Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sáng nay tiếp tục đấu thầu vàng miếng: Doanh nghiệp vẫn 'ngại' mua?
Thứ sáu: 09:05 ngày 03/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ tư dự kiến diễn ra lúc 9h sáng nay 3/5, nhiều người dự đoán doanh nghiệp có thể vẫn ngại mua như các phiên trước.

Thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tổng khối lượng vàng miếng được đấu thầu sáng nay là 16.800 lượng vàng miếng SJC. 

Đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép mua là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đặt thầu tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ tư vào sáng 3/5.

Như vậy, quy định về đấu thầu vàng vẫn không có gì thay đổi so với 3 phiên trước đó. Đáng nói là, trong cả 3 lần NHNN phát đi thông báo mở thầu vàng miếng, chỉ có một phiên đấu thầu thành công. Tuy vậy, cũng chỉ bán được 3.400 lượng vàng.

Hai phiên đấu thầu còn lại không thể tổ chức như dự kiến do không đủ số lượng đơn vị tham gia đặt thầu. Phiên bị hủy gần đây nhất là ngày 25/4, khi chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, do NHNN vẫn giữ nguyên những điều kiện để mời thầu nên rất có thể phiên giao dịch hôm nay tiếp tục "ế ẩm", vì các quy định khiến doanh nghiệp và tổ chức tín dụng e ngại.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, có quá ít hoặc không có đơn vị nhận thầu vàng chứng tỏ quy định đấu thầu vàng vẫn còn những điều kiện chưa hợp lý, chưa đảm bảo được việc hạn chế rủi ro cho các tổ chức tham gia.

Nếu các điều kiện đấu thầu được NHNN sửa lại cho đủ hấp dẫn, doanh nghiệp có thể cân đối được rủi ro thì sẽ có nhiều tổ chức tham gia đấu thầu vàng hơn.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tại, nguồn vốn đang là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp, phần nào tác động đến quyết định tham gia đấu thầu của họ khi phải thực hiện mua vàng với khối lượng lớn. Trong khi đó, NHNN đang quy định số lô vàng trúng thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng.

Chuyên gia Trần Duy Phương phân tích, cung vàng tại các doanh nghiệp là có thiếu, nhưng không thiếu nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đấu thầu chỉ nhằm mua số lượng vàng cần thiết, đúng nhu cầu kinh doanh. 

“Ví dụ tuần trước họ bán âm khoảng 1.000 lượng thì họ cần mua vào 1.000 lượng để bù lại trạng thái đã bán và mua vào dư một chút để bán lẻ hoặc phục vụ các nhu cầu khác. Lúc này họ sẽ tham gia đấu thầu.

Nhưng nếu trước đó họ chỉ bán ra khoảng 500 lượng, mà quy định đấu thầu lại yêu cầu phải mua ít nhất 1.400 lượng thì cung lại vượt cầu. Do đó, điều kiện này đang cản trở các doanh nghiệp tham gia đấu thầu", ông nói.

Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng thời điểm hiện tại, giá vàng biến động khó lường và đầy rủi ro, chắc chắn không có doanh nghiệp nào mua vàng để đầu cơ. Vì thế, nhu cầu càng không quá cao.

Họ chỉ có nhu cầu mua vào một lượng vừa đủ với số vàng đã bán hoặc là dư đôi chút. “Chẳng hạn họ đang âm 1.000 lượng vàng thì họ sẽ mua vào khoảng 1.200 - 1.400 lượng. Nhưng họ chỉ âm khoảng 500 lượng mà bắt họ phải mua vào 1.400 lượng thì rất khó.

Nếu NHNN sửa điều kiện, cho mua vàng ở mức chỉ 400 - 500 lượng chẳng hạn thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn", chuyên gia nêu quan điểm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng NHNN nên xem lại mức giá tham chiếu. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.

"Bỏ ra một số tiền lớn tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện làm sao để kinh doanh có lãi. Do đó, muốn những phiên đấu thầu vàng tiếp theo hiệu quả hơn, NHNN cần xác định mức giá đấu thầu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, mới dễ dàng thu hút họ", ông Thịnh nói.

Trong phiên đấu thầu dự kiến diễn ra sáng nay, giá tham chiếu để đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng, cao hơn rất nhiều so với giá trúng thầu của phiên ngày 23/4 (cao nhất: 81,33 triệu đồng/lượng; thấp nhất: 81,32 triệu đồng/lượng).

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu NHNN đưa ra mức giá đấu thầu quá thấp cũng không được. Bởi vì, nếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trúng thầu với mức giá thấp, trong khi NHNN không nhập được vàng từ thế giới với mức giá hợp lý thì hợp đồng đấu thầu cũng sẽ bị hủy theo quy định.

“Mặc dù Việt Nam đang có lợi thế là giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Nhưng nếu giá vàng thế giới tăng quá nhiều, vượt quá biên độ lợi nhuận thì hợp đồng đấu thầu sẽ bị hủy để ngân sách Nhà nước không bị thiệt hại. Giá tham chiếu đưa ra phải dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng trước các yếu tố tăng, giảm giá của giá vàng thế giới và đây là chuyện không dễ dàng", một chuyên gia khẳng định. 

Nguồn vtcnews

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục