BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sập bẫy tín dụng đen 

Cập nhật ngày: 19/08/2022 - 00:25

BTN - Thời gian qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra, trong khi giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng cao khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn tìm đến các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay nặng lãi và họ trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”.

Chưa vay được tiền đã mất tiền

Thời gian gần đây, các app (Application - ứng dụng) cho vay trực tuyến phát triển mạnh với sự biến tướng trở thành hình thức tín dụng đen với lãi suất rất cao. Chỉ với một số từ khoá đơn giản như: “vay siêu tốc”, “vay online”, người dùng dễ dàng tìm được hàng chục địa chỉ các trang web và ứng dụng xuất hiện trên của hàng ứng dụng điện thoại quảng cáo cho vay không cần thế chấp tài sản, nhanh, tiện lợi....

Những ngày qua, bà D.T.U ngụ xã Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành liên tục nhận hàng chục cuộc gọi từ những số máy lạ với những lời lẽ đe doạ mặc dù bà chưa hề vay vốn của cá nhân hay tổ chức nào.

Theo bà U, từ cuối tháng 7 vừa qua, bà nhận được cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng là nhân viên một ngân hàng, mời chào về khoản vay tín chấp với lãi suất thấp. Sau khi xác nhận nhu cầu vay, đối tượng này yêu cầu bà kết bạn Zalo với người có tên Tùng Lâm bằng số điện thoại 0797729966 và nhắn tin với nội dung “tôi muốn vay vốn”. Sau các bước hỏi thăm về thông tin cá nhân, đối tượng tên Tùng Lâm bắt đầu giới thiệu về khoản vay với mức lãi suất chỉ 0,7% tháng.

“Ngay sau khi tôi đồng ý vay, đối tượng Tùng Lâm liền gửi cho tôi địa chỉ https://tinyurl.com/MIREACREDIT yêu cầu tôi đăng nhập và điền đầy đủ thông tin cá nhân, trong đó có việc yêu cầu chụp ảnh 2 mặt căn cước công dân, ảnh chân dung bản thân, số điện thoại và số tài khoản ngân hàng đang sử dụng để đăng ký vay.

Khi hoàn thành phần đăng ký vay nêu trên, có một người tự giới thiệu tên là Nguyễn Huy Hiệp gọi từ số điện thoại 0562743030 thông báo là hồ sơ vay vốn của tôi bị sai, nên bị khoá tài khoản, người này yêu cầu tôi phải đến trụ sở ngân hàng ở Đà Nẵng trong vòng 24 giờ để làm lại hồ sơ vay cho đúng, nếu không sẽ chuyển khoản vay của tôi cho người khác, còn tôi phải gánh số nợ trên.

Sau một lúc nghe tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn, không thể đến Đà Nẵng, thì đối tượng Huy nói có thể giúp đỡ tôi xác thực hồ sơ nhưng tôi phải chuyển cho hắn 10 triệu đồng. Do lo sợ phải gánh khoản nợ khi chưa được nhận tiền vay, tôi đã chuyển ngay cho hắn. Sau khi chuyển tiền, tôi lại nhận được một tin nhắn cung cấp mật mã rút tiền và yêu cầu tôi làm theo hướng dẫn tương tự như lần trước.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo, thì tôi lại tiếp tục được thông báo việc giải ngân thất bại, lần này đối tượng tên Huy tiếp tục gọi điện và yêu cầu tôi phải chuyển số tiền 20 triệu đồng để xác minh lại lần nữa với lời hứa là sau khi thực hiện thành công, toàn bộ số tiền tôi đóng sẽ được hoàn trả lại.

Cũng giống như lần trước, tôi cũng thực hiện theo nhưng kết quả cuối cùng vẫn bị thông báo thất bại, lần này đối tượng Huy tiếp tục gọi cho tôi, nói là tôi đã xâm nhập hệ thống bảo mật của ngân hàng, do đó, tôi phải đóng 40 triệu đồng để không bị truy tố, do quá lo lắng nên tôi phải vay mượn bạn bè và người thân được 8,5 triệu đồng để tiếp tục chuyển”.

Tin nhắn yêu cầu bà U chuyển tiền.

Liên tục bị đe doạ, khủng bố

Nắm bắt tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo đã liên tục gọi điện, nhắn tin cho bà U với những lời lẽ khó nghe, yêu cầu bà tiếp tục chuyển tiền cho chúng.

Bà U cho biết, khoảng hơn 1 tuần qua, có hàng trăm số máy lạ liên tục gọi điện cho bà, ban đầu chúng nói chuyện nhỏ nhẹ để dụ bà tiếp tục chuyển tiền. Nhưng khi biết không thể dụ dỗ được nữa thì chúng chuyển sang đe doạ. “Tụi nó nói đã chuyển hồ sơ qua công an, họ sẽ bắt tôi về tội xâm nhập trái phép thông tin bảo mật gì đó. Và khởi kiện tôi ra toà vì tôi vay tiền mà không trả. Trong khi tôi chưa hề nhận được đồng nào”- bà U lo lắng kể.

Thời gian gần đây, tình trạng sập bẫy tín dụng đen qua app ngày càng nhiều. Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng chủ động liên hệ qua ứng dụng Zalo, Telegram, messenger… tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng để hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, các đối tượng cung cấp link (đường dẫn) tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động.

Những ứng dụng này thường sẽ không có trên ứng dụng CH Play (hệ điều hành Android) và ứng dụng App Store (hệ điều hành IOS). Sau khi nạn nhân đăng nhập vào, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ của điện thoại để thu thập các thông tin cá nhân liên quan phục vụ mục đích đòi nợ, khủng bố của đối tượng. Điều đáng nói là nạn nhân thường là những người đang gặp khó khăn về kinh tế, khó tiếp cận được các nguồn vay chính thống từ ngân hàng.

Khi nạn nhân sập bẫy, để đòi nợ, các đối tượng thực hiện thủ đoạn đe doạ, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè…để thu hồi được khoản vay.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các hộ có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì liên hệ hoặc đến các cơ quan chính quyền để được hỗ trợ vay từ các Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ người nghèo, tuyệt đối không vay qua các đối tượng không rõ thông tin trên các trang mạng xã hội. Khi phát hiện hành vi cho vay lãi nặng, người dân cần phối hợp, báo ngay cho công an nơi gần nhất.

Thiện Đức