Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
ANH HÙNG LLVTND TRẦN THỊ SỬA:
Sáng ngời phẩm chất người cộng sản
Thứ hai: 22:26 ngày 12/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù ở thời điểm nào, hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn giữ vững tinh thần của một người cộng sản trung thành với Đảng, giản dị trong đời thường, yêu lao động và hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Vợ chồng Anh hùng LLVT Trần Thị Sửa đi dạo trong khuôn viên nhà ở khu phố 4, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu

73 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, từng vào sinh ra tử trong thời kháng chiến chống Mỹ, từng là một nữ lãnh đạo tỉnh giỏi giang, cho đến khi về hưu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Thị Sửa (tên thường gọi là Sáu Sửa) vẫn miệt mài, cần mẫn lao động “biến đất thành vàng”. Dù ở thời điểm nào, hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn giữ vững tinh thần của một người cộng sản trung thành với Đảng, giản dị trong đời thường, yêu lao động và hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

KIÊN TRUNG THEO ĐẢNG

Khi mới 17 tuổi, Sáu Sửa dẫn đầu đoàn biểu tình gần 300 người đi đấu tranh tại quê nhà. Bị địch bắt giam, tra tấn hai đêm, một ngày, hòng tìm ra thông tin người lãnh đạo nhưng Sáu Sửa một mực không khai. Không tìm kiếm được manh mối gì, chúng buộc phải thả. Sau sự kiện này, nhận thấy Sáu Sửa trẻ người nhưng gan dạ, ý chí kiên cường, Chi bộ xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã đặc cách kết nạp Sáu Sửa vào Đảng ngay trong năm 1963.

“Ngày 12.9.1962, tôi chính thức được kết nạp vào Đoàn thì ngày 1.1.1963 được kết nạp Đảng. Lúc bấy giờ tuổi còn trẻ, nhận thức về Đảng hãy còn đơn giản lắm nhưng trong lòng rất tự hào. Trước ngày kết nạp, tranh thủ rảnh rỗi lúc nào tôi lại ra đứng ở đám cỏ tự tập dượt trước lời tuyên thệ” - bà Sáu Sửa nhớ lại.

Lễ kết nạp Trần Thị Sửa được tổ chức bí mật trong một căn phòng nhỏ, có sự tham dự của đồng chí Huyện uỷ viên phụ trách xã cùng các đảng viên trong Chi bộ xã Thạnh Lợi. “Sau lễ kết nạp, bí thư chi bộ hỏi một câu mà tôi nhớ mãi đó là: “Trở thành đảng viên rồi, khi Đảng cần đồng chí phải hy sinh trong một trận nào đó, đồng chí nghĩ thế nào?”. Tôi đáp: “Tôi sẵn sàng hy sinh, chấp hành mọi sự phân công và mệnh lệnh của Đảng!”- bà Sửa kể.

Cũng chính từ đó, Sáu Sửa- người con gái Long An vóc dáng nhỏ bé nhưng rất lanh lợi và kiên cường ấy luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công, dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững kỷ luật, niềm tin vào Đảng. Bà chia sẻ: “Đi làm cách mạng có phải ai cũng thành công đâu. Có những đồng chí hy sinh, tù đày, cũng có những người hư hỏng vì cám dỗ. Làm cách mạng không chỉ là cuộc đấu tranh giữa ta với địch trên chiến trường mà còn luôn phải tự đấu tranh với chính bản thân mình”.

18 tuổi, Sáu Sửa nhận nhiệm vụ rời Long An lên Sài Gòn xây dựng cơ sở. Người đảng viên trẻ ấy đã nhanh chóng kết nối với những người lao động nghèo ở Sài Gòn, sau đó xin vào học việc ở một xưởng dệt của người Hoa dưới cái tên giả Lê Thị Thu. Bằng sự thông minh, khéo léo của mình, Sáu Sửa đã vận động chị em công nhân đình công, đấu tranh đòi chủ tăng lương giảm giờ làm. Tiếp đó, bà nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên Bính- nhân viên tình báo CIA Mỹ cực kỳ nguy hiểm.

Để tiếp cận tên này, Sáu Sửa đã tìm cách xin vào làm giúp việc cho gia đình tên Bính và ở đây suốt 3 năm trời. Một buổi chiều cuối năm 1967, nhân cơ hội tên Bính uống nhiều rượu trong dịp liên hoan thăng quân hàm tại nhà, Sáu Sửa kịp thời báo tin và phối hợp chặt chẽ với anh em bên ngoài tiêu diệt gọn. Cuối năm 1968, bà bị địch bắt giam 20 ngày để tra hỏi về cái tên “Việt cộng” Trần Thị Sửa, nhưng nhờ sự thông minh, kiên cường, lại có giấy khai sinh giả mang tên Lê Thị Thu, cuối cùng bọn chúng buộc phải tha.

Năm 1970, bà được cấp trên điều về xây dựng cơ sở cách mạng ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Từ đây, bà đã xây dựng được các chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, xây dựng đội biệt động nội ô thị trấn Thủ Thừa. Thời điểm năm 1972, bà là Huyện uỷ viên trẻ nhất huyện Thủ Thừa, là Chính trị viên Thị đội chiến đấu cho tới ngày giải phóng.

Năm 1995, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương Long An ở cương vị Bí thư Huyện uỷ Thủ Thừa, sau này là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Long An.

Bà Sáu Sửa trao đổi về kỹ thuật trồng bưởi da xanh với cán bộ Hội Nông dân huyện Tân Châu.

Nhắc nhớ lại những kỷ niệm thời đạn bom khốc liệt, bà kể: “Long An là cửa ngõ Sài Gòn, Mỹ leo thang, xuống thang đều ở đó nên chiến trường ác liệt vô cùng. Những ngày tháng chiến đấu trong vùng nước ngập sình lầy, có khi cả tháng tụi tôi phải ăn củ chuối nước, rau hẹ, trái bình bát cầm hơi. Mình lại là phụ nữ, chỉ có vỏn vẹn 3 bộ quần áo mà cứ 5 phút pháo bắn một lần, gian khổ không kể xiết…”.

Rồi bà đưa cho chúng tôi lá thư của người em trai ruột- liệt sĩ Trần Quốc Toản (tức Bảy Nửa) gửi cho anh ruột là Trần Công Tâm (tức Tư Tâm) viết năm 1967. Đọc những dòng thư này, bà khóc rất lâu. Bà xúc động chia sẻ: “Hồi trẻ phải chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội hy sinh nhưng lúc đó lòng chỉ chất chứa căm thù, nguyện chiến đấu trả thù nhà, trả thù cho đất nước, nước mắt nuốt nghẹn vào trong.

Giờ già rồi, hễ nghĩ về ba- một liệt sĩ chống Pháp, về người em trai hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, về người chồng đầu tiên là bác sĩ quân y hy sinh khi hai người vừa cưới nhau được 5 ngày, về những đồng đội đã ngã xuống là nước mắt cứ rơi hoài. Ngày 30.4, ngày 27.7 năm nào tôi cũng khóc…”.

CƠ DUYÊN VỚI TÂY NINH

Ở khu phố 4, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, người dân nơi đây đã rất quen với hình ảnh hai người già thường xuyên nắm tay nhau đi dạo rất tình cảm. Ngôi nhà ấm cúng, tĩnh lặng của hai người nằm dưới rặng cây cổ thụ xanh mát, xung quanh cây trái sum suê. Đó là hình ảnh của bà Sáu Sửa và ông Hai Ninh (ông Đặng Văn Ninh- nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh).

Hai ông bà nên duyên với nhau từ năm 1996, khi đó bà Sáu Sửa đang là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Long An, còn ông Hai Ninh cũng đương chức ở Tây Ninh. Năm 2000, khi bà Sáu nghỉ hưu, hai ông bà mới chính thức về chung một nhà, nhưng không phải ở Thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) mà quyết định gây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới Tân Châu.

Bà Sáu Sửa cho biết, ông bà quyết định như vậy vì thích làm nông nghiệp. Lúc mới lên Tân Châu, nơi đây vẫn còn khá hoang vắng, vợ chồng bà Sáu Sửa chỉ cất một căn nhà nhỏ tạm bợ, mua 11 mẫu đất trồng tiêu, măng cụt, sầu riêng kết hợp xen canh cà, bầu, bí. Ông bà sống và lao động như những người nông dân thực thụ. Năm 2005, giá tiêu tăng cao, vụ thu hoạch đầu tiên đã thu được 270 triệu đồng.

Có thêm vốn, ông bà quyết định đầu tư mua thêm đất mở rộng diện tích trồng cao su, bưởi da xanh, cam. Bà Sáu kể: “Hồi đầu mới đến đây, bà con xung quanh vẫn thường thấy một người phụ nữ tối ngày cặm cụi nón lá ngoài vườn, làm tất bật từ sáng tới tối. Họ còn tưởng tôi là người làm công nên tò mò hỏi: “Cô làm cho nhà này mỗi ngày được nhiêu tiền?”. Tôi trả lời: “Dạ được mười bảy ngàn, cơm ăn ba bữa, tối còn được ngủ chung với ông chủ. Họ cười xoà mới biết tôi là bà chủ khu đất này”.

Mời chúng tôi thưởng thức cam Mỹ chuẩn VietGAP rất ngọt lành nhà trồng, bà cười bảo: “Thực ra, tôi cũng mới chính thức “nghỉ hưu” được 3 tháng nay thôi, tại cái chân đau quá không đi nổi. Còn như trước đây thì công nhân họ làm thế nào, tôi làm thế nấy, làm hết buổi mới về cơm nước. Ngày nào không có mặt tại vườn là không yên tâm”. Nhờ sự chăm sóc tận tuỵ và rất am hiểu kỹ thuật trồng trọt của ông bà chủ, 1.500 cây măng cụt, 1.500 cây bưởi, 800 cây cam Mỹ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình bà Sáu Sửa đang cho thu hoạch rất tốt.

Ngoài ra, vườn còn có hàng trăm cây sưa đỏ, hơn 50 cây tùng La Hán rất giá trị. Điều chúng tôi ngạc nhiên là cả một khu vườn rộng hàng chục hecta nhưng không có một chút rác nylon nào, cỏ cũng được nhặt sạch sẽ, những cành cây, trái cây không đạt tiêu chuẩn đều được cắt tỉa. Bà Sáu cho biết: “Chuyện giảm rác thải nhựa đã được chúng tôi làm cả chục năm nay.

Tôi làm thành thói quen rồi hướng dẫn, giáo dục cho người lao động, giúp việc cho gia đình không lạm dụng túi nylon, ly nhựa. Trong nhà, ngoài ngõ đều đặt thùng rác. Cây trồng được bón phân hữu cơ và sử dụng các loại thuốc sinh học. Nhà mình ăn như thế nào thì sản phẩm bán ra ngoài cũng như thế”.

Từ nguồn tích luỹ sản xuất của gia đình, nhiều năm qua, hai ông bà đã trở thành mạnh thường quân của rất nhiều người nghèo. Tính đến nay, ông bà đã xây tặng hơn 20 ngôi “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương”, trao tặng 36 con bò, 40 con dê, 135 con cừu cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Tân Châu (Tây Ninh) và một số địa phương ở tỉnh Long An.

Việc làm của ông bà đều xuất phát từ “cái tâm”, bởi cả hai đều chung suy nghĩ tuy già về tuổi tác nhưng còn sức khoẻ là còn lao động, còn chung tay cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo, cho những đồng đội còn khó khăn.

PHƯƠNG THUÝ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục