Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

CHÂU THÀNH:

Sao không “giao tiền” cho người được thi hành án ? 

Cập nhật ngày: 10/11/2018 - 19:09

BTN - Vừa qua, Báo Tây Ninh nhận được đơn của 3 hộ dân đồng khiếu nại về việc Chi cục THADS huyện Châu Thành (Chi cục THADS) chậm chi tiền thi hành án, ảnh hưởng quyền lợi của họ hơn 1 năm qua. Ðiều khá lạ lùng, trong vụ việc trên, kể cả người phải thi hành án cũng lên tiếng “than phiền”, không hiểu vì sao tiền thi hành án đã nộp cho Chi cục rất lâu nhưng cơ quan này vẫn chưa giao cho người được thi hành án?

Bà Dới, bà Bằng, bà Huệ (từ trái qua) trình bày lại vụ việc.

ÐÃ NÊU RÕ QUAN ÐIỂM

Theo đơn trình bày, bà Nguyễn Thị Bằng (ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) được thi hành án số tiền 250 triệu đồng, bà Dương Thị Dới (ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Ðồng Khởi), được thi hành án số tiền 220 triệu đồng, bà Hồ Thị Huệ (ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Ðồng Khởi) được thi hành án số tiền 150 triệu đồng. Cả ba đều đã được Chi cục THADS ban hành các quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu vào cùng ngày 10.11.2015.

Phía phải thi hành án là vợ chồng ông Nguyễn Văn Cảnh và bà Dương Thị Giói, cùng ngụ ấp Cầy Xiêng. Khoảng tháng 8.2017, ông Cảnh, bà Giói bán được tài sản là phần đất diện tích 873,4m2 (qua đo đạc thực tế là 939m2) và tài sản khác gắn liền với đất, thuộc thửa đất số 130, tờ bản đồ số 23, toạ lạc tại nơi cư ngụ. Tài sản này do ông Cảnh đứng tên. Tuy nhiên, trước đó, trong quá trình xét xử vụ ly hôn giữa ông Cảnh và bà Giói, Toà án đã xác định đây là tài sản chung của hai người.

Sau khi bán được tài sản, bên phải thi hành án đã nộp hơn 600 triệu đồng tại Chi cục THADS vào khoảng tháng 9.2017. Thế nhưng, tính đến nay đã hơn 1 năm mà bên được thi hành án vẫn chưa nhận được tiền. “Trong khi, vấn đề về tài sản chung, nợ chung, nợ riêng giữa ông Cảnh và bà Giói đều đã có các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật xác định rõ. Thế nhưng, mãi cho đến nay Chi cục THADS vẫn chưa đưa tiền cho 3 chúng tôi. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, bà Bằng bức xúc.

Theo hồ sơ vụ việc, quả đúng là bên phải thi hành án đã nộp hơn 600 triệu đồng cho Chi cục THADS, số tiền được nộp 2 lần vào khoảng tháng 8 và tháng 9.2017. Bà Bằng, bà Dới, bà Huệ cho biết việc chậm chi tiền thi hành án là do bị “vướng” khiếu nại của ông Nguyễn Văn Ðẹp (chủ một khoản nợ riêng đối với ông Cảnh) về việc phân chia tài sản trong bản án ly hôn giữa ông Cảnh và bà Giói. Cụ thể, ông Ðẹp cho rằng số tài sản trên là của riêng ông Cảnh. Theo đó, ông Cảnh chỉ phải thi hành án cho ông Ðẹp và một khoản nợ khác từ ngân hàng. Ông Cảnh xác nhận ông Ðẹp có khiếu nại về nội dung trên.

Trong các bản án số 43, 44, 45, ngày 30.9.2015 của TAND huyện Châu Thành về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án (nguyên đơn là bà Dới, bà Bằng, bà Huệ; bị đơn là vợ chồng ông Cảnh), đại diện Chi cục THADS trình bày với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rằng: “Theo quyết định thi hành án số 128 ngày 14.5.2015 của Chi cục THADS, ông Cảnh phải trả cho ông Ðẹp số tiền hơn 300 triệu đồng cùng lãi suất chậm thi hành án và án phí. Ông Cảnh không có khả năng thi hành án. Chi cục THADS đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản nêu trên để đảm bảo thi hành án cho ông Ðẹp và Ngân hàng số tiền 200 triệu đồng. Ông Cảnh phải thi hành án tổng cộng số tiền hơn 500 triệu đồng kèm theo lãi suất”.

Cũng theo đại diện Chi cục THADS trình bày, trước khi kê biên tài sản, Chi cục làm việc, ông Cảnh cho biết chỉ có thế chấp tài sản để vay ngân hàng, ngoài ra không có giao dịch khác. Sau đó, Chi cục THADS nhận được Công văn số 142 ngày 6.8.2015 của TAND huyện Châu Thành về việc đang thụ lý giải quyết tranh chấp đối với tài sản mà Chi cục đang kê biên, xử lý. Từ đó, Chi cục tạm dừng việc bán đấu giá tài sản của ông Cảnh chờ đến khi Toà án xử lý xong vụ việc tranh chấp. Quan điểm của Chi cục THADS là tôn trọng mọi phán quyết của TAND huyện Châu Thành.

Trong các bản án trên, đại diện Chi cục THADS còn ghi nhận: ông Cảnh, bà Giói chuyển nhượng đất cho bà Bằng, bà Dới, bà Huệ là trước thời điểm Chi cục THADS cưỡng chế kê biên tài sản, nhưng do phần đất đang thế chấp tại ngân hàng nên các bên chưa sang tên được. Việc sang nhượng giữa các bên là vi phạm đến quyền lợi của ngân hàng trong hợp đồng vay tiền có thế chấp QSDÐ. Do đó, việc giao dịch trên là không hợp pháp. Chi cục tạm dừng việc xử lý, bán đấu giá tài sản của ông Cảnh, chờ kết quả giải quyết của Toà. Khi các bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục sẽ tiếp tục thi hành án đối với tài sản của ông Cảnh.

SAO VẪN CHƯA THI HÀNH ?

Ðại diện phía ngân hàng cũng đã trình bày ý kiến trong các bản án: hợp đồng tín dụng giữa ông Cảnh và ngân hàng chưa đến hạn nên ông Cảnh không vi phạm hợp đồng vay. Tuy nhiên, ngân hàng không biết việc ông Cảnh bán đất cho những người nêu trên. Nếu ông Cảnh chuyển nhượng đất cho người khác, ngân hàng yêu cầu trả tất nợ vay. Tiếp đến, ngân hàng sẽ xoá thế chấp cho ông Cảnh theo đúng quy định. Việc những người mua đất yêu cầu ông Cảnh thực hiện tiếp các bước lưu thông hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ, trong khi ông Cảnh chưa trả tất nợ cho ngân hàng là vi phạm hợp đồng tín dụng, ngân hàng không đồng ý.

TAND huyện Châu Thành quyết định tuyên bố vô hiệu giao dịch dân sự về chuyển nhượng QSDÐ giữa bà Bằng, bà Dới, bà Huệ và vợ chồng ông Cảnh. Tuyên hợp đồng vô hiệu, buộc vợ chồng ông Cảnh có nghĩa vụ trả lại số tiền mà các bà đã mua đất… Ghi nhận, bà Bằng, bà Dới, bà Huệ không yêu cầu bồi thường thiệt hại chênh lệch về giá đất. Ðược biết, các bản án trên không bị kháng cáo, bản án đã có hiệu lực pháp luật, Chi cục THADS đã ban hành các quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu cho các đương sự vào cùng ngày 10.11.2015 như đã đề cập.

Thực tế, Chi cục THADS đã giải toả cưỡng chế kê biên để cho vợ chồng ông Cảnh tự bán tài sản. Vợ chồng ông Cảnh bán xong tài sản và đã nộp tiền vào Chi cục THADS nhưng đến nay, bà Bằng, bà Dới và bà Huệ vẫn chưa được thi hành án. Trong khi, tại các bản án số 43, 44, 45 đã thể hiện khá rõ quan điểm của đại diện Chi cục THADS là tôn trọng mọi phán quyết của Toà án. Thế nhưng, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Ðẹp khiếu nại, Chi cục lại không tiến hành thi hành án cho bà Bằng, bà Dới, bà Huệ.

Trong khi đó, tại Bản án phúc thẩm số 26 ngày 29.6.2017 của TAND tỉnh về việc ly hôn và chia tài sản khi ly hôn giữa ông Cảnh, bà Giói cũng như tại Quyết định số 15 ngày 25.7.2017 của TAND tỉnh về việc sửa chữa, bổ sung Bản án phúc thẩm số 26, đều xác định rõ: bà Giói xin ly hôn, ông Cảnh đồng ý ly hôn. Bà Giói và ông Cảnh không yêu cầu giải quyết về con chung.

Tài sản chung gồm phần đất diện tích 873,4m2 (đo thực tế là 939m2, do ông Cảnh đứng tên, đang thế chấp tại ngân hàng) và căn nhà lợp tole trên đất. Về nợ chung, căn cứ theo các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (như đã nêu trên - P.V). Số tiền mà ông Cảnh nợ ông Ðẹp là nợ riêng của ông Cảnh…

Nhận thấy, việc phân chia tài sản giữa ông Cảnh và bà Giói đã được cơ quan có thẩm quyền là Toà án xác định rõ. Bản thân ông Cảnh và bà Giói cũng đã thống nhất và không có ý kiến gì về bản án giải quyết ly hôn. Vậy, căn cứ vào đâu để ông Ðẹp khiếu nại, dẫn đến việc “ách tắc” thi hành bản án của Toà án như hiện nay?

Ðược biết, khi bà Bằng, bà Dới, bà Huệ có đơn khiếu nại, ngày 8.10.2018, Cục THADS tỉnh có phiếu chuyển đơn đến Chi cục THADS huyện Châu Thành giải quyết theo thẩm quyền, “báo cáo kết quả về Cục THADS tỉnh” thì bất ngờ, Chi cục THADS Châu Thành gửi 3 thông báo đề ngày 16.10.2018 đến bà Huệ, bà Bằng, bà Dới với nội dung không thụ lý đơn khiếu nại về thi hành án với lý do, ngày 22.1.2018, Chi cục THADS đã ra các quyết định giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, bà Huệ, bà Bằng, bà Dới khẳng định: “Chúng tôi chưa từng nhận được các quyết định giải quyết khiếu nại, tại sao Chi cục THADS lại thông báo như vậy?

Ngày 2.10.2018, tác giả bài viết đã gửi phiếu đề nghị cung cấp thông tin trường hợp nêu trên, nhưng nhiều lần liên hệ, đến nay Cục THADS tỉnh vẫn chưa trả lời vụ việc của bà Bằng, bà Dới, bà Huệ.

QUỐC SƠN