Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc trở lại trường của trẻ mầm non và tiểu học đang được đông đảo phụ huynh đặc biệt quan tâm vì đây là hai nhóm đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Giáo viên mầm non, mẫu giáo trang trí lớp học chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
Trong những ngày qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cho học sinh các cấp trở lại trường sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, học sinh khối THCS và THPT bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7.2, học sinh mầm non và tiểu học dự kiến học trực tiếp từ ngày 14.2.2022. Việc trở lại trường của trẻ mầm non và tiểu học đang được đông đảo phụ huynh đặc biệt quan tâm vì đây là hai nhóm đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Người đồng thuận, người cân nhắc
Để chuẩn bị cho công tác trở lại trường dạy, học trực tiếp, từ cuối tháng 1.2022, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức khảo sát lấy ý kiến phụ huynh cho học sinh khối tiểu học và mầm non trở lại trường học trực tiếp thông qua các nhóm Zalo, Facebook của lớp.
Kết quả, hầu hết các trường tiểu học đều có hơn 75% phụ huynh đồng ý cho trẻ trở lại trường; tỷ lệ này ở các trường mầm non đạt hơn 50%. Đây là một kết quả đáng mừng giúp cho công tác giáo dục được khởi động lại sau một thời gian dài bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh mang tâm lý e dè, lo ngại việc cho trẻ trở lại trường khi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh, trở thành mối lây lan bệnh cho gia đình, cộng đồng.
Chị Cao Thị Kim Ngân (SN 1991) - ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, có con học mầm non cho biết, khi nhận được phiếu khảo sát, chị rất đồng thuận vì chị thấy đây là thời điểm thích hợp cho trẻ trở lại trường. Theo chị, gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, số ca nhiễm giảm rõ rệt.
Người dân cũng dần thích ứng với cuộc sống có dịch bệnh nên chị muốn con được trở lại trường học, để có thời gian tập trung làm việc. Bên cạnh đó, con gái của chị cũng rất nhớ trường lớp, thầy cô và bạn bè. Việc trở lại trường giúp trẻ giải toả tâm lý khi ở nhà tránh dịch suốt một thời gian dài.
Chị Lê Thị Ngọc Yến (SN 1986), ngụ phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), là phụ huynh của 2 bé học tiểu học cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với việc cho học sinh tiểu học trở lại trường sau tết. Từ đầu năm đến nay, các bé phải học trực tuyến tại nhà, gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và tương tác với giáo viên, nhất là những môn như hát, vẽ, thể dục...
Hiện dịch bệnh đã tương đối ổn định, việc các bé trở lại trường là hoàn toàn hợp lý”. Theo chị, nếu phụ huynh không mạnh dạn cho con trở lại trường thì dịch bệnh mãi mãi sẽ là nỗi sợ không thể vượt qua được và người thiệt thòi đôi khi lại chính là con trẻ.
Trong khi đông đảo phụ huynh đồng tình cho trẻ trở lại trường học trực tiếp, chị Nguyễn Thị Tường Vy, một phụ huynh tại phường IV, thành phố Tây Ninh lo ngại khi con chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Chị Vy đang cân nhắc cho con trở lại trường vào đầu tháng 3 sau khi nhà trường có kế hoạch kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nhà trường.
Sẵn sàng đón trẻ trở lại trường học trực tiếp
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường tiểu học, mầm non đã khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị, các phương án dự phòng xử lý các tình huống dịch bệnh xảy ra tại trường học nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và gấp rút thực hiện các khâu chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Sau một tuần chuẩn bị, các trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại vào ngày 14.2.2022.
Tại thành phố Tây Ninh, công tác chuẩn bị đón trẻ trở lại trường mầm non, tiểu học được thực hiện từ trước Tết Nguyên đán. Bà Lưu Thị Thu- Phó trưởng Phòng GD&ĐT Thành phố cho biết, trong hai ngày 10 và 11.2, Phòng GD&ĐT kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn.
Nhìn chung, các trường đều thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị bài giảng và gấp rút khảo sát lấy ý kiến phụ huynh học sinh. Việc lấy ý kiến phụ huynh giúp nhà trường chuẩn bị tốt nhất khâu đón trẻ học trực tiếp và hỗ trợ cho những trẻ học trực tuyến tại nhà.
Bên cạnh đó, các trường tiểu học cũng tiến hành khảo sát ý kiến của phụ huynh về việc tổ chức lại bếp ăn bán trú sau một tuần trẻ trở lại trường học trực tiếp. Khoảng 50% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý cho trẻ ở lại bán trú. Ngoài ra, phụ huynh đồng ý cho trẻ trở lại học trực tiếp phải thực hiện ký cam kết phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho trẻ từ nhà đến trường và ngược lại.
“Công tác chuẩn bị đón trẻ mầm non, tiểu học trở lại trường đã sẵn sàng, các giáo viên cũng rất phấn khởi khi được trở lại dạy học trực tiếp. Duy chỉ còn chờ vào quyết định của phụ huynh học sinh”- bà Thu cho biết thêm.
Tại Trường mầm non 1.6 (phường 3, thành phố Tây Ninh), công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành, nhà trường sẵn sàng đón trẻ trở lại trường theo kế hoạch của Sở GD&ĐT. Hiệu trưởng Đinh Thị Thu Hoài chia sẻ, công tác vệ sinh, phòng, chống dịch Covid-19 đã được Ban Giám hiệu trường phân công cụ thể cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Các lớp học, dụng cụ dạy học đã được vệ sinh, sát khuẩn. Dụng cụ phòng, chống dịch như máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng... được trang bị đầy đủ. Trường bố trí phòng cách ly, trang bị bộ kit test nhanh Covid-19, đồng thời xây dựng các phương án đối phó trường hợp có học sinh nghi nhiễm Covid-19, bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường.
Hiện tại, hơn 50% phụ huynh đồng thuận cho trẻ trở lại trường. Theo cô Hoài, đây là tín hiệu khả quan. Đội ngũ giáo viên tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ trong nhà trường, qua đó tạo niềm tin để các phụ huynh còn lại đồng ý cho trẻ trở lại trường.
Tại Trường tiểu học Thị trấn (phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành), công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường được triển khai chặt chẽ, nhanh chóng với nhiều phương án, biện pháp cụ thể. Theo Hiệu trưởng Võ Quang Truyền, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đón học sinh trở lại trường cụ thể cho từng khối lớp, nhất là việc phân chia khu vực đưa đón học sinh theo các khối lớp, không để xảy ra tình trạng tập trung đông trước cổng trường.
Trước khi vào lớp, học sinh sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Đặc biệt, nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh chỉ đưa con đến cổng trường, không được vào khuôn viên trường lớp để hạn chế nguồn lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tuyên truyền cho phụ huynh các biện pháp phòng, chống dịch cho con em mình như trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho trẻ khi đi học; bảo đảm trẻ mang khẩu trang trên quãng đường từ nhà đến trường và ngược lại; mỗi trẻ nên có bình nước cá nhân khi đi học; nhắc nhở trẻ hạn chế tiếp xúc gần với bạn học cùng lớp...
Trong tuần nhập học đầu tiên, nhà trường không tổ chức học bán trú, học sinh chỉ học 1 buổi, đồng thời nhà trường sẽ dành buổi học đầu tiên để các em làm quen với môi trường học 5K. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà trường sẽ khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh để tổ chức lại hoạt động bán trú.
Đối với học sinh không trở lại trường học trực tiếp, nhà trường sẽ hỗ trợ học sinh học tại nhà bằng cách gửi bài học và bài tập cho phụ huynh học sinh. Các em học sinh học tại nhà có thể trao đổi bài học với giáo viên chủ nhiệm qua nhóm Zalo, Facebook. Sau khi học sinh trở lại trường, nhà trường sẽ khảo sát kiến thức, học lực của học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, giúp các em theo kịp chương trình học kỳ 2.
“Để thực hiện tốt công tác này, rất cần sự phối hợp của phụ huynh và giáo viên trong việc theo dõi, quan sát sức khoẻ của các em trong và ngoài nhà trường. Khi thấy các em có dấu hiệu sốt, ho... phụ huynh cần báo ngay với trường và cho các em nghỉ ngơi ở nhà.
Tại trường, nếu học sinh có biểu hiện không khoẻ, giáo viên cần báo ngay với nhà trường, đưa các em đến phòng cách ly đã được bố trí sẵn. Giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện một cách nhẹ nhàng để trẻ không cảm thấy bị kỳ thị hay ảnh hưởng tâm lý. Sau đó, nhà trường sẽ nhanh chóng thông báo cho trạm y tế địa phương đến kiểm tra theo quy định”- thầy Truyền chia sẻ.
Là trường tiểu học có số lượng học sinh đông nhất trên địa bàn tỉnh với 35 lớp và hơn 1.300 học sinh, Trường tiểu học Kim Đồng (phường 2, Thành phố) rất chú trọng công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thảo cho biết, qua khảo sát, trường nhận được hơn 75% phụ huynh đồng thuận cho trẻ trở lại trường.
Thời gian đầu đi học trở lại, nhà trường chỉ tổ chức học 1 buổi và không tổ chức học bán trú. Để bảo đảm sự an toàn cho học sinh, nhà trường nhanh chóng triển khai các kế hoạch chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và hoàn thiện công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường từ cơ sở vật chất, công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường và duy trì.
Khác với các trường học khác còn e dè việc tổ chức học bán trú, Trường tiểu học Kim Đồng hiện đang thực hiện khảo sát lấy ý kiến về việc tổ chức học bán trú cho các em. “Trước nhu cầu cho trẻ học bán trú của nhiều phụ huynh, nhà trường đã thực hiện cuộc khảo sát lấy ý kiến về vấn đề này.
Kết quả có hơn 50% phụ huynh cho các em học bán trú. Vì vậy, sau 1 tuần học thử nghiệm, trường sẽ triển khai công tác học bán trú cho các em học sinh với các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể theo tình hình thực tế. Ban Giám hiệu nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh và nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ của phụ huynh”- thầy Thảo nói.
Học trực tiếp là việc tất yếu để vượt qua nỗi sợ dịch bệnh
Nhận định về việc trở lại trường của học sinh theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc học sinh trở lại trường học trực tiếp đã được Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành có liên quan thẩm định, đánh giá và đi đến thống nhất trong cả nước.
Điều đó cho thấy việc học sinh trở lại trường có cơ sở để phụ huynh, học sinh an tâm trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Tại Tây Ninh, trong những tháng gần đây, số ca nhiễm đã giảm đáng kể, bên cạnh đó là tỷ lệ người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày càng cao, các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường thì việc khởi động lại hoạt động ngành Giáo dục cũng là điều bức thiết.
Theo ông Phước, dù phụ huynh có đồng ý hay không, tỷ lệ đồng ý nhiều hay ít thì việc tái thiết hoạt động giáo dục là phương pháp thiết thực nhất để chứng minh sự cần thiết của học trực tiếp trong việc dạy học. Phụ huynh hãy đưa con em trở lại trường khi cảm thấy an tâm và cần thiết.
“Từ đầu năm học 2021-2022, tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh phải học trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, qua hơn 1 học kỳ học trực tuyến, phương pháp này cũng thể hiện nhiều khó khăn, bất cập khi giảng dạy, nhất là việc đánh giá kiến thức, học lực của học sinh.
Chưa kể những học sinh không thể tiếp cận học trực tuyến do không có điều kiện. Do đó, việc cho học sinh trở lại học trực tiếp trong học kỳ 2 sẽ tạo điều kiện để nhà trường kiểm tra, nắm bắt tình hình học tập của học sinh và có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể, giúp các em theo kịp chương trình cũng như hoàn thành kiến thức năm học.
Phụ huynh học sinh, nhất là phụ huynh các em khối mầm non, tiểu học cần bình tĩnh, tin tưởng vào cách quản lý của nhà trường, đồng thời tích cực phối hợp với nhà trường hướng dẫn các em biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi trở lại trường”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ.
Theo bà Lưu Thị Thu- Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Tây Ninh, trở lại học trực tiếp vào tháng 2 chính là thời điểm vàng để các em học sinh theo kịp chương trình học và được bồi dưỡng kiến thức kịp thời. Ngoài việc giúp các em học sinh được giải toả tâm lý, việc trở lại trường còn giúp các em năng động, tích cực hơn trong học tập, từ đó đạt hiệu quả hơn trong việc học.
“Đối với phụ huynh chưa an tâm cho con học trực tiếp có thể cho con tiếp tục học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh nên theo dõi hoạt động của nhà trường để có thể yên tâm đưa con em mình trở lại trường, giúp con hoà nhập với cộng đồng và dần trở lại cuộc sống bình thường”- bà Thu cho biết thêm.
Ngọc Bích - Lê Thuỳ