Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sản xuất chip bán dẫn: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn
Thứ bảy: 09:06 ngày 12/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều công ty chip bán dẫn đang mở rộng tìm kiếm đối tác thay thế sản xuất tại khu vực châu Á.

Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 thu hút hàng loạt tên tuổi hàng đầu trong làng công nghệ thế giới.

Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia tiềm năng để các công ty này đặt nhà máy nhằm giảm phụ thuộc vào “ông lớn” ngành chip. Từ đây mở rộng cơ hội việc làm và cũng là thách thức cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Cuộc đua của “ông lớn”
Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều công ty sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Công ty TSMC được đánh giá là dẫn đầu ngành bán dẫn toàn cầu. Tiếp theo phải kể đến là Công ty UMC, MediaTek hay Silicon Motion.

Với hệ sinh thái bán dẫn mạnh mẽ, thống kê cho thấy các nhà máy đúc chip của Đài Loan chiếm 63,8% thị trường toàn cầu. Công đoạn đóng gói và thử nghiệm (OSAT) của Đài Loan cũng lớn nhất thế giới, chiếm 58,6% thị trường OSAT. Lĩnh vực thiết kế vi mạch của Đài Loan cũng chỉ đứng thứ hai sau Mỹ và chiếm 20,1% thị trường.

Xét theo doanh thu, TSMC là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới, tập đoàn này gia nhập nhóm 10 công ty có giá trị nhất thế giới, vượt Exxon, Meta (Facebook), và Visa. Các công ty Đài Loan hiện chiếm phần lớn lượng cung chip bán dẫn trong sản xuất đồ điện tử như ô tô, thiết bị y tế và điện thoại, máy tính, tivi…

Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF) cho biết, năm 2020 Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong 7/10 ngành công nghiệp chiến lược. Theo một báo cáo vừa được ITIF công bố ngày cuối năm 2023, những nỗ lực và đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp tiên tiến đã gặt hái được nhiều thành tựu, tiếp tục giành được thị phần trong các lĩnh vực bao gồm máy tính và điện tử, hóa chất, kim loại cơ bản và xe cơ giới.

Theo một dự báo gần đây, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục nắm giữ sức mạnh trong các lĩnh vực then chốt sản xuất chip logic tiên tiến và chip nhớ cho đến năm 2032. Giới chức trách ở Hàn Quốc và Đài Loan đang tích cực hỗ trợ cho các công ty chip.

Năm ngoái, Seoul công bố gói hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD để củng cố ngành công nghiệp chip trong nước. Ngoài gói hỗ trợ này, Hàn Quốc thu hút các đối tác nước ngoài hàng đầu đến đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) ở cụm bán dẫn khổng lồ đang được triển khai. Trong đó có ASML Holding của Hà Lan, công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất máy in thạch bản tiên tiến để sản xuất chip cao cấp.

Với mong muốn đa dạng sản phẩm cung ứng ngành chip và giảm phụ thuộc vào chip bán dẫn từ Trung Quốc, nhiều công ty sản xuất chip bán dẫn thuộc Liên minh châu Âu (các nước EU) đang tìm kiếm những đối tác thay thế tại khu vực châu Á, trong đó Việt Nam và Ấn Độ được đánh giá là hai thị trường có tương lai nhất khu vực…

Các nước EU đã ký một biên bản ghi nhớ với Ấn Độ về thiết lập quan hệ đối tác công nghệ. Các doanh nghiệp trong khối EU cũng đang muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam theo cách tương tự.

Khi “gã khổng lồ” ưu tiên đầu tư
Chất bán dẫn đang đóng vai trò không thể thiếu, đến mức không ai có thể dự đoán nó sẽ còn ảnh hưởng đến thế giới như thế nào trong tương lai.

Đầu năm nay, Infineon, nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu đã công bố kế hoạch tăng cường tuyển dụng ở cả Việt Nam và Ấn Độ. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Infineon, ông Chua Chee Seong nói: “Tôi nghĩ vai trò trong chuỗi cung ứng chip tại Đông Nam Á và Nam Á sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới”.

Ấn Độ hiện đang chi hàng tỷ USD để tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho sản xuất chip, mục tiêu là để đảm bảo nhu cầu trong nước và hạn chế phụ thuộc vào nước khác. Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ hỗ trợ để xây dựng 3 đơn vị sản xuất chip mới. Nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên trong kế hoạch của nước này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới và được thành lập bởi Tập đoàn Tata. Tata là một trong những tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ.

Đáng chú ý Chính phủ Ấn Độ dự kiến trợ cấp đến 70% chi phí của dự án. Ấn Độ đã bắt đầu cung cấp các khóa học kỹ thuật cụ thể và có kế hoạch đào tạo 85 nghìn kỹ sư trong vòng 5 năm, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư vào năm 2030.

Theo nhận định của ITIF, Ấn Độ “mạnh tay” về việc đầu tư vào ngành này. Vì nền kinh tế Ấn Độ đang ngày càng phát triển nên đây là thị trường thuận lợi để các chất bán dẫn được tiêu thụ. Tương tự Ấn Độ, Việt Nam cũng đang nhận nhiều sự quan tâm từ các công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ. Việt Nam cũng được các công ty EU đánh giá có vị trí chiến lược, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thuận tiện đến các thị trường lớn.

Thời gian qua, nhiều “gã khổng lồ” trong ngành công nghệ bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố lấy ngày 1/10 là Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia.

NIC (Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia) sẽ là nơi tổ chức Ngày hội Đổi mới sáng tạo hàng năm. Tại buổi lễ, NIC đã công bố một số hợp tác với các đối tác lớn là những gã khổng lồ bán dẫn như: Nvidia, Qualcomm, Dassault Systems, Intel, SemiSEA, ViSemi…

Như vậy, Việt Nam và Ấn Độ đều đang được lựa chọn trở thành những nhân tố chủ chốt trong tương lai của thị trường chip bán dẫn. Để đón nhận “thời cơ vàng” này thì đòi hỏi chúng ta phải thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 có sự hiện diện những tên tuổi hàng đầu trong làng công nghệ gồm: Ông Nick Clegg - Chủ tịch Tập đoàn Meta phụ trách các vấn đề toàn cầu; ông Raymond The - Phó Chủ tịch cấp cao toàn cầu Tập đoàn Nvidia; bà Becky Fraser - Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu, Tập đoàn Qualcomm, và lãnh đạo cấp cao điều hành từ AMD, Intel, Qorvo, Samsung. Đây là những “gã khổng lồ” về công nghệ, chip bán dẫn đang đặt những nền móng đầu tiên tại Việt Nam với những bản hợp đồng lên tới nhiều tỷ USD.

Nguồn giaoducthoidai

Tin cùng chuyên mục