Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sản xuất test kit kháng nguyên xét nghiệm người nhập cảnh
Thứ năm: 18:56 ngày 10/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam sử dụng xét nghiệm kháng nguyên khẳng định nCoV khi mở cửa đường bay quốc tế, không dùng kháng thể mang giá trị sàng lọc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chiều 10/9 cho biết ngành y tế đang chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm người nhập cảnh khi Việt Nam sắp mở cửa một số đường bay quốc tế. Theo ông, việc mở cửa đường bay quốc tế sẽ tiến hành từ từ, không ồ ạt.

Thời gian đầu, số lượng khách nhập cảnh ít, ngành y tế triển khai xét nghiệm tại các cơ sở y tế chỉ định. Khi số lượng người nhập cảnh tăng, nhà chức trách tính đến phương án lấy mẫu ở sân bay, hoặc xét nghiệm tại chỗ, lựa chọn kit xét nghiệm có kết quả trong thời gian ngắn nhất và độ chính xác cao.

Theo Thứ trưởng, sẽ sử dụng xét nghiệm kháng nguyên với người nhập cảnh, không dùng xét nghiệm kháng thể. Chủ yếu sẽ sử dụng test kit do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

"Ngành y tế đảm bảo đủ năng lực về nhân lực và test kit để triển khai xét nghiệm khi mở cửa đường bay", Thứ trưởng Sơn nói.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế từ ngày 15/9, đến Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào. Dự kiến số khách nhập cảnh cần cách ly mỗi tuần là gần 5.000 người tại Hà Nội và TP HCM.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm người nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, để xét nghiệm, hồi tháng 3. Ảnh: Giang Huy.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 9/9, các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề chung sống an toàn với dịch bệnh, phải mở cửa để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Vì vậy, cần thiết phải xét nghiệm nhanh (tìm kháng nguyên) ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người... để sàng lọc, phát hiện sớm ca nhiễm, không để xâm nhập vào cộng đồng.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ "đặt hàng các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay như kinh nghiệm một số nước".

Các doanh nghiệp Sao Thái Dương, Medicon đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại test kit tìm kháng nguyên có giá thành thấp, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime-PCR hiện nay.

Ông Đào Đình Khôi, Giám đốc Công ty Medicon cho biết: "Công ty tập trung đầu tư sản xuất loại test kit tìm kháng nguyên trong thời gian nhanh nhất có thể". Doanh nghiệp này đã chuẩn bị lượng nguyên liệu sản xuất 500.000 test. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, công ty sẽ nộp hồ sơ đăng ký lưu hành và sẵn sàng triển khai sản xuất trên quy mô công nghiệp với khoảng 50.000-100.000 test một ngày. Dự kiến giá thành khoảng 3,5 USD một test, bằng 70% giá so với sản phẩm của nước ngoài.

Đại diện Công ty Sao Thái Dương cũng cho biết đã triển khai sản xuất test kit Realtime LAMP phiên bản mới, gửi cơ quan chức năng đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu... Nhóm nghiên cứu của Công ty Sao Thái Dương kỳ vọng test kit này giúp nâng công suất xét nghiệm gấp nhiều lần, thời gian ngắn hơn, có thể triển khai trước hết tại các sân bay.

Theo Cục Y tế Dự phòng, kể từ đầu dịch Covid-19 đến cuối tháng 8, Việt Nam đã thực hiện hơn một triệu xét nghiệm nCoV bằng phương pháp RT-PCR. Đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng, công suất xét nghiệm tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 và 4. Số lượng xét nghiệm trong một tháng bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.

Hiện cả nước có 123 phòng xét nghiệm đủ khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, công suất tối đa hơn 46.000 mẫu một ngày. Trong số đó, 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất hơn 36.000 mẫu một ngày. Bộ Y tế đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại ba khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục