BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản xuất công nghiệp Tây Ninh: Đang có dấu hiệu hồi phục

Cập nhật ngày: 06/08/2009 - 07:13

Năm 2009, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp của tỉnh đặt ra từ đầu năm là đạt tốc độ tăng trưởng 17,5%. Thế nhưng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nên những tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt thấp. Tuy nhiên, đến giữa năm 2009 thì tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã được cải thiện đáng kể và đang có dấu hiệu phục hồi dần.

Ngành dệt may tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Theo đánh giá của Cục Thống kê, đến hết quý I năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng có 3,6% so với cùng kỳ. Thế nhưng, đến hết quý II thì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Tây Ninh được nâng lên là 12,3% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp là Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh đã bắt đầu cho ra sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2009 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh đã đóng góp 3,3% cho tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khu Công nghiệp Trảng Bàng cũng duy trì được sản xuất ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp tăng đến hơn 20% so với cùng kỳ. Đồng thời có một số ngành tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao- như ngành dệt may tăng đến gần 60% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 7.2009, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục được nâng lên- đạt 13,5% so với cùng kỳ. Tốc độ này đạt cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, ngành dệt may vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao- tăng 66% so với cùng kỳ và một số ngành khác cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao như điện, sản xuất chất khoáng, kim loại...

Từ nay đến cuối năm 2009, theo đánh giá của ngành chức năng thì xu thế phục hồi ngành công nghiệp Tây Ninh sẽ rõ nét hơn. Trong đó đáng kể nhất là Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh sẽ đi vào sản xuất ổn định sau thời gian thử nghiệm, sản lượng sẽ tăng hơn so với những tháng đầu năm, tiếp tục góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm 2009. Ngoài ra, lĩnh vực chế biến mía đường cũng sẽ đạt giá trị sản xuất cao hơn năm trước do diện tích mía nguyên liệu tăng hơn năm trước hàng ngàn ha, sản lượng đường các nhà máy chế biến mía tăng nhiều hơn. Riêng các doanh nghiệp Khu Công nghiệp Trảng Bàng thì trong 6 tháng cuối năm cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng sản xuất nên dự kiến giá trị sản xuất cũng sẽ gia tăng.

Tuy hiện tại xu hướng phục hồi giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng rõ nét, nhưng trong thời gian tới tình hình kinh tế thế giới có thể diễn biến khó lường, chưa biết sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với sản xuất công nghiệp ở Tây Ninh. Từ đó, chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng công nghiệp đặt ra từ đầu năm là 17,5% so với cùng kỳ có thể sẽ khó đạt được. Do đó UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh quyết nghị điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng công nghiệp năm 2009 là 12,5% trở lên so với kết quả thực hiện năm 2008. Với chỉ tiêu này và trong điều kiện công nghiệp đang có xu hướng phục hồi, có nhiều khả năng năm nay Tây Ninh sẽ đạt kế hoạch đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

S.T