BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sau 4 năm chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn ở Tây Ninh:
Số hộ mua điện trực tiếp tăng hơn 4 lần

Cập nhật ngày: 28/05/2009 - 09:05

Nâng cấp lưới điện nông thôn

Vừa qua, ngành Điện lực nhiều tỉnh đã đến Tây Ninh khảo sát và học tập kinh nghiệm chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn. Được biết, Điện lực Tây Ninh là một trong số ít đơn vị trong ngành Điện cả nước hoàn thành tốt nhất việc tiếp nhận lưới điện nông thôn, tổ chức bán lẻ đến từng hộ khách hàng. Yếu tố quyết định cho thành công này là sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng quản lý Nhà nước và nỗ lực của ngành Điện lực.

Tiếp nhận và quản lý gần 1.600 tổ điện nông thôn

Cuối tháng 12.2003, UBND tỉnh ban hành “Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn tại Tây Ninh”. Đề án xuất phát từ thực tế là hầu hết các tổ điện nông thôn có nhiều nhược điểm trong công tác quản lý, dẫn đến tình trạng chất lượng điện cung cấp cho dân sử dụng kém mà giá phải trả lại cao. Trước đây, lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hầu hết do nhân dân tự đóng góp xây dựng để phục vụ nhu cầu có điện sử dụng, nên đa số thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống không đảm bảo kỹ thuật. Có nhiều nơi lưới điện sử dụng lâu mà không được cải tạo nên đã xuống cấp trầm trọng. Hơn nữa, do trình độ quản lý điện của các tổ trưởng còn rất hạn chế, phát sinh nhiều tiêu cực nên người dân nông thôn thường phải chịu mức giá điện cao hơn rất nhiều so với những hộ mua điện trực tiếp với Điện lực. Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn có đề xuất một số mô hình, nhưng mô hình phù hợp nhất là bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện lực quản lý và tổ chức bán lẻ đến từng hộ.

Đầu năm 2004, dưới sự chủ trì của Sở Công nghiệp, Điện lực Tây Ninh bắt đầu triển khai thực hiện đề án, tổ chức tiếp nhận các tổ điện ở nông thôn và triển khai gắn điện kế trực tiếp bán điện đến từng hộ. Đầu năm 2004, UBND tỉnh tổ chức triển khai đề án đến các sở, ngành, các huyện thị. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện thị đã nhanh chóng triển khai lập kế hoạch cụ thể. Nhờ sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh mà chỉ sau 2 tháng triển khai, các huyện thị đã ban hành kế hoạch chuyển đổi. Từ cơ sở đó, tháng 2.2004, dưới sự chủ trì của Sở Công nghiệp, Điện lực Tây Ninh bắt đầu triển khai thực hiện đề án, tổ chức tiếp nhận các tổ điện ở nông thôn và triển khai gắn điện kế trực tiếp bán điện đến từng hộ. Đến cuối năm 2007, Điện lực Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận hoàn tất gần 2.000 tổ điện nông thôn với tổng số hộ sử dụng điện là hơn 110.000 hộ. Tổng chiều dài đường dây hạ áp ngành Điện lực đã tiếp nhận là 2.300 km. Sau khi tiếp nhận, ngành Điện lực tiến hành đầu tư nâng cấp một số đường dây xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ gây nguy hiểm. Trong 4 năm- từ 2005 đến 2008 ngành Điện lực đầu tư hơn 45 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hơn 118 km lưới điện nông thôn đã tiếp nhận.

Số hộ mua điện trực tiếp tăng hơn 4 lần

Lắp điện kế bán lẻ đến từng hộ sử dụng

Song song với công tác đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn, ngành Điện lực tiến hành lắp đặt điện kế đúng tiêu chuẩn để bán lẻ đến từng hộ sử dụng ngay sau khi tiếp nhận. Để không gây khó khăn cho các hộ sử dụng khi chuyển đổi từ tổ điện quản lý sang ngành Điện lực quản lý, ngành Điện lực chịu toàn bộ chi phí lắp đặt điện kế bao gồm: điện kế, hộp bảo vệ điện kế, cáp muller và các phụ kiện khác. Điện kế trước khi lắp đặt cho các hộ sử dụng điện được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng theo quy định, trước khi lắp phải được kiểm định và bấm chì niêm phong hợp pháp. Hộ sử dụng chỉ phải chịu chi phí đường dây và bóng điện thắp sáng trong nhà từ sau điện kế. Riêng đường dây điện từ điện kế vào nhà, ngành Điện lực cố gắng tận dụng lại những đoạn dây cũ còn có thể sử dụng được để giảm bớt tốn kém cho hộ sử dụng. Chính vì thế mà số hộ gắn điện kế mua điện trực tiếp từ Điện lực ngày càng tăng rất nhanh. Năm 2004 toàn tỉnh chỉ có hơn 50.000 khách hàng được lắp điện kế bán lẻ trực tiếp, năm 2005 tăng lên hơn 116.000 khách hàng, năm 2006 tăng lên hơn 205.000 khách hàng và đến cuối năm 2008 tiếp tục tăng lên hơn 227.000 khách hàng. Như vậy, sau 4 năm tiến hành tiếp nhận lưới điện nông thôn, số lượng khách hàng được lắp điện kế bán lẻ trực tiếp ở Tây Ninh tăng lên hơn 4 lần so với trước khi tiếp nhận. Trong đó có hơn 160.000 hộ dân nông thôn có điện sử dụng trực tiếp mà không qua trung gian tổ điện như trước đây.

Mặc dù đến nay vẫn còn một số khó khăn mà ngành Điện lực cần tiếp tục giải quyết như: cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lưới điện; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng… nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng điện năng. Thực tế cho thấy sau hơn 4 năm thực hiện đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn của tỉnh, kết quả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân- nhất là nhân dân các vùng nông thôn, biên giới.

SƠN TRẦN