BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển chưa vững chắc

Cập nhật ngày: 24/12/2012 - 06:07

Cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chuyển dịch còn chậm; việc triển khai nhiều dự án đầu tư cho chuyển đổi hoặc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi chưa toàn diện, thiếu đồng bộ và còn manh mún.

Nhọc nhằn lao động nông thôn.

Đó là nhận định của HĐND tỉnh trong báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, từ năm 2010 đến nay, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số quy hoạch và đã đạt được những kết quả ban đầu. Cụ thể như việc xây dựng 2 dự án cụm dân cư biên giới (dự án cụm dân cư số 6, ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu và dự án cụm dân cư ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng); đầu tư lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ các hộ nghèo phát triển ngành nghề nông thôn và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến 2020; hỗ trợ máy móc, thiết bị, các mô hình sản xuất cho các hộ nghèo (máy chẻ nan, máy se nhang, máy thu hoạch lúa, máy phun thuốc trừ sâu, máy làm bánh tráng…); tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; thả hàng triệu con cá giống vào hồ Dầu Tiếng góp phần tạo thu nhập ổn định cho khoảng hơn 1.000 người; toàn tỉnh đã thực hiện 5 dự án đê bao tiểu vùng kết hợp nuôi trồng thuỷ sản ở các xã Phước Chỉ, Phước Lưu (Trảng Bàng), An Thạnh (Bến Cầu), Long Thành Trung (Hoà Thành); triển khai 3 dự án nuôi cá tra thâm canh ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Dương Minh Châu; triển khai thực hiện mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP (có 1.102 hộ tham gia trên diện tích 1.654,6 ha)…

Trong 3 năm (2010 – 2012), Tây Ninh đã miễn giảm thuỷ lợi phí khoảng 52,4 tỷ đồng/năm cho khoảng 106.690 hộ với diện tích 100.885 ha; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn với tổng dư nợ  khoảng 29,4 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2010); thực hiện chính sách hỗ trợ tạm thời cho người trồng mía khoảng 10,8 tỷ đồng (diện tích 21.621,5 ha).

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp như khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân để nhân rộng các mô hình hiệu quả như nhân giống lúa chất lượng cao, các mô hình thâm canh, các mô hình nuôi - trồng mới…

Giá nông sản bấp bênh là nỗi lo “thường trực” của nhà nông.

Đánh giá về kết quả thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh cho biết, nhìn chung những kết quả nêu trên đã bước đầu thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển theo hướng bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao; nhận thức của nông dân về việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được nâng cao…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Một số quy hoạch của ngành hoặc sản phẩm chất lượng còn thấp. Khâu đánh giá thực trạng và nguyên nhân chưa chính xác dẫn đến việc dự báo các mục tiêu, chỉ tiêu chưa sát thực tiễn (một số chỉ tiêu quá cao so với khả năng) làm cho quá trình thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, nhất là nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Song song đó, có không ít quy hoạch ngành, lĩnh vực hoặc sản phẩm được lập, thông qua và phê duyệt nhưng việc công khai quy hoạch đến các đối tượng thụ hưởng hoặc tổ chức thực hiện thường chậm, thậm chí không thực hiện nên hiệu quả tác động của các quy hoạch đến phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Ngoài ra, dù việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm nhưng việc triển khai thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn còn triển khai chậm; nhiều dự án để kéo dài không thực hiện, chất lượng một số công trình còn hạn chế… gây lãng phí. Trong lĩnh vực thuỷ lợi, công tác quản lý, điều hành hệ thống thuỷ lợi chưa đạt hiệu quả cao; việc thu thuỷ lợi phí nội đồng còn nhiều bất cập, đa số người dân không đồng tình nên nguồn thu còn hạn chế.

Đáng chú ý là sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển chưa vững chắc; cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chuyển dịch còn chậm; việc triển khai nhiều dự án đầu tư cho chuyển đổi hoặc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi chưa toàn diện, thiếu đồng bộ và còn manh mún; việc tổ chức thu hoạch, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá cả và thị trường thiếu ổn định. Nhiều nông dân còn gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu vốn, thiếu kiến thức và kỹ thuật mới; tình trạng tự phát chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vẫn còn phổ biến…

ĐÌNH CHUNG