BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sáp nhập nhiều Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên 

Cập nhật ngày: 08/12/2023 - 18:33

BTNO - Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) báo cáo kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Dưới đây là một số nội dung cơ bản.

Học sinh Trung tâm GDNN - GDTX TP. Tây Ninh học trong cơ sở rất chật chội.

Nôi dung: “Tiếp tục nắm chắc tình hình việc làm ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn của kinh tế thế giới và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc theo quy định. Tăng cường nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp mới, trên cơ sở đó kết nối để giới thiệu việc làm cho những lao động bị mất việc trên địa bàn”- nội dung nêu trên được đặt ra tại kỳ họp thứ 8.

Tại kỳ họp thứ 10, Sở LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên nắm tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong việc giới thiệu việc làm, giải quyết các chế độ thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm theo quy định. 

Hình thức nắm bắt nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp: thông qua kết quả doanh nghiệp tuyển dụng lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh giới thiệu; thông qua nhóm Zalo “Kết nối việc làm năm 2022” nhằm nắm thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, từ đó kết nối việc làm cho người lao động tìm kiếm việc làm thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh.

Nội dung:  “Quan tâm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia có các nội dung về tạo việc làm cho người lao động, trong đó quan tâm đến các đối tượng bị mất việc ở các doanh nghiệp không có khả năng quay lại làm việc ở các doanh nghiệp khác”.

Vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH thông tin, thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở đã chỉ đạo và giao Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh triển khai hỗ trợ giao dịch việc làm; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Kết quả triển khai thực hiện về hỗ trợ giao dịch việc làm: tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm. Tháng 11 và 12.2023 tổ chức 2 ngày hội việc làm tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh và Trường cao đẳng nghề Tây Ninh.

Việc thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động: Dự kiến triển khai trong năm 2024, lý do đang dự thảo trình UBND tỉnh kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững giai đoạn 2024-2025.

Nội dung: “Hiện nay các chương trình, các kế hoạch về hỗ trợ tạo việc làm, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã được cụ thể hoá, để kế hoạch đi vào cuộc sống, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm triển khai đến từng đối tượng cụ thể, địa bàn cụ thể, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận sự hỗ trợ, tạo việc làm và thu nhập thực tế cho người thụ hưởng, tránh tình trạng triển khai hình thức không đem lại hiệu quả”.

Sở LĐ-TB&XH trả lời: Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn năm 2023 với 87 lớp/2.779 người tham gia học nghề. Tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ từ đầu năm đến nay hỗ trợ đào tạo nghề và thanh quyết toán cho 273 thẻ học nghề.

Chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các đối tượng yếu thế trong đó có người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia học nghề theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nội dung: “Đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương lập dữ liệu về nguồn lao động tại địa phương, tình hình sử dụng lao động, tình hình thất nghiệp, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn để dự báo và xác định nhu cầu lao động, từ đó có phương án kết nối cung cầu để giải quyết việc làm cho người lao động cũng như làm cơ sở định hướng cho công tác đào tạo nghề, dạy nghề, định hướng việc làm kết hợp với phân luồng học sinh.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về lao động, việc làm, đồng thời hỗ trợ cho người dân, nhất là người lao động có nhu cầu cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thông tin chính xác, kết nối giải quyết hiệu quả cung - cầu lao động”.

Sở LĐ-TB&XH trả lời: Thực hiện Kế hoạch số 1178/KH-UBND ngày 20.4.2023 của UBND tỉnh về việc cập nhật, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Sở LĐ-TB&XH đã triển khai công tác cập nhật, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, kết quả như sau: Thu thập thông tin người lao động: 711.443 người + thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, có 2.265 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 43.326 lao động + thông tin người lao động nước ngoài: 3.607 người.

Trên cơ sở dữ liệu điều tra, cập nhật tình hình lao động tại địa phương, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh xác định nhu cầu lao động các doanh nghiệp, tình trạng việc làm của lao động từ đó dự báo và đưa ra phương án kết nối cung cầu để giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động và người lao động có thể tìm kiếm việc làm phù hợp cho bản thân thông qua địa chỉ http://vieclamtayninh.gov.vn. Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hình thành nhóm Zalo “Kết nối việc làm năm 2022” nhằm cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, từ đó thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp được đăng tải lên trang web http://vieclamtayninh.gov.vn để người lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm việc làm.

Nội dung: Thực hiện rà soát hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh (cả công lập và ngoài công lập), xác định rõ những hạn chế bất cập so với yêu cầu của thị trường hiện nay, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch nâng cao năng lực và chất lượng dạy nghề, trong đó cần tập trung xác định ngành nghề mà doanh nghiệp ở địa phương có nhu cầu, nhất là những ngành nghề mới.

Sở LĐ-TB&XH trả lời: Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hiện có 19 cơ sở: UBND tỉnh đã ban hành quyết định sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, huyện Châu Thành thành Cụm Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh.

Thời gian tới dự kiến tiếp tục sáp nhập Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Gò Dầu thành Cụm Trung tâm GDNN-GDTX huyện  Gò Dầu; sáp nhập Trung tâm GDNN-GDTX huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu, huyện Tân Biên thành Cụm Trung tâm GDNN-GDTX Tân Châu.

Việt Đông – Phương Thuý