Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ- hướng đi bền vững cho trái cây Tây Ninh
Thứ tư: 00:15 ngày 09/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc canh tác theo hướng hữu cơ không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người sản xuất lẫn người tiêu dùng; không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng…

Vườn bưởi da xanh canh tác theo phương pháp hữu cơ của gia đình anh Lâm Hữu Cuộc (bìa trái).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Ninh có khoảng 20.440 ha cây ăn trái, chủng loại cây ăn trái của tỉnh khá đa dạng. Việc trồng cây theo hướng hữu cơ thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hoá học bằng các loại có nguồn gốc sinh học hiện đang được người dân áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra sản các phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 384.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; đất đai màu mỡ; thời tiết, khí hậu ôn hoà, phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa, dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, quy mô lớn và đa dạng hoá các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng của địa phương. Phát huy lợi thế đó, tỉnh ta tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, tỉnh đang xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, vùng nông nghiệp hữu cơ đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; kết nối sản xuất nông nghiệp hữu cơ với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ với nông dân.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc canh tác theo hướng hữu cơ không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người sản xuất lẫn người tiêu dùng; không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng… 

Chính vì những lợi ích đó mà sau khi đi tham quan mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, anh Lâm Hữu Cuộc (ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) đã phá bỏ cao su, chuyển sang trồng bưởi da xanh. Anh Cuộc cho biết: “Trước đây, khi trồng cây ăn trái, gia đình tôi chủ yếu sử dụng phân bón và thuốc  bảo vệ thực vật (BVTV) hoá học.

Từ khi biết đến việc sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn cho sức khoẻ của người sử dụng và cả chính nhà nông, tôi chuyển đổi cây trồng và hướng sản xuất. Sau khi phá cao su, tôi cải tạo 1,8 ha đất, lắp đặt hệ thống ống tưới tự động. Phân bón tôi sử dụng cho vườn bưởi là phân bò, tro cây, bánh dầu với đậu nành xay ra ủ với nấm Trichoderma. Để phòng trừ sâu bệnh cho cây, tôi tự chế thuốc trừ sâu bằng ớt, tỏi, gừng xay ra ngâm với rượu phun xịt. Để chống ruồi vàng, tôi sử dụng long não. Từ khi áp dụng biện pháp sinh học trong canh tác, bưởi ra trái nhiều hơn, chất lượng cũng ngon hơn”.

Do vườn cây được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng nên luôn xanh tốt, phát triển đều, không dịch bệnh. Mỗi năm anh Cuộc thu lợi nhuận từ vườn bưởi hữu cơ hơn 1 tỷ đồng.

Nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo hướng hữu cơ, từ hơn 3 năm nay, anh Lưu Văn Xu (ngụ xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) chuyển hẳn sang sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ cho vườn xoài của gia đình. Anh Xu chia sẻ, gia đình anh có trên 4 ha đất trồng mì, mía. Năm 2015, để tăng giá trị sản xuất trên một diện tích, anh Xu quyết định cải tạo đất và trồng xoài theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV hoá học mà sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc trừ nấm hữu cơ. 

“Vườn xoài của gia đình tôi đạt năng suất bình quân trên 20 tấn/ha. Với giá bán từ 15.000-20.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng 800 triệu đồng”, anh Xu cho biết thêm.

Mặc dù vậy, theo Sở NN&PTNT, nông nghiệp Tây Ninh đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như chất lượng giá trị gia tăng của một số ngành hàng chưa cao do chưa có hoặc thiếu sự liên kết chuỗi, sản phẩm thiếu đồng bộ. Vì vậy, theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, đổi mới nội dung và phương pháp khuyến nông theo hướng sản xuất gắn với thị trường; phát triển nông nghiệp theo hướng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ) gắn với phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong cung ứng giống, vật tư cây trồng, bảo đảm cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững là đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công (khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, cảnh báo môi trường); xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; tăng cường và mở rộng hợp tác với các địa phương trong nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm nông sản hữu cơ; nâng cấp, duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi hiện có…

Anh Lưu Văn Xu bao trái vườn xoài của gia đình.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người sản xuất hiểu được nhiều lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đó là bảo đảm sức khoẻ cho người trực tiếp sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; kéo dài tuổi thọ cho cây trồng, phát triển bền vững, giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. 

Tuy nhiên, để thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả, các cấp, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về trách nhiệm đối với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các cấp, các ngành; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng hàng đầu. 

Vũ Nguyệt

Theo Nghị định số 109/2018 ngày 29.8.2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ:

- Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khoẻ con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

- Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định này.

- Nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không dùng các vật tư là chất hoá học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hoá chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh, Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ.

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục