Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong chiến tranh, có những người xông pha nơi bão đạn, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành thương binh, bệnh binh, có người không bị thương nhưng lại nhiễm chất độc hoá học.
Ông Phạm Hồng Phong làm việc tại văn phòng Hội.
Trong đời thường, dù sức khoẻ suy giảm đáng kể, những cựu chiến binh (CCB), thương binh vẫn thể hiện bản lĩnh, tinh thần “tàn nhưng không phế”, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Hết lòng với công tác xã hội
70 tuổi đời, 47 tuổi Đảng, CCB Phạm Hồng Phong (sinh năm 1952), ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành không bao giờ quên những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ vào những năm 70. Ông lên đường nhập ngũ vào tháng 3.1971, sau 4 tháng huấn luyện tại D 12, F 305 đơn vị đặc công thuộc Bộ Quốc phòng, ông vào Nam và được biên chế vào D 40, E 116, Sư 367 tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ.
Tháng 4.1975, trong trận chiến đánh vào tổng kho Long Bình, ông Phong bị thương với tỷ lệ thương tật 41% (hạng 3/4). Tháng 5.1977, ông phục viên chuyển ngành về công tác tại Ty Thương nghiệp Tây Ninh, năm 1997 chuyển về Công ty Quản lý đường bộ 742 và về nghỉ hưu vào năm 2013. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay, ông được hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Long Thành Nam.
CCB Phạm Hồng Phong luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, quan tâm giúp đỡ đồng đội và những người có hoàn cảnh khó khăn. Trích từ lương hưu, hằng năm, ông đóng góp từ 15 - 20 phần quà, mỗi phần trị giá 250.000 đồng, chung tay với địa phương giúp đỡ mọi người.
Ông tích cực tham mưu Đảng uỷ, UBND xã và BCH Hội xây dựng kế hoạch công tác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, trong đó nổi bật là xây dựng mô hình điểm về “Tuyến đường CCB quản lý xanh, sạch, đẹp và an toàn giao thông”; vận động hội viên mua và trồng 300 cây hoàng yến ở hai bên đường, lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng tuyến đường dài 2.000m. Ông vận động mạnh thường quân xây tặng 5 căn Nhà tình nghĩa và nhiều phần quà hỗ trợ cho hội viên khó khăn.
Ông Lê Hoàng Sang- Chủ tịch Hội CCB thị xã Hoà Thành cho biết, tuy tuổi cao, sức khoẻ yếu nhưng ông Phạm Hồng Phong vẫn nhiệt tình trong công tác xã hội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương. Nhiều năm liền, ông được CCB thị xã và CCB tỉnh khen tặng có thành tích trong phong trào “CCB gương mẫu”, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Ông Nguyễn Ngọc Bích trò truyện với những thanh niên trẻ trong khu phố.
Phát huy tinh thần của người chiến sĩ cách mạng
CCB, thương binh Phan Huy Hoàn (74 tuổi) ngụ ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Ông Hoàn cho biết, ông tham gia lực lượng vũ trang cách mạng năm 1971 khi còn ở lứa tuổi đôi mươi. Ông từng dọc ngang nhiều chiến trường từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ. Sau giải phóng miền Nam 30.4.1975, ông Hoàn vẫn còn tại ngũ, được cấp trên đưa đi học lớp nghiệp vụ Công an vũ trang (sau là Bộ đội Biên phòng).
Cuối năm 1976, ông Hoàn được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Phước Tân, huyện Châu Thành. Một lần nữa ông tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Người lính biên phòng Phan Huy Hoàn bị thương nặng nhưng vẫn không rời quân ngũ, tiếp tục phục vụ để bảo vệ biên giới đến năm 1992 mới nghỉ hưu với tỷ lệ thương tật 81%.
Trở về cuộc sống đời thường với cơ thể không còn khoẻ mạnh, ông vẫn xung phong tham gia công tác xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, do vết thương tái phát, ông phải tạm nghỉ để điều trị. Năm 2003, khi sức khoẻ dần ổn định, ông Hoàn tiếp tục làm công tác xã hội với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh của huyện Châu Thành, đồng thời làm tổ trưởng tổ dân cư tự quản, tổ trưởng tổ tuyên truyền pháp luật tại nơi ông sinh sống. Trong mọi công việc, CCB, thương binh Phan Huy Hoàn đều nỗ lực làm tốt, có trách nhiệm, được bà con địa phương yêu mến, cảm phục.
Ông Hoàn tích cực tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ông vận động 25 hộ dân, mỗi hộ hiến 2m đất để mở đường giao thông nông thôn. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh của huyện, ông vận động và tập hợp thêm 25 thành viên mới, nâng tổng số hội viên lên 35 người. Điều đáng ghi nhận là Câu lạc bộ dưỡng sinh huyện do ông làm Chủ nhiệm từ khi thành lập đến nay đã dành nhiều huy chương, trong đó có 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Nổi bật là 2 cúp vàng và 1 giải nhất toàn đoàn khi tham gia tranh tài tại tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Ông Trần Văn Rợ- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Tam Hạp cho biết, tuy đã hơn 70 tuổi lại là thương binh nặng nhưng ông Hoàn vẫn phát huy tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, sống hết lòng vì mọi người, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Nhiều năm liền, ông là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền và Hội cấp trên.
Ông Phan Huy Hoàn luôn làm việc với tinh thần vui vẻ và trách nhiệm cao
Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân
Khi nhắc đến CCB, thương binh Nguyễn Ngọc Bích (sinh năm 1957) ngụ khu phố 4, phường 1, thành phố Tây Ninh, mọi người đều bày tỏ sự yêu thương và cảm phục. Hơn 40 năm tham gia công tác xã hội, từng làm nhiều công việc khác nhau, năm 2001, ông được Chi bộ và bà con tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 4.
Ông Bích cho biết, thời gian đầu làm trưởng khu phố, ông gặp không ít khó khăn, do địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Để nâng cao nhận thức cho bà con, ông tích cực vận động người dân chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường. Đến nay, tình hình an ninh trật tự ở khu phố đã ổn định, không còn các điểm nóng về tội phạm.
Trong công việc, ông luôn quan tâm, chia sẻ khó khăn của người dân; phối hợp với đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con lúc đau bệnh, hoạn nạn; vận động người dân xây dựng tình đoàn kết, gắn bó. Ông cùng với các đoàn thể trong khu phố nỗ lực vận động mạnh thường quân, mỗi năm thăm và trao tặng hơn 300 phần quà cho gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn...
Chia sẻ về “bí quyết” huy động sức dân tham gia xây dựng khu phố văn minh, ông Bích nói: “Sự chân thành, nhiệt tình và cống hiến trong mọi trường hợp sẽ thuyết phục được người dân”.
Ông Phạm Hồng Phong, Phan Huy Hoàn và Nguyễn Ngọc Bích là 3 trong số rất nhiều CCB, thương binh đang ngày đêm cống hiến sức lực, trí tuệ làm giàu cho quê hương. Sự đóng góp của họ thật đáng quý, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Phương Thảo - Hà Quang