BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sáng kiến mới: Xử lý chất thải y tế bằng lò đốt thủ công

Cập nhật ngày: 02/07/2009 - 08:07

Lò đốt chất thải y tế do bác sĩ Trần Thế Vui thiết kế

Trong đợt giám sát về tình hình nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học và dự án ở cấp huyện vừa qua của Hội đồng nhân dân tỉnh, có một đề tài khoa học được nhiều người đánh giá cao nhờ tính ứng dụng thiết thực của nó. Đề tài có tên gọi “Xử lý chất thải y tế bằng lò đốt thủ công” của Phòng Y tế huyện Tân Châu, chủ nhiệm đề tài là bác sĩ chuyên khoa I Trần Thế Vui.

Bác sĩ Trần Thế Vui công tác trong ngành Y tế đã lâu, hiện giữ chức trưởng Phòng Y tế huyện Tân Châu. Hằng ngày ông chứng kiến nhân viên ở các trạm y tế xã sau khi gom chất thải hoặc đốt, hoặc đổ trực tiếp ra ngoài làm mất vệ sinh. Trên địa bàn huyện Tân Châu có một số cơ sở y tế quá gần trường học hoặc gần chợ nên việc đổ chất thải càng đáng lo ngại. Từ thực tế đó, trong đầu ông manh nha một ý tưởng làm cái lò để có thể xử lý được cả chất thải rắn và chất thải lỏng. Sau một thời gian dài suy nghĩ, bác sĩ Vui bắt tay vào việc. Được UBND huyện ủng hộ, sau khi hoàn thành bản vẽ, bác sĩ Vui đề xuất với cấp trên cho xây lò thí điểm tại Trạm y tế Thị trấn. Sau 3 tuần lễ , chiếc lò đốt rác theo phương thức thủ công đã hoàn thành. Lò được thiết kế khá đơn giản, gồm có hai phần chính: phía trên có một cái vỉ sắt là nơi dùng để đưa rác vào. Phía dưới là một cái hầm có thể tích 3m x 1,5m x 1,7m. Nguyên lý vận hành của lò rất đơn giản: rác được bỏ vào vỉ sắt, cho vào một ít dầu hoả làm mồi rồi châm lửa. Khi rác cháy, cửa lò được đóng kín, 6 cái lỗ thông hơi ở quanh lò sẽ cung cấp oxy từ ngoài vào nên ngọn lửa cháy cực mạnh. Do nhiệt lượng cao nên rác cháy rất nhanh, vì vậy khói toả ra môi trường rất ít. Toàn bộ tro sau khi rác cháy hết sẽ rơi xuống đáy hầm.

Nước thải y tế cũng được xử lý bằng cách đổ xuống hầm thông qua cái vỉ sắt ở phía trên. Như vậy, tro và nước sẽ “gặp nhau” dưới hầm. Để hạn chế sự ô nhiễm do nước thải gây ra, ở đáy hầm, có bố trí nhiều lớp sỏi, cát và than. Nước thải sẽ được xử lý thông qua hệ thống lọc này trước khi thải ra môi trường.

Sau khi lò được xây xong, hội đồng Khoa học và Công nghệ của huyện Tân Châu đã tổ chức đánh giá công trình, đồng thời cho phép triển khai ứng dụng thí điểm trong thực tế.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lam, trưởng Trạm Y tế thị trấn Tân Châu, đơn vị được xây lò thí điểm nhận xét: “Trước đây, khi chưa được xây lò, rác thải chỉ biết cho xuống cái hố nên không được vệ sinh. Từ ngày được xây lò đến nay, toàn bộ rác thải cả rắn lẫn lỏng đều được cho xuống hầm lò nên rất sạch sẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Theo tác giả đề tài thì với lượng rác của một trạm y tế ở cấp xã thải ra, phải cỡ hai chục năm thì hầm chứa chất thải mới đầy.

Chi phí để xây một lò đốt rác chỉ khoảng 18 triệu đồng.Với mức chi phí như thế, hoàn toàn có thể triển khai đại trà trong toàn tỉnh.

VIỆT ĐÔNG