Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bản tin 6h00 ngày 1/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng nay không có ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận. Hiện đã có 15 ca trong số các bệnh nhân đang điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 1/5: 15 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 1/5: Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 30/4 đến 6h ngày 1/5: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 47.735, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 272
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.246
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 35.217
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
Đến thời điểm này đã có 219 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh/xuất viện. 51 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại hiện đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó riêng tại bệnh viện tuyến trung ương là 40 bệnh nhân; đa số bệnh nhân có sức khoẻ ổn định;
Về tình trạng sức khoẻ của 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19,91,161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng, riêng bệnh nhân số 161, qua hội chẩn chuyên môn, các thành viên hội đồng nhấn mạnh nếu cấy viruscho kết quả âm tính thì có thê chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị phục hồi tai biến mạch máu não; bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tuy không sốt nhưng diễn tiến chậm, tiên lượng nguy kịch.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện đã có 10 ca bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, mặc dù đã 15 ngày nước ta không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, tuy nhiên chúng ta phải xác định vẫn còn có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng.
Với các ổ dịch chúng ta từng đối phó như Sơn Lôi, bar Buddha, Bạch Mai, Hạ Lôi, một khi phát hiện, đã được phong tỏa, kiểm soát chặt từ F0, kể cả F1, F2, cách ly triệt để, hạn chế cho tiếp xúc với nhau nên đã kiểm soát tốt. Các ổ dịch được phong tỏa 28 ngày, những ai có dấu hiệu đều đã được phát hiện.
Phần lớn chúng ta quản lý được các ổ dịch. Nhưng ở cộng đồng thì khác, dù có thực hiện giãn cách xã hội cũng không thể quản được 100%. Một đất nước cả 100 triệu dân, vẫn còn đi lại, gặp nhau, hơn nữa, có nhiều người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, nguy cơ còn ca mắc ngoài cộng đồng là vẫn luôn có.
Dù nước ta có ghi nhận các ca mắc hay không thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch. Nếu chủ quan là rất nguy hiểm. Mặc dù hiện nay chúng ta không thực hiện giãn cách xã hội, song người dân không nên chủ quan.
“Tôi thấy những ngày gần đây người dân đã rất chủ quan khi đi tắm biển, ngồi ăn gần nhau. Người dân cứ cho rằng dịch đã hết, điều này rất đáng lo ngại. Chúng ta đang trong kỳ lễ 30/4, tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nguồn SKĐS