BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sắp kết thúc vụ Đông Xuân: Người vui, kẻ buồn

Cập nhật ngày: 17/04/2010 - 04:00

Hiện nay là thời điểm sắp kết thúc vụ thu hoạch đông xuân, nông dân các huyện phía Nam của tỉnh, một bộ phận phấn khởi vì nông sản của mình được mùa, bán được giá. Một bộ phận khác được mùa, nhưng nông sản không được giá. Bên cạnh đó có một bộ phận không được mùa cũng chẳng được giá nên đang gặp nhiều khó khăn. Đáng lo là số người đang gặp khó khăn lại chiếm đa số. Vui nhất là những người trồng bắp giống, trồng đậu phộng. Còn nỗi buồn lại đến với những người làm lúa và làm thuốc lá vàng.

* Trồng bắp giống theo hợp đồng với các công ty: “kiếm ăn được”

Nông dân Gò Dầu cho bắp vào bao chuẩn bị giao cho công ty theo hợp đồng

Anh Ba Lê ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước (Gò Dầu) vui vẻ cho biết, vụ đông xuân 2009-2010 này, gia đình anh hợp đồng với một công ty giống ở An Giang, trồng 70 cao (0,7 ha) bắp giống. Công ty cung cấp hạt giống (theo mức 10 kg/ha) và cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu xuống giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Theo hợp đồng khi thu hoạch bắp, công ty mua lại với giá 10.000 đồng/ kg bắp khô nguyên cùi (chỉ lột bỏ phần vỏ bên ngoài trái bắp). Toàn bộ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cán đều do người trồng tự lo. Nhờ có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, anh Lê thu hoạch được hơn 5 tấn bắp trái. Trừ hết các chi phí anh còn lời trên 30 triệu đồng. Nhờ có vụ bắp này mà anh Ba Lê trả được hết nợ vật tư nông nghiệp từ mấy vụ trước. Lão nông Huỳnh Văn Nha, 69 tuổi nhà ở ấp Suối Cao B, xã Phước Đông (Gò Dầu) vui vẻ cho biết, vụ đông xuân này, ông hợp đồng với một công ty giống ở Bình Dương trồng 30 cao bắp giống loại hai. Công ty đưa hạt giống và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng. Theo hợp đồng công ty mua bắp của ông với giá 5.500 đồng/kg bắp khô nguyên cùi. Trừ chi phí ông còn lời hơn 8 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Ngạch (52 tuổi) cũng ở ấp Suối Cao B hợp đồng trồng 40 cao bắp giống loại hai, trừ hết chi phí còn lời được 15 triệu đồng. Anh Mười Nẫn, nhà cũng ở ấp Suối Cao B, hợp đồng với một công ty ở Đồng Nai, trồng bắp giống “VN 10”. Theo hợp đồng công ty đưa hạt giống cho nông dân trồng và mua lại với giá 6.500 đồng/kg. Vụ này anh Nẫn hợp đồng trồng 30 cao, thu hoạch được hơn 2,6 tấn. Trừ hết các chi phí anh còn lời gần 10 triệu đồng.

Những nông dân trồng bắp cho biết, vụ đông xuân này, dù hợp đồng với công ty nào, trồng loại bắp giống gì, giá cả có khác nhau, nhưng chỉ cần năng suất đạt mức trung bình là nông dân có lời từ hơn 20 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Trồng bắp giống theo hợp đồng với các công ty giống, nông dân rất an tâm về đầu ra sản phẩm. Không như các loại cây trồng khác như lúa, đậu phộng nông dân rất lo khâu đầu ra vì giá cả luôn bấp bênh. Tiếc rằng các công ty chưa mở rộng cho nhiều người hợp đồng trồng bắp, chỉ bó hẹp theo từng khu vực nhất định. Chính vì vậy trong vụ đông xuân này còn nhiều nông dân ở xã Thanh Phước cũng muốn hợp đồng trồng bắp giống nhưng các công ty không cung cấp hạt giống. Theo số liệu của ngành chức năng, vụ đông xuân toàn tỉnh trồng 3.554 ha bắp, thực tế chỉ đạt chưa đầy 60% kế hoạch vụ và chỉ bằng 71% so cùng kỳ.

* Đậu phộng giảm diện tích, lúa và thuốc lá rớt giá

Chị Hồ Thị Nhiên (42 tuổi) đang ngồi lặt đậu phộng trên cánh đồng ấp An Đước, xã An Tịnh (Trảng Bàng) vui vẻ cho biết, vụ này nhà chị trỉa 30 cao đậu phộng, thu hoạch được khoảng một tấn. Giá trước Tết Canh Dần là 21.000 đồng/kg đậu vỏ loại khô. Từ sau Tết giá xuống còn 17.000 – 18.000 đồng/kg, nhưng vẫn còn cao gấp đôi năm rồi. Trừ chi phí, gia đình chị Nhiên còn lời được khoảng 10 triệu đồng. Tuy có lời nhiều, nhưng người trỉa đậu phộng cũng đang lo, vì giá cả lên xuống thất thường. Những người sản xuất đậu phộng hiện nay vẫn làm theo lối “tự sản, tự tiêu” vì chưa có ai đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy mà vụ đông xuân 2009-2010 này diện tích trồng đậu phộng giảm xuống rất nhiều. Cũng theo số liệu của ngành chức năng, vụ đông xuân này, toàn tỉnh xuống giống chưa tới 9.500 ha đậu phộng, chỉ đạt 55% kế hoạch và bằng 68% so với cùng kỳ.

Ông Hai Lách, ngoài 60 tuổi, ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước buồn bã cho biết, vụ đông xuân này gia đình ông sản xuất 1,1 ha lúa, chia làm hai đợt. Đợt một ông thu hoạch xong 50 cao, cách đây 10 ngày. Lúa đạt năng suất khá, ông thu hoạch được 2,5 tấn. Gặp lúc lúa xuống giá ông vô bao chất đống bên hông nhà chờ lái cho tới nay chưa bán được. Lúc lúa có giá, lái đến tận ruộng để tranh mua, còn bây giờ vô bao sẵn để tại nhà, kêu lái họ làm lơ không đến. Có lái trả chiếu lệ 3.800-3.900 đồng/kg. Trả giá rồi đi luôn không quay lại. Hiện ông Hai Lách còn lại 60 cao chuẩn bị thu hoạch. Cũng “hoàn cảnh” như ông Hai Lách, nhiều nông dân thu hoạch lúa đông xuân vào thời điểm này đang rất lo lắng vì giá lúa quá  thấp. Trong khi đa số nông dân nghèo phải mua thiếu phân bón, thuốc trừ sâu từ các đại lý với giá cao hơn nhiều so với giá trả tiền mặt, lại còn phải chịu lãi suất 3% mỗi tháng. Lúa chất đống chưa bán được. Trong khi lãi vật tư ở các đại lý mỗi ngày một tăng, thử hỏi người nghèo làm lúa sao không lo lắng. Theo số liệu của ngành chức năng vụ đông xuân này nông dân gieo sạ 45.247 ha lúa, đạt 113% kế hoạch vụ, tăng 7,7% so cùng kỳ.

Vụ đông xuân 2009-2010, toàn tỉnh xuống giống chưa tới 9.500 ha đậu phộng, chỉ đạt 55% kế hoạch và bằng 68% so với cùng kỳ.

Cùng với người trồng lúa, những người trồng thuốc lá vàng cũng không vui. Một nông dân ở xã Phước Lưu cho biết, vụ này thuốc lá sấy loại 1, chủ lò sấy ở địa phương mua chỉ có 25.000 đồng/kg, giảm hơn vụ vừa rồi 3.000 đồng/kg. Anh đã hái và sấy bán hết đám thuốc của mình rồi nhưng đến nay vẫn chưa lấy được đồng nào. Khó khăn hơn nữa là những người trồng thuốc lá vàng ở Bến Cầu, vì phải đối mặt với hạn hán, chi phí đầu vào cho cây thuốc cao hơn năm trước, nhưng năng suất thấp hơn, giá cả lại sụt giảm. Thậm chí có người bán sắp hết đám thuốc của mình mà vẫn chưa biết giá cả như thế nào. Vì trong hợp đồng không ghi giá, chủ lò sấy chỉ cho biết giá thấp hơn năm rồi, không nói rõ là bao nhiêu, và cũng chưa tính tiền. Theo số liệu của ngành chức năng vụ đông xuân này, toàn tỉnh trồng 4.596 ha, đạt 120% so với kế hoạch và tăng 39% so với cùng kỳ.

* Vì đâu nông nghiệp cứ bấp bênh?

Được biết hiện nay ở các huyện phía Nam có các loại cây trồng như bắp giống, thuốc lá vàng là nông dân có ký hợp đồng với các công ty để bao tiêu sản phẩm. Nhưng diện tích hợp đồng, nhất là cây bắp giống vẫn còn hạn chế. Còn lại các loại cây trồng khác như lúa, đậu phộng, hoa màu, đều do nông dân tự trồng rồi tự tìm thị trường đầu ra theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Đa số nông dân hễ thấy cây trồng nào bán được giá là tập trung làm theo, bất chấp đến quy luật cung cầu của thị trường. Như năm rồi thấy trồng đậu phộng thất mùa, thất giá nhiều người bỏ cây đậu phộng, trồng cây khác. Năm nay những ngày đầu mới thu hoạch giá đậu phộng tăng gấp đôi. Tết Kỷ Sửu năm trước có một số người trồng hoa vạn thọ, bán kiếm tiền xài Tết được. Thấy vậy Tết Canh Dần vừa qua, nhiều người trồng vạn thọ dẫn đến dội chợ, ế thừa, đến nỗi nhiều người bỏ hoa héo tàn trên đồng ruộng.

Thiết nghĩ để nông dân an tâm sản xuất, tránh tình trạng “tự sản tự tiêu” theo kiểu “may nhờ rủi chịu”, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các nhà, mà trước hết là cần phải có sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp để đảm bảo khâu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có biện pháp cung cấp thông tin để định hướng cho bà con sản xuất. Không thể chỉ lập kế hoạch mà không có giải pháp nào để điều hành sản xuất theo đúng kế hoạch.

Duy Huân