BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản xuất nông nghiệp: Nông dân “dễ thở” hơn, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 11/01/2010 - 09:15

Mía giống kém chất lượng sẽ làm giảm năng suất

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Tây Ninh, tổng diện tích gieo trồng năm 2009 ước đạt 378.252 ha, bằng 107,2% so với kế hoạch năm và bằng 101,6% so với năm 2008. Hầu hết diện tích các loại cây trồng đều đạt hoặc vượt kế hoạch: diện tích cây lúa ước đạt 155.264 ha, bằng 119,4% so với kế hoạch, tăng 1,5% so với năm 2008; diện tích cây mì ước đạt 46.034 ha, bằng 115,1% kế hoạch năm 2009, giảm 6,4% so với năm trước; diện tích cây cao su ước gần 73.000 ha, bằng 111,4% kế hoạch năm, tăng 3,2% so với năm 2008; diện tích cây mía khoảng 24.639 ha, bằng 98,6% kế hoạch năm, tăng gần 31% so với năm trước; diện tích trồng cây thuốc lá vàng cũng tăng đến 26,2% so với năm 2008 (3.276 ha).

So với năm 2008, đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh phát triển ổn định, tăng cao: đàn trâu tăng 11,3% (tăng 3% so với kế hoạch năm 2009); đàn heo tăng 5% (đạt 88,4% kế hoạch năm); đàn bò giảm 1,6%; đàn gia cầm tăng đến 32,6%. Giá trị kinh tế từ nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản đạt hơn 90 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm, tăng gần 12% so với năm trước. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, khai thác được trong năm 2009 ước đạt gần 10.200 tấn (thuỷ sản khai thác đạt gần 3.000 tấn).

Diện tích sản lượng tăng nhưng hiệu quả “chưa ổn”

So với lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi gia súc và thuỷ sản “kém may mắn” hơn. Nếu như năm 2009, giá lúa, mía, mì, mủ cao su đều có thời điểm tăng cao, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng thì ngược lại, người nuôi gia súc, nuôi cá lại gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù không phải “đối mặt” với các dịch bệnh nguy hiểm thường xảy ra trên gia súc do đã được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nhưng giá heo hơi dao động bất thường, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y liên tục tăng đã khiến người nuôi nhiều phen lỗ vốn. Giá thức ăn và thuốc thú y “tăng chóng mặt” cũng đã làm người nuôi gia cầm, thuỷ cầm giảm lợi nhuận do chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi người nuôi cá… khốn đốn. Để có 1kg cá tra thịt, người nuôi phải tốn trung bình 2kg thức ăn (khoảng 13.000 đồng/kg). Trong khi đó, cá chỉ bán được với giá chưa đến 11.000 đồng, có khi chỉ 7.000 đồng/kg!

Người nuôi bò sữa cũng gặp không ít khó khăn, bất lợi. Năm 2009, Tây Ninh có khoảng trên 1.700 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở Trảng Bàng và được nuôi rải rác ở các hộ gia đình từ vài ba con đến dưới 10 con. Chỉ có một số ít trang trại chuyên nuôi bò sữa với số lượng vài chục con. Dù nuôi ít hay nhiều, người nuôi bò sữa cũng phải luôn đối mặt với nhiều thách thức: giá thức ăn hỗn hợp, giá phân bón (nhiều người nuôi bò sữa phải trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn cho bò) tăng cao.

Đáng nói hơn, tình hình tiêu thụ sữa bò ngày càng trở nên khó khăn. Tây Ninh chỉ có Trạm mua sữa Foremost là điểm thu mua chính. Trạm này chỉ có công suất thu mua mỗi ngày khoảng 4,5 tấn sữa. Trong khi đó, sản lượng sữa tươi toàn tỉnh khoảng 5,5 tấn/ngày. Trước công suất thu mua sữa “có hạn”, nhiều nông dân, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ nuôi mới không ký được hợp đồng bán sữa cho Foremost. Không còn cách nào khác, nhiều nông dân đã phải bán sữa ra “chợ đen”, chấp nhận bị “ép giá” một cách oan uổng.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong năm mới

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, trong năm 2009, dù nông dân “được mùa, được giá” nhưng “đầu ra” của một số mặt hàng nông sản chưa  ổn định, còn diễn biến “lên, xuống” bất thường về giá, nhất là đối với lúa, hoa màu, heo hơi, heo giống. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn cho việc định hướng trồng trọt, sản xuất của nông dân.

Các trang trại nuôi gia cầm theo mô hình “sạch” phát triển nhanh

Chăn nuôi dù đang có xu hướng phát triển nhanh, mạnh nhưng nông dân thiếu vốn đầu tư và chưa được hỗ trợ về kỹ thuật nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Đáng quan tâm là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tìm thị trường tiêu thụ nên nông dân phải “tự bơi”, mà việc tiêu thụ sữa bò là một ví dụ. Ở nhiều địa phương, trước tình trạng diện tích trồng mía tăng cao nên giống mía trở nên “hiếm” và đắt. Do thiếu giống, nhiều nông dân phải sử dụng giống mía kém chất lượng để trồng, làm giảm năng suất, giảm hiệu quả kinh tế.

Để tăng hiệu quả và tạo được sự ổn định trong sản xuất, chăn nuôi, các ngành, các cấp cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết như: tăng cường quản lý, xử lý tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và hạt giống “dỏm” đã gây hại nhiều cho nông dân; đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, nhất là trong khâu thu hoạch nông sản nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân công khiến chi phí thu hoạch nông sản tăng cao; đẩy nhanh việc quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản ở các khu vực có lợi thế, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thuỷ sản, chế biến thức ăn tại các vùng nuôi trồng, tạo dây chuyền khép kín nhằm tăng hiệu quả nuôi trồng, giảm chi phí và giải quyết “đầu ra” cho nông dân; tăng cường các biện pháp xử lý, xoá bỏ tình trạng “mót mía, mót mì, lượm mủ” bất hợp pháp; mở rộng diện tích, tăng năng suất, đầu tư hệ thống tiêu thụ và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm rau an toàn; tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất “sạch”, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi; xử lý, cấm hoạt động đối với các trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường…

ĐÌNH CHUNG