Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo chủ trương chung và theo xu hướng phát triển, các cơ sở sản xuất gạch nung ở Tây Ninh phải từng bước chuyển đổi công nghệ phù hợp hoặc dừng hoạt động theo lộ trình quy định.
Thiết bị nhập ngoại hiện đại, đắt tiền, hiếm hoi tại một lò gạch
Tây Ninh có bề dày truyền thống sản xuất gạch nung qua nhiều đời, từ thủ công hoàn toàn dần tiến tới sử dụng công nghệ tiên tiến. Trong những năm gần đây, do tỉnh có nguồn đất sét gạch ngói có chất lượng tốt, trong khi nhu cầu sử dụng gạch xây dựng tăng cao nên việc khai thác đất sét và sản xuất gạch nung đã phát triển mạnh ở hầu hết các địa bàn trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo chủ trương chung và theo xu hướng phát triển, các cơ sở sản xuất gạch nung ở Tây Ninh phải từng bước chuyển đổi công nghệ phù hợp hoặc dừng hoạt động theo lộ trình quy định.
Chưa có nhiều lò Tuynel
Kết quả khảo sát thực tế của ngành xây dựng đến cuối năm 2021 cho thấy, hiện nay, gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang được sản xuất chủ yếu bằng công nghệ lò vòng không sử dụng nhiên liệu hoá thạch (Hoffman) và một số ít lò Tuynel.
Theo Sở Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 76 cơ sở sản xuất gạch nung. Trong đó, huyện Châu Thành, thị xã Trảng Bàng và thị xã Hoà Thành là các địa phương có số cơ sở và công suất sản xuất lớn nhất (chiếm 70% tổng số cơ sở sản xuất gạch đất sét nung toàn tỉnh).
Từ nhiều năm trước, Chính phủ đã có chủ trương hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Theo quy định, Tây Ninh đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét nung lò đứng liên tục, lò vòng Hoffman sử dụng nhiên liệu đốt là nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí) chấm dứt hoạt động trước năm 2018. UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho phép các cơ sở sản xuất gạch nung lò Hoffman chuyển đổi sang công nghệ Tuynel vào giai đoạn tới.
Đến nay, tỉnh Tây Ninh cũng đã dừng kêu gọi đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung.
Theo chủ trương chung của cả nước về việc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch nung tiên tiến, hiện đại, tỉnh đã có các văn bản quy định, hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2187/QĐ-UBND ngày 9.10.2019 về quy định tiêu chí để xem xét, chấp thuận chủ trương cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung được gia hạn thời gian hoạt động, chuyển đổi công nghệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Hoạt động sản xuất tại một lò gạch
Theo đó, có 43 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển đổi công nghệ Hoffman sang Tuynel (10 cơ sở đã đầu tư xây dựng đưa vào vận hành lò theo công nghệ Tuynel). Như vậy, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất gạch lò Tuynel với tổng công suất thiết kế 85 triệu viên/năm và 10 cơ sở đã chuyển đổi từ công nghệ Hoffman sang Tuynel với công suất 225 triệu viên/năm. Có 63 cơ sở còn đang sản xuất gạch theo công nghệ lò Hoffman.
Chuyển đổi công nghệ là tất yếu
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua không có xu hướng áp dụng theo công nghệ lò Tuynel do chi phí đầu tư cao, đồng thời giá thành sản xuất gạch cao hơn so với công nghệ lò Hoffman do nguồn nhiên liệu sản xuất là loại nhiên liệu không có sẵn (có sử dụng than đá), phải vận chuyển xa, giá thành sản xuất gạch cao so với các công nghệ sử dụng được nguồn nhiên liệu đốt tại chỗ. Trong khi đó, việc sản xuất gạch theo công nghệ lò Hoffman được các nhà sản xuất lựa chọn với ưu điểm là giá thành xây dựng rẻ, có khả năng sử dụng tốt các loại nhiên liệu có ở địa phương (trấu, củi…). Do đó, năng lực sản xuất gạch nung Tuynel của tỉnh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 4%).
Bãi phơi ở một lò gạch
Theo Sở Xây dựng, hiện tại, công nghệ được đánh giá là tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất gạch đất sét nung là công nghệ sản xuất với hệ thống đồng bộ từ công đoạn gia công nguyên liệu, tạo hình sản phẩm sử dụng máy đùn ép có hút chân không, sấy nung Tuynel liên hợp.
Trong đó, dây chuyền sản xuất được cơ giới hoá, một phần tự động hoá tại một số công đoạn như bốc xếp gạch mộc và bốc dỡ sản phẩm sau nung. Hệ lò nung được sử dụng là hệ lò nung Tuynel trần phẳng hoặc lò Tuynel dạng xoay. Về chỉ tiêu tiêu hao năng lượng phải đáp ứng yêu cầu: nhiệt năng < 360kcal/kg sản phẩm; điện năng < 0,022 kWh/kg sản phẩm.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất sét nung phản ánh cho biết họ đã đầu tư khá nhiều vốn cho việc sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò Hoffman và chưa kịp thu hồi vốn. Nếu đột ngột dừng, xoá bỏ hoạt động sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổn thất nặng nề.
Đây cũng là nguyên nhân mà tỉnh đã đề ra lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch nung cho phù hợp thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho rằng: “Công nghệ lò Hoffman cơ bản cũng không thua kém công nghệ Tuynel là mấy và vẫn cho ra sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp nhận. Do đó, việc bắt buộc phải chuyển đổi công nghệ từ lò Hoffman sang lò Tuynel liệu có cần thiết?”.
Về vấn đề trên, Sở Xây dựng cho biết, nếu so với các loại lò thủ công mà các hộ cá thể đã sử dụng ở giai đoạn trước như lò tròn, lò nằm thì lò Hoffman có ưu thế hơn hẳn về năng lực sản xuất, về tiết kiệm nguyên - nhiên liệu, về chất lượng sản phẩm và khả năng cơ giới hoá cao hơn...
Hoffman là công nghệ lò vòng không sử dụng nhiên liệu hoá thạch, có lợi thế là sử dụng được các loại nhiên liệu dễ tìm tại chỗ như tro trấu, củi gỗ... nên chi phí sản xuất giảm. Tuy nhiên, chất lượng gạch kém ổn định hơn lò Tuynel do việc khống chế nhiệt độ các khoang không đều.
Đồng thời, theo yêu cầu chung về công nghệ, về bảo vệ môi trường… thì sản xuất gạch bằng lò Hoffman vẫn chưa đáp ứng được. Thực tế cho thấy, các cơ sở sản xuất gạch Hoffman không đáp ứng về công nghệ theo quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg. Do đó, việc chuyển đổi công nghệ là tất yếu.
Điểm a khoản 1 Phụ lục VII Quyết định số 1266/QĐ-TTg Quyết định Thủ tướng ngày 18.8.2020 về phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050 có nêu: “Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng phải đầu tư cải tạo, chuyển đổi thành các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải dừng sản xuất”.
An Khang
(còn tiếp)