Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sáng tối đan xen bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023
Thứ ba: 09:08 ngày 19/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 nhìn chung tương đối ảm đạm do phải đối mặt với hàng loạt thách thức và bất ổn lớn từ “dư chấn” của đại dịch Covid-19 cho tới cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và mới đây nhất là xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel tại khu vực “rốn dầu” Trung Đông, song vẫn có có những điểm sáng tăng trưởng, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.

Những “cơn gió ngược” với kinh tế thế giới

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế toàn cầu khi phải đối mặt với một loạt thách thức, từ sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại - đầu tư suy giảm, cho tới những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị và các thách thức an ninh phi truyền thống như tác động nặng nề của biến đổi khí hậu…

Quá nhiều “cơn gió nghịch” đó đã đẩy kinh tế toàn cầu năm 2023 vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008.

Kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023.

Đại dịch Covid-19 dù đã kết thúc trên toàn cầu, song những di chứng, dư chấn mà của nó vẫn để lại những “cơn đau” không nhẹ cho nhiều nền kinh tế. Cùng với đó, theo IMF, cuộc xung đột quân sự kéo dài và ác liệt giữa Nga và Ukraine ngay trong lòng châu Âu - một trung tâm kinh tế lớn của thế giới đã dẫn tới sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực thế giới và mới đây nhất là cuộc xung đột quy mô lớn giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza cũng tác động nghiêm trọng do diễn ra tại khu vực “rốn dầu” Trung Đông hết sức nhạy cảm với kinh tế toàn cầu.

Nhìn chung, theo đánh giá của IMF, các điều kiện kinh tế toàn cầu trong năm 2023 luôn ở tình trạng khá mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế hay địa chính trị. Trong khi đó, gánh nặng nợ công và việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng thấy đã tạo thêm lực cản và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế bất chấp những diễn biến khởi sắc hồi đầu năm 2023.

Định chế tài chính hàng đầu thế giới cho rằng, hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn chưa trở về mức trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời có sự khác biệt và phân mảnh ngày càng lớn giữa các khu vực. Cùng với đó là những tác động tiêu cực từ các yếu tố khác có tính chu kỳ hơn, như việc nhiều nước giảm hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nợ công tăng cao và bất ổn địa chính trị trên thế giới.

Giá lương thực thế giới cũng ở mức cao và thường xuyên đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung gây khó khăn cho nhiều quốc gia thu nhập thấp và các nền kinh tế đang phát triển. Điều này khiến nhiều nước phải oằn mình trước áp lực chống lạm phát và tiến trình phục hồi kinh tế luôn gặp trở ngại.

Những “cơn gió ngược” thổi mạnh đã đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 này. Báo cáo mới nhất của tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín Fitch Ratings đánh giá, tăng trưởng GDP chung của thế giới năm 2023 sẽ đạt khoảng từ 2,5-3%, thấp hơn mức dự báo 3,3-3,5% trước đó của IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) còn đưa ra dự báo kém tích cực hơn khi cho rằng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 thậm chí sẽ không vượt quá 2,1% dù đã điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi quý I-2023. Các nền kinh tế đầu tàu - những nền kinh tế phát triển nhất thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến tăng trưởng 4% trong năm nay.

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2023 thêm phần ảm đạm khi thương mại toàn cầu trong năm nay ước tính sụt giảm 5% so với năm 2022, theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Trong báo cáo Cập nhật Thương mại toàn cầu công bố ngày 11-12 vừa qua, UNCTAD ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, giảm gần 2.000 tỷ USD so với năm 2022, tương đương mức giảm 8%.

“Điểm sáng” châu Á và Việt Nam

Tuy nhiên, IMF cho rằng, vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của kinh tế thế giới 2023. Một trong những điểm sáng nhất là lạm phát cơ bản toàn cầu đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn đầy biến động, cũng dự kiến giảm xuống 4,5%.

Goldman Sachs Research bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khi cho rằng kết quả đã vượt quá cả kỳ vọng của hầu hết chuyên gia kinh tế.

Điểm sáng khác là tăng trưởng kinh tế dù chậm nhưng vững chắc, thị trường lao động khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch. Đây là những chỉ dấu đáng chú ý để giới kinh tế tin tưởng rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh mềm” trong năm nay và năm sau.

Châu Á vẫn nổi lên là khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mặt bằng chung của nền kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố ngày 16-12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhìn nhận, kinh tế khu vực châu Á đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn và tăng trưởng của khu vực năm nay dự kiến đạt mức 4,9% (tăng nhẹ so với mức dự báo 4,7% hồi tháng 9), chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Định chế tài chính lớn nhất khu vực này cũng nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới từ mức 4,9% lên 5,2% trong năm nay. Theo đánh giá, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý II-2023.

Trong báo cáo, ADB cũng ghi nhận tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế - không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand - là nhờ “đòn bẩy” của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hối chuyển về tăng mạnh. Các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa trong tháng 9 vừa qua đều đảo chiều tăng mạnh, nhờ chính phủ nước này áp dụng các chính sách khôi phục và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.

Theo IMF, Mỹ cũng là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2023. Kinh tế Mỹ đã thể hiện sức mạnh cao hơn kỳ vọng, không chỉ thoát khỏi nguy cơ suy thoái, mà còn tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Chi tiêu tiêu dùng mạnh, đầu tư tăng trưởng ổn định, với sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (khoảng 3,9%) trong nhiều năm đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 5,2% trong quý III-2023, mức cao nhất kể từ quý IV-2021, trở thành một động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là một điểm sáng nổi bật với mức tăng trưởng có thể đạt khoảng 4% trong năm 2023. Trong đó, đáng chú ý, kinh tế Việt Nam cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của khu vực và toàn cầu. Tăng trưởng GDP của Việt Nam 3 quý đầu năm đạt 4,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,0% bình quân toàn cầu theo dự báo trước đó của IMF. ADB cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 5,2% và tăng lên 6% trong năm tới.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab trước đó vào tháng 9-2023 đã đánh giá, Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

Dù còn ảm đạm, song IMF cho rằng kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới và đó là cơ sở để tin tưởng và hy vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024.

Nguồn anninhthudo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục