Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết: Bước đầu phát huy hiệu quả
Thứ bảy: 06:27 ngày 01/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nó, khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất; còn doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm.

Nông dân Gò Dầu trồng bắp giống liên kết với doanh nghiệp.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, Tây Ninh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nông dân, doanh nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ðây được xem là giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này bảo đảm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn theo quy hoạch, đề án đã xây dựng; các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết kinh tế hộ với HTX, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… đến nay, bước đầu đem lại thu nhập cao cho nông dân, hình thành các vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP, Global GAP.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, Hội Nông dân thị trấn huyện Dương Minh Châu tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, liên kết nông dân. Ðến nay, Hội Nông dân đã làm đầu mối ký kết bao tiêu đinh lăng cho nông dân với giá cố định từ đầu vụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết: Hội đang làm đầu mối để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân bao tiêu đinh lăng với giá cố định là 20.000 đồng/kg nhánh và 2.000 đồng/kg lá; doanh nghiệp hỗ trợ nông dân cây giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch cây đinh lăng. Mới đây, nông dân cho biết nhiều thương lái liên hệ để mua nhánh cây đinh lăng. Tuy nhiên, do đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp và giá ổn định nên nông dân không bán cho thương lái.

Có thể nó, khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất; còn doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm.

Ông Nguyễn Ðông Long, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Biên chuyển đổi 5 ha cao su sang trồng mít Thái liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, canh tác theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, với giá thu mua từ 30.000 - 35.000 đồng/kg (tuỳ loại). Trong khi đó, nếu không có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp mà bán cho thương lái, nông dân chỉ bán được với giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.

Theo Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, Hội kêu gọi, làm đầu mối giúp nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, thuỷ sản với Công ty TNHH nông nghiệp Thiên Ðường, Vựa trái cây Hương Miền Tây, Công ty TNHH TBLAK chi nhánh Tây Ninh, Công ty TNHH Tiền Hậu Baba… với khối lượng hàng trăm tấn nông sản, thuỷ sản.

Thời gian tới, Hội sẽ xây dựng các mô hình liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Thành viên HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh chuẩn bị nông sản để cung cấp cho cửa hàng Bách Hoá Xanh Tây Ninh.

Ðể thúc đẩy sự hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2019/QÐ-UBND quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu gặp gỡ, trao đổi với nông dân nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cây đậu phộng và tích cực triển khai công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp của các đơn vị, địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện đại. Qua liên kết không chỉ giúp nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn hàng chất lượng cao, mà cơ quan chức năng có thể dễ dàng quản lý và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; từng bước tạo nguồn nguyên liệu ổn định để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hiệp hội ngành hàng tham gia phát triển chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp.

Ngành chức năng cần làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm lợi ích, nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục