, gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia theo hình thức trực tuyến.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kết nối Ấn Độ - Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) nhằm tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại giữa Ấn Độ với các nước GMS do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nông sản thực phẩm là ngành xuất khẩu nổi trội của Việt Nam. 9 tháng năm 2021, nhóm hàng này đạt kim ngạch 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Con số tăng trưởng này đạt được là do mức độ gia tăng đáng kể về cả lượng và giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản như sắn, hạt tiêu, nhân điều và rau quả...

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất, quy mô đầu tư cho nông nghiệp ngày càng gia tăng, Việt Nam nổi lên là nguồn cung nông sản, thực phẩm quan trọng của thế giới với nhiều mặt hàng mũi nhọn như tiêu, điều, cà phê, tôm, cá tra…

Đáng lưu ý, thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có sự di chuyển tích cực từ thị trường phân khúc trung bình, sang phân khúc cao cấp hơn.

Theo ông Lê Hoàng Tài, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam, đồng thời Việt Nam có thể hợp tác với Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Bên cạnh xuất khẩu, nông sản thực phẩm chất lượng cao từ Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia cũng là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều bởi nhu cầu cao của người tiêu dùng trong nước và nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Tài lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Việt Nam cần chú ý các loại giấy tờ cần thiết như vận đơn, hóa đơn, giấy kiểm dịch thực vật… còn cần có giấy phép xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp.

Trước khi đến Việt Nam, hàng hoá phải được đăng ký với cơ quan kiểm dịch để lấy mẫu lô hàng tại sân bay, bến cảng bộ hồ sơ gồm có: Giấy phép đăng ký kiểm dịch, bản khai kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của quốc gia xuất khẩu và giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu và các giấy tờ khác. Đối với một số nông sản đặc biệt, việc thông quan hàng hóa ngoài các giấy tờ trên còn cần thêm một số giấy tờ khác như chứng nhận xuất xứ (C/O), tờ khai hải quan.

“Qua sự kiện ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội giao thương với doanh nghiệp Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia để cùng tìm hiểu nhu cầu của nhau, tiến tới hợp tác kinh doanh. Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng là cầu nối để doanh nghiệp các nước hợp tác đầu tư kinh doanh, hiệu quả”. Ông Lê Hoàng Tài khẳng định.

Với kinh nghiệm thực tế hoạt động tại thị trường Việt Nam, ông Vivek Sharma, Tổng Giám đốc Công ty Aarna Agro & Angel Fine Foods cho rằng, thị trường Việt Nam có thể hấp thụ rất tốt các thiết bị phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có kho trữ sản phẩm xuất khẩu đông lạnh. Việt Nam cũng đã nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Ấn Độ như bông, sản phẩm gia vị, nhất là mặt hàng gạo.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam đã có xu hướng chuyển đổi rõ rệt với sự quan tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm. 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm và quan ngại về chất lượng sản phẩm, do vậy, doanh nghiệp Ấn Độ cũng cần quan tâm tới vấn đề này khi xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

Cùng với đó, phát triển bền vững cũng là yếu tố các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, Việt Nam quan tâm, thực hiện nên có thể kết nối người tiêu dùng Việt Nam tới doanh nghiệp sản xuất Ấn Độ và ngược lại.

Điều này rất quan trọng, vừa cung cấp thông tin đầy đủ nhất tới khách hàng về sản phẩm, vừa gia tăng giá trị hàng hoá. Một phần quan trọng của phát triển bền vững là hệ thống số hoá, Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác trong lĩnh vực này nhằm số hóa chuỗi cung ứng.

Tại sự kiện, các đại biểu, doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm tới hệ thống thuế quan và thủ tục xuất nhập khẩu của các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Ấn Độ.

Với thị trường Thái Lan, bà Saithong Soiphet, Tham tán Công sứ, Trung tâm Thương mại Thái Lan chia sẻ, quốc gia này có những quy định rất rõ ràng về các thủ tục xuất nhập khẩu, các biện pháp phi thuế quan, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm đáp ứng đầy đủ các điều kiện là bắt buộc để hàng hóa nước ngoài có thể nhập khẩu vào thị trường Thái Lan. Riêng với thị trường Ấn Độ, mặt hàng thực phẩm chế biến của Thái Lan đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của thị trường này.

Tại Campuchia, nông nghiệp là ngành thu hút nhiều lao động nhất, có đóng góp quan trọng vào GDP nên được Chính phủ quan tâm và dành nhiều chính sách khuyến khích phát triển. Giai đoạn 2019-2030, Chính phủ Campuchia đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh cần chú ý phát triển.

Về thủ tục xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm của Campuchia, ông Sokheang Mong, Trưởng phòng Giao dịch thương mại, Tập đoàn Soma Campuchia cho hay, Chính phủ Campuchia đã thông qua Luật Hải quan mới để phù hợp với các điều kiện chung về thuế quan và thương mại, cũng như tránh đánh thuế 2 lần./. 

Nguồn bnews

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục