Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sáng tạo “Handmade” từ đồ jean cũ
Thứ sáu: 14:44 ngày 28/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những món đồ jean cũ tưởng chừng như bỏ đi, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, chị Đào Thị Thanh Nhàn (khu phố 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) đã tạo nên những chiếc túi xách, ba lô cực kì độc đáo và bắt mắt.

Bén duyên với công việc này chỉ mới 3, 4 tháng nay, chị Nhàn chia sẻ, bản thân có một niềm đam mê rất lớn với đồ handmade. Trước đây, chị thường làm túi xách, ba lô bằng nhiều chất liệu khác để tặng cho người thân, bạn bè trong các dịp lễ, tết, sinh nhật.

Trong một lần dọn dẹp đồ trong gia đình, chị thấy có nhiều chiếc quần, áo jean tuy cũ, lỗi mốt, nhưng vải vẫn còn tốt. Không bỏ phí, chị Nhàn đã tận dụng chúng để tạo ra những sản phẩm độc đáo, bắt mắt. 

Chị Nhàn phác thảo các đường rập cắt trên giấy.

Để làm ra những sản phẩm độc đáo, chị Nhàn đã phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công, tỉ mỉ… Đầu tiên, là việc gom những chiếc quần áo jean cũ từ người thân, bạn bè hoặc đến các cửa hàng bán đồ cũ để mua lại. Sau đó, giặt phơi, sấy khô. Tiếp đến là khâu thiết kế sản phẩm, đòi hỏi tính thẩm mỹ và sự sáng tạo, cũng là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tái chế đồ jeans.

“Trước khi làm, mình phải tinh ý quan sát, chọn những chi tiết đắt giá trên chiếc áo, quần đó như túi, đai quần, lai quần rồi phối hợp sao cho hài hòa từng chi tiết, tạo nên điểm nhấn độc đáo cho sản phẩm”- chị Nhàn chia sẻ

Công đoạn cuối cùng là cắt, may, ráp nối những chi tiết rời rạc thành khối sản phẩm hoàn chỉnh. Chỉ vào những chiếc túi xách, ba lô trưng bày trên giá, chị Nhàn nói: “Do mỗi sản phẩm được làm từ chiếc quần, chiếc áo jean khác nhau nên chúng có những điểm độc, lạ, không đụng hàng, khó mà làm sản phẩm thứ hai giống hệt. Thật vui khi mỗi ngày làm việc bắt đầu từ những món đồ bỏ đi, cuối ngày là một vài món đồ hữu ích được tái sinh”.

Trước đây chị Nhàn làm trong một công ty may ba lô, túi xách xuất khẩu nên công việc may vá và lên ý tưởng cho mỗi sản phẩm cũng không tốn nhiều thời gian. Thời gian làm một sản phẩm handmade từ những món đồ jean cũ tùy thuộc vào độ cầu kỳ của từng món.

Đối với những chiếc ba lô nhỏ, ví đựng tiền…mất khoảng 2 - 3 giờ để làm, còn những sản phẩm đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều chi tiết, kích thước lớn… phải mất khoảng hàng ngày để hoàn thành chúng. 

Sản phẩm handmade do chị Nhàn thực hiện.

Giá thành sản phẩm dao động từ 200.000 - 300.000 đồng, tùy vào mẫu mã, kích thước từng sản phẩm. Tuy thu nhập từ công việc này không cao so với làm việc tại công ty, nhưng bù lại, sẽ có thời gian thoải mái được làm công việc yêu thích, tự do sáng tạo mà không bị gò bó.

Để tạo thương hiệu riêng cho “đứa con tinh thần” của mình và mong muốn đưa chúng đến gần hơn với mọi người, chị Nhàn đã tạo một trang facebook mang tên KoMi Handmade Jean Bags để quảng cáo. Bật mí về tên thương hiệu KoMi, chị Nhàn cho biết nó được viết tắt từ tên hai đứa con trai yêu quý của mình là Khôi và Minh.  

“Thật may mắn vì có rất nhiều người ủng hộ dòng sản phẩm này, đặc biệt là bạn trẻ yêu thích các balô, túi xách tái chế để diện lên những bộ trang phục thêm phần cá tính”, chị Nhàn nói. Ngoài việc mua trực tiếp tại nhà hay qua trang facebook KoMi Handmade Jean Bags, nhiều khách hàng còn ngỏ ý đặt sản phẩm từ chiếc quần jean cũ họ mang đến.

Sử dụng những sản phẩm handmade do chị Nhàn tạo ra, chị Thanh Hương (ngụ TP.Tây Ninh) chia sẻ, bản thân không thể tin được ba lô, túi xách được làm từ đồ jean cũ. Những món đồ ở đây thật sự rất đặc biệt, độc đáo, có một không hai, giá cả vừa phải chăng, mà còn bắt nhịp xu hướng thời trang tái chế. Chị đã mua và giới thiệu cho rất nhiều người bạn cùng sở thích sưu tầm đồ handmade.

Do mới bắt đầu khởi nghiệp từ công việc này, chị Nhàn gặp không ít khó khăn về tìm kiếm nguồn vải, mẫu mã còn hạn chế, đầu ra cho sản phẩm do nó còn chưa được người biết đến...

Trước mắt vẫn là những khó khăn và thách thức, nhưng chị vẫn luôn kiên định với hướng đi của mình và hy vọng sẽ ngày càng nhiều người biết đến, ủng hộ những sản phẩm thời trang từ nguyên liệu tái chế để cùng chung tay giúp bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng.

Đào Như

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục