BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Phát triển sản xuất ở các xã còn tự phát

Cập nhật ngày: 05/06/2013 - 05:37
HTML clipboard

(BTNO)- Tại hội nghị bàn về kết quả 2 năm (2011 – 2012) thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vào ngày 4.6, UBND tỉnh đánh giá còn không ít hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như phát triển sản xuất ở các xã.

Trong 2 năm, các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được 357 lớp, có 10.902 học viên (bình quân 5.451 học viên/năm), 24 nghề (nông nghiệp: 15, phi nông nghiệp: 9). Số lao động nông thôn được học nghề là 10.902 người; số lao động nông thôn đã học xong nghề là 10.818 người và số người có việc làm là 8.107.

Tại 17 xã điểm đã tổ chức được 24 lớp với 1.051 học viên được cấp chứng nhận học nghề, gồm: cạo mủ cao su, nuôi cá lồng bè, trồng rau nhút, trồng rau mầm, trồng gừng, trồng ớt.

Phát triển sản xuất ở nông thôn còn tự phát, manh mún- Ảnh minh hoạ

Tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm đạt 74,94%, trong đó các nghề: kỹ thuật trồng lúa đạt 96,42%, nghề đan lát ở huyện Trảng Bàng đạt 90%, nghề se nhang ở huyện Dương Minh Châu đạt 100%. Công tác đào tạo nghề góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề của tỉnh đến năm 2012 đạt 51%. So với tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí này đạt và vượt.

Trong 2 năm, các địa phương đã phát triển thêm 11 HTX nông nghiệp, củng cố và nâng chất một số mô hình HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX Tân Tiến (huyện Tân Châu), HTX Hòa Bình (huyện Trảng Bàng), HTX Tân Long và HTX nuôi rắn (huyện Dương Minh Châu), HTX sản xuất rau an toàn Rỗng Tượng (huyện Gò Dầu). Tại các xã điểm, đã thành lập tổ hợp tác (THT) se nhang xã Bến Củi, THT nuôi trồng thủy sản xã Phước Ninh, THT trồng hành lá xã Tiên Thuận, HTX cao su tiểu điền xã Trường Hòa, HTX dịch vụ giống cây trồng xã Bàu Đồn. Theo đánh giá của các xã, có 48/82 xã- trong đó 13/17 xã điểm- đạt tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất.

Kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất đào tạo nghề trong 2 năm qua là trên 32 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là 15,261 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 17,025 tỷ đồng (vốn sự nghiệp khuyến nông 6,454 tỷ đồng, đào tạo nghề 4,790 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể 5,781 tỷ đồng).

Tuy nhiên việc phát triển sản xuất ở các xã còn mang tính tự phát, thiếu tính kết nối với quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất; mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chậm phát triển; ngành nghề nông thôn ít được quan tâm đầu tư để phát triển theo quy hoạch, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả cao (25,06% - tương ứng 2.711 lao động nông thôn chưa có việc làm sau khi học nghề do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chuyển nghề, bỏ nghề, thiếu vốn sản xuất...). Hầu hết các xã là xã thuần nông, người dân phần lớn vẫn còn dựa vào sự hỗ trợ của các chương trình, dự án. Các tổ chức kinh tế hợp tác lĩnh vực nông nghiệp ở các xã cơ bản vẫn hoạt động khó khăn, tỷ lệ xã đạt tiêu chí 10 về thu nhập còn thấp (2/82 xã).

HOÀNG THI