BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sau 4 năm Việt Nam gia nhập WTO: Sản xuất công nghiệp ở Tây Ninh tăng trưởng nhưng còn nhiều hạn chế

Cập nhật ngày: 17/12/2010 - 11:12

Công nghiệp chế biến mía đường

Sở Công thương Tây Ninh cho biết, việc Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức thương mại thế giới) đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và tăng lượng xuất khẩu hàng hoá. Mới đây, Sở Công thương đã có đánh giá sơ bộ về những thành quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại của tỉnh nhà sau 4 năm nước ta gia nhập WTO.

Theo đánh giá của Sở Công thương, sau khi Việt Nam gia nhập WTO (ngày 7.11.2006, WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào tổ chức này), hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng tăng cả về quy mô và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp trong 4 năm (2007-2010) là 15,64%/năm. Nếu tính cả giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân là 17,53%/năm; giá trị sản xuất đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 2,24 lần so với thời kỳ 2001-2005. Tất nhiên, kết quả trên không phải “tự dưng” do WTO mang lại. Tuy nhiên, những con số cụ thể, rõ ràng trên cho thấy sự thuận lợi và cơ hội phát triển của Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng sau khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn với kinh tế thế giới.

Đáng chú ý là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo khu vực kinh tế ở Tây Ninh có sự thay đổi. Sự tăng trưởng của công nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang khu vực kinh tế trong nước (năm 2007 chiếm 51%, tăng lên 56% vào năm 2010). Xét cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành thì công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn, bình quân 93%/năm và vẫn trong xu hướng chuyển dịch tăng. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống; tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại, sản xuất trang phục.

Về xuất nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo chiều hướng tăng cả về lượng và trị giá (trị giá xuất khẩu hàng hoá có tốc độ tăng trưởng bình quân 21,7%/năm trong giai đoạn 2007-2010). 

Một góc KCN Trảng Bàng vừa được đầu tư hạ tầng, nhà xưởng

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến, gia công sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương (nguyên liệu từ nông nghiệp, lao động). Trong cơ cấu trị giá xuất khẩu (2007-2010), gia công hàng dệt, may và giày thể thao xuất khẩu, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 40%/năm; chế biến cao su thành phẩm và các sản phẩm từ cao su chiếm 27%/năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh một số kết quả đạt được như đã nêu, ngành công nghiệp ở tỉnh ta còn một số hạn chế như: Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân cả nước, nhưng về tỷ trọng còn đạt thấp so với một số tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Phần lớn các cơ sở sản xuất còn ở quy mô vừa và nhỏ (hộ cá thể chiếm 93,3%). Trình độ công nghệ, máy móc thiết bị chủ yếu ở mức trung bình và lạc hậu, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp...

HOÀNG THI

 

 

 


 
Liên kết hữu ích