Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Nhiều thách thức
Thứ tư: 01:18 ngày 16/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp là xu hướng sản xuất ngày càng được nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, ở Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ còn khá mới mẻ và nhiều thách thức.

Thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Ông Lâm Chí Dũng, một nông dân có khoảng 100 ha đất trồng mía ở ấp Thanh Xuân (xã Mỏ Công) và ấp Bàu Ðá (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) chia sẻ, để cây mía đạt năng suất cao (khoảng 100 tấn/ha), từ hơn 10 năm nay, ông áp dụng việc bón phân hữu cơ.

“Trước đây, tôi mua bã bùn tươi của nhà máy mía đường, một năm bón khoảng 30 tấn, khi nhà máy không còn bán nữa, tôi tìm hiểu và chọn những loại phân hữu cơ khác có chất lượng, trung bình một năm bón khoảng 4 tấn. Sử dụng phân hữu cơ làm cho nền đất bền vững, không thoái hoá. Ngoài ra, tôi còn sử dụng các chế phẩm sinh học giúp nâng cao năng suất, chất lượng mía, nhờ vậy mà những năm qua, cây mía luôn đạt năng suất cao và ổn định”- ông Dũng nói.

Vụ Ðông Xuân 2017-2018, anh Cao Văn Thanh, nông dân trồng lúa ở khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng cùng các nông dân trên địa bàn liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa Ðài Thơm 8. Thời điểm đó, anh cùng một số nông dân trồng thử nghiệm lúa hữu cơ với diện tích 5 ha.

Khi làm lúa hữu cơ, anh Thanh dùng phương pháp cấy lúa chứ không sạ, vì sạ theo kiểu truyền thống có mật độ dày, trong mùa vụ có nhiều loại sâu bệnh gây hại nhưng các loại thuốc hữu cơ có tác dụng rất chậm, ảnh hưởng đến năng suất. Anh Thanh cho biết: “Qua trồng thử nghiệm, năng suất lúa giảm chỉ còn khoảng 2/3 so với thông thường. Trong khi đó, giá thu mua lúa không cao, chỉ 6.000 đồng/kg, và không được nhiều người quan tâm nên đầu ra của lúa hữu cơ còn khó khăn. Nếu đầu ra của sản phẩm ổn định, giá cả hợp lý thì nông dân mới mạnh dạn đầu tư”.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở bước chuyển tiếp giữa giai đoạn khuyến khích người sản xuất hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, chuyển qua sử dụng phân bón hữu cơ và tiến tới chỉ sử dụng phân hữu cơ. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người sản xuất chuyển qua sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế và không sử dụng thuốc hoá học.

Trên địa bàn tỉnh có 54 ha mì được cấp chứng nhận phù hợp phương pháp sản xuất hữu cơ organic EU (cây khoai mì) và phương pháp sản xuất hữu cơ USDA-NOP (cây trồng, xử lý/chế biến cây khoai mì). Giấy này cấp cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Umbrella. Một số cây trồng chưa có quy trình hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Trồng trọt xây dựng, khi Cục Trồng trọt ban hành, Sở NN&PTNT sẽ triển khai đến người sản xuất biết để thực hiện.

Trồng rau thuỷ canh ở Hợp tác xã Nhà (thị xã Hoà Thành).

Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều thách thức. Việc phòng, chống dịch bệnh chủ yếu bằng các chế phẩm sinh học nên tác dụng chậm và khó đạt hiệu quả cao trên diện rộng, năng suất thấp hơn so với quy trình canh tác thông thường.

Bên cạnh đó, phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất. Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nghiêm ngặt, đòi hỏi người sản xuất phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào trong khi nhận thức, trình độ của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế.

Về thị trường tiêu thụ, do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường cao gấp 2-4 lần bình thường; trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (ví dụ: vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn trên sản phẩm…). Ngoài ra, người dân chưa quan tâm về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên vấn đề tiêu thụ gặp không ít khó khăn.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần rất nhiều yếu tố đi kèm như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trang thiết bị phục vụ; kiến thức, kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ; thị trường tiêu thụ... Theo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, theo đó, đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, thuốc BVTV hoá học trong trồng trọt.

Ðối với trang thiết bị, Sở NN&PTNT khuyến cáo các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng hệ thống tưới điều khiển tự động trong sản xuất đối với rau màu, cây ăn quả... Áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất là một trong những điều kiện  tiến tới áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh còn định hướng phối hợp với một số viện, trường đại học xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, tỉnh định hướng thực hiện các nhóm giải pháp như: phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có cơ sở khoa học, thực tiễn về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ để xây dựng lộ trình phát triển sản xuất phù hợp với thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nông dân xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) thu hoạch sầu riêng.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó, truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng; nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực và khuyến nông về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường quản lý Nhà nước về đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chất lượng sản phẩm; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Trúc Ly

Ngày 19.8.2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 885 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2020-2025, xác định được vùng và quy mô đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên đối tượng cây, con cụ thể như sau: vùng sản xuất lúa hữu cơ khoảng 35-50 ha; vùng sản xuất rau màu hữu cơ khoảng 15-28 ha; vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ 40-63 ha; vùng sản xuất cây dược liệu hữu cơ 2-5 ha; vùng chăn nuôi heo hữu cơ số lượng đạt trên 250 con; vùng chăn nuôi bò hữu cơ số lượng đạt trên 250 con; vùng chăn nuôi dê hữu cơ số lượng đạt trên 1.500 con; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ số lượng đạt trên 60.000 con.

Giai đoạn 2026-2030, triển khai nhân rộng các mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh với chỉ tiêu: vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích khoảng 70-110 ha; vùng sản xuất rau màu hữu cơ khoảng 40-85 ha; cây ăn quả hữu cơ khoảng 75-170 ha; vùng sản xuất cây dược liệu hữu cơ 8-10 ha; vùng chăn nuôi heo hữu cơ số lượng đạt trên 500 con; vùng chăn nuôi bò hữu cơ số lượng đạt trên 500 con; vùng chăn nuôi dê hữu cơ số lượng đạt trên 2.500 con; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ số lượng đạt trên 100.000 con.

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục